Theo dõi thi hành pháp luật liên ngành 2015: Trọng tâm là chống buôn lậu, gian lận thương mại

(PLO) - Hôm qua (2/12), Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đã chủ trì cuộc họp với đại diện các Bộ, ngành để thảo luận về kết quả đạt được thời gian qua, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn và thống nhất lĩnh vực trọng tâm liên ngành trong công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2015. 
Lực lượng thi hành công vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại
Lực lượng thi hành công vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại
Tại cuộc họp, đa số ý kiến nhất trí pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ là lĩnh vực trọng tâm của công tác theo dõi tình hình thi hành trong năm tới.
Báo cáo sơ bộ tình hình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác này, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) (Bộ Tư pháp) Đặng Thanh Sơn cho biết đã tổ chức nhiều hoạt động như nắm tình hình chung hoạt động TDTHPL của các Bộ, ngành; kiểm tra các hoạt động triển khai tại các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh Long An, Thái Nguyên, TP.HCM liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, cụ thể là chuỗi rau, củ, quả, chè. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục trong năm 2015. Qua kiểm tra cho thấy, điều kiện thực hiện công tác này về biên chế, kinh phí… đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng có những hạn chế nhất định, đáng chú ý là nhiều Bộ, ngành, địa phương không xác định lĩnh vực theo dõi trọng tâm.
Vì vậy, để làm tốt hơn công tác này trong năm tới, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi các Bộ, ngành yêu cầu đề xuất lĩnh vực trọng tâm cần theo dõi liên ngành. Trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, Bộ Tư pháp đã tổng hợp dự kiến 9 lĩnh vực trọng tâm TDTHPL liên ngành năm 2015. 
Chẳng hạn, trong lĩnh vực an toàn giao thông sẽ TDTHPL về an toàn giao thông đường bộ; trong công tác gia đình là theo dõi quản lý nhà nước về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ theo dõi công tác thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm và tình hình quản lý lao động, tiền lương tham gia bảo hiểm tại các doanh nghiệp…
Cùng với chia sẻ những kết quả đạt được, đại diện các Bộ, ngành cũng đã nêu lên khó khăn để bàn giải pháp khắc phục. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đoàn Thị Thanh Mỹ đề xuất Bộ Tư pháp nghiên cứu biện pháp khắc phục tình trạng phải báo cáo quá nhiều. 
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lại kiến nghị Bộ Tư pháp xây dựng một thông tư riêng hướng dẫn về kinh phí và đây chính là ý kiến chung của nhiều Bộ, ngành. 
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phấn khởi cho biết, nhờ hoạt động kiểm tra của Bộ Tư pháp mà lãnh đạo Bộ Y tế đã quan tâm cấp kinh phí cho công tác TDTHPL trong năm 2015 và mong muốn Bộ Tư pháp tích cực hơn nữa việc kiểm tra này đối với các Bộ, ngành. 
Đặc biệt, các Bộ, ngành đều nhất trí với ý kiến của Cục trưởng Đặng Thanh Sơn sẽ chọn lĩnh vực pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là trọng tâm theo dõi của liên ngành vào năm sau. Tuy nhiên, phạm vi cụ thể thì vẫn chưa “khoanh vùng”, có thể chỉ đối với mặt hàng tiêu dùng hoặc có thể đối với các mặt hàng rượu, thuốc lá, xăng dầu, phân bón…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền hoan nghênh những kết quả bước đầu triển khai Nghị định 59/2012/NĐ-CP và Thông tư số 14/2014/TT-BTP, tác động tích cực đến thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật. Nhưng Thứ trưởng cho rằng, nhận thức của các Bộ, ngành chưa đồng đều, quá trình triển khai có phần lúng túng, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. 
Do đó, theo Thứ trưởng, năm 2015 phải đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác TDTHPL; tăng cường phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật có liên quan; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương; tổ chức hoạt động kiểm tra TDTHPL… 
Chốt lại, Thứ trưởng đồng tình với lĩnh vực theo dõi trọng tâm của liên ngành năm tới, giao Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và TDTHPL nghiên cứu hoàn thiện. 

Đọc thêm