Báo cáo sơ kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) của Sở Tư pháp Thanh Hóa cho biết: Theo đề án được Bộ Tư pháp phê duyệt, Thanh Hóa được thành lập 04 văn phòng TPL. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới bổ nhiệm được 05 TPL và chỉ có 03 TPL thành lập văn phòng.
Ngày 24/10 vừa qua, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện thí điểm TPL trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và bàn các biện pháp hỗ trợ cho hoạt động này. Kết quả cho thấy, công tác TPL tại Thanh Hóa mới chỉ đi vào giai đoạn tiếp cận và thực hiện bước đầu đề án thí điểm của Bộ Tư pháp.
Trao đổi với PLVN, ông Phạm Thanh Sơn, Quyền Giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa cho biết: Thực tế cho thấy, ngay khái niệm về TPL là gì, có đóng góp như thế nào trong đời sống xã hội còn là một khái niệm mới mẻ nên việc đưa TPL vào trong đời sống người dân Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh chưa hiểu nhiều về chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện thí điểm chế định TPL cũng như các quy định của pháp luật về chế định TPL.
Địa bàn Thanh Hóa có đặc thù là rộng lớn và nhiều đơn vị hành chính. Các huyện thuộc khu vực miền núi cách xa trung tâm nên đi lại khó khăn, các văn phòng TPL còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thí điểm. Trên thực tế, việc triển khai hoạt động của văn phòng TPL còn chậm, thiếu tính chủ động nên hiệu quả chưa cao. Đến thời điểm này, chưa có văn phòng nào thực hiện việc xác minh điều kiện THA hoặc trực tiếp tổ chức THA theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP.Thanh Hóa cho biết: Dù rất muốn các văn phòng TPL thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án (THA) hoặc trực tiếp tổ chức THA để san sẻ với cơ quan THADS, tuy nhiên với lực lượng còn mỏng và kinh nghiệm trong công tác THA còn ít nên cơ quan THA chưa yên tâm giao phó nhiệm vụ khó khăn.
Bởi thực tế ngay chính các cơ quan THADS là cơ quan của Nhà nước với kinh nghiệm lâu năm và đội ngũ hùng hậu thì những phần việc trên khi thi hành đều vấp phải rất nhiều trở ngại và khó khăn.
Một vấn đề nữa đó là mức chi phí cho hoạt động TPL là khá thấp, chưa đáp ứng đủ chi phí khi thực hiện việc tống đạt, việc thanh toán phí tống đạt cũng chưa thuận lợi, gây khó khăn cho các văn phòng, các quy định về thu phí xác minh trong THADS còn chưa cụ thể.
Chia sẻ với PLVN, bà Nguyễn Thị Vân Quỳnh, Trưởng Văn phòng TPL TP.Thanh Hóa cho biết: Thành lập từ tháng 03/2013, trong thời gian đầu Văn phòng gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi liên tục phải bù lỗ vì ít việc. Trong nhiều cái khó thì cái khó vì người dân và cán bộ cơ sở chưa hiểu về TPL là lớn nhất.
Bởi vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chế định TPL một cách sâu rộng, đặc biệt là đối với cán bộ chính quyền cơ sở. Có như vậy thì khi triển khai phối hợp mới mang lại hiệu quả cao.
Sở Tư pháp Thanh Hóa là đơn vị thường trực trong Ban Chỉ đạo thực hiện chế định TPL tại Thanh Hóa cũng đã thẳng thắn nhìn nhận: các thành viên trong Ban Chỉ đạo chưa thật sự chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Công tác tuyên truyền về TPL chưa thực sự hiệu quả. Một số cơ quan nhà nước và cơ quan hữu quan nhận thức về vai trò, vị trí của TPL cũng chưa thật rõ ràng, đầy đủ, chưa tin tưởng đối với một số công việc do TPL thực hiện...
Thanh Hóa là địa phương đất rộng, dân cư đông đúc với sự phát triển về kinh tế - xã hội đang vươn lên mạnh mẽ. Thiết nghĩ, để hoạt động TPL tại Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ và đi sâu vào đời sống xã hội, cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Các văn phòng TPL cũng cần nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương trong quá trình thí điểm đầy khó khăn này.