Đi dọc tuyến 500kV Duyên Hải – Mỹ Tho từ Trà Vinh về Tiền Giang, gặp 10 đơn vị thi công thì cả 10 đều kêu về mặt bằng.
Khó khăn đặc biệt
Ông Nguyễn Văn Tuy, Phó Giám đốc Cty Sông Đà 11 Thăng Long, đơn vị thi công những vị trí móng cột đầu tiên, từ 1-5 và từ 5-15A (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) than thở: “Nói về khó khăn thì đặc biệt là đền bù giải phóng mặt bằng.
Ở đây nguyên tắc của chủ đầu tư là đền bù phần móng và phần đất đai vĩnh viễn, còn phần đền bù thi công thì cơ chế của mình hiện là cơ chế thỏa thuận thi công, tức là trước khi thi công thì phải thỏa thuận với dân mà không có một cái khung nào cả. Ví như có hộ gia đình một đầm tôm chỉ đáng khoảng 5 triệu nếu vét cả lên nhưng họ đòi từ 200 – 300 triệu, mời xã rồi huyện xuống liên tục nhưng cũng không thể giải quyết ngay được”.
Đại diện chủ đầu tư, ông Đoàn Tấn Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam cũng chia sẻ với các nhà thầu: Về nguyên tắc đấu thầu trọn gói thì chủ đầu tư không có hỗ trợ gì khác ngoài phạm vi quy định, nhưng để kịp đáp ứng tiến độ hoàn thành công trình vào cuối năm nay, nhiều trường hợp đơn vị thi công phải tốn thêm rất nhiều chi phí.
Xây lắp 60 vị trí móng trụ đi qua 3 huyện là Cầu Ngang, Châu Thành và Càng Long, tỉnh Trà Vinh, TCty CP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) là một trong những đơn vị đảm đương khối lượng công việc lớn nhất toàn tuyến. Theo ông Ngô Văn Cường, Phó Tổng Giám đốc VNECO, khó khăn lớn nhất cũng là vận đồng đền bù giải phóng mặt bằng, vì đường dây đi qua khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về lợi ích cũng như sự vận hành của nhà máy điện và đường dây chưa cao.
Tuy nhiên, điều may mắn theo ông Cường là trên cung đoạn này, chính quyền địa phương rất nhiệt tình và có uy tín với bà con. “Cho nên khi có vướng mắc gì thì chính quyền địa phương, thậm chí các đồng chí lãnh đạo sẵn sàng lội ruộng vận động bà con cùng anh em chúng tôi” – vị này cho biết.
Nhưng nhiều trường hợp kể cả có vận động lên vận động xuống thì khi câu chuyện lợi ích chưa được thỏa mãn, người dân cũng không đồng tình. Như PLVN đề cập trong kỳ trước, vị trí móng cột 196 cho đến nay vẫn chưa có mặt bằng thi công do vướng vào miệt vườn sầu riêng ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
“Các hộ dân yêu cầu phải hỗ trợ thêm 800 triệu vì cho rằng đơn giá 2,3 triệu mỗi cây của tỉnh là không tương xứng. Những cây sầu riêng này bà con trồng từ 12-15 năm rồi, mà năm nay sầu riêng lại được mùa, một vụ này bà con thu được gần 10 triệu mỗi gốc. Cho nên dù có dân vận qua chính quyền địa phương, ấp, xã nhưng người dân vẫn kiên quyết yêu cầu hỗ trợ thêm tiền” - ông Nguyễn Đức Thịnh, Đội trưởng thi công Cty Xây lắp điện 2 cho biết.
Luật chờ… địa phương, tiến độ không chờ doanh nghiệp
Tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, Cty Xây lắp điện 4 đang vướng vị trí móng cột 128. Tổng diện tích mặt bằng chỉ khoảng 300m2 mà khởi công từ tháng 8/2014 đến nay vẫn chỉ là một bãi đất trống. Ông Hồ Phi Minh – Phó Tổng Giám đốc Cty cho biết, đây là vị trí móng đầu tiên mà nhà thầu khởi công trong số 51 vị trí được đảm nhận vì tính là địa hình tương đối thuận, gần đường quốc lộ, vấn đề vận chuyển vật tư, vật liệu cũng dễ. Khi mới vào vận động, gia đình cũng đồng ý giao mặt bằng rồi, nhưng đang làm dở thì người con về và không cho tiếp tục.
“Chưa có quyết định thu hồi đất nên cán bộ xã, đơn vị thi công hay tư vấn đền bù thì cũng chỉ là đi vận động thôi. Lý do chưa có quyết định vì Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành vào tháng 7/2014, sau đó các tỉnh mới triển khai lập đơn giá cho các hạng mục đất đai, cây cối hoa màu. UBND tỉnh lập thì còn phải thông qua HĐND tỉnh, mà HĐND thì họp cũng có kỳ. Cho nên bị trễ, hiện nhiều tỉnh chưa có đơn giá đất, đơn giá cây cối hoa màu cũng như vấn đề hỗ trợ hành lang dưới đường dây” - ông Minh giải thích.
Vì lý do đó, thời gian vừa rồi làm móng và dựng trụ, đơn vị thi công vẫn chủ yếu đi vận động để dân cho làm. “Đặc thù năm nay là như vậy, trong bối cảnh luật mới ra... chưa nói chuyện kéo dây tới đây, đường dây 500kV đi qua là phải giải toả trắng về nhà cửa, mà giải toả nhà hết sức khó khăn vì còn động chạm đến vấn đề tâm linh, phải được ngày, được tuổi thì người ta mới tháo dỡ cho. Không phải nay trả tiền, mai hô tháo là tháo” – vị này chia sẻ kinh nghiệm… dân vận.
May mắn, đến hôm 2/10 vừa rồi thì UBND tỉnh Vĩnh Long rốt cuộc cũng đã ban hành một quyết định về việc quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình đường dây 500kV Nhiệt điện Duyên Hải – Mỹ Tho. Những quyết định như thế này dẫu muộn màng nhưng cũng có thể giải toả phần nào “áp lực vận động” cho các đơn vị như của ông Minh.