Chiều mồng 3 Tết, tại khu Tết xưa của Hội Hoa xuân Đà Nẵng 2011, lần đầu tiên khán giả thành phố được xem thi đấu Roi trường – một môn thi võ đã thất truyền, vừa được khôi phục trong năm 2010.
|
Thi đấu Roi trường tại khu Tết xưa, Hội Hoa xuân Đà Nẵng 2011. |
Sau hồi trống lịnh, hai võ sĩ bước ra đấu trường, một mặc giáp đỏ, một mặc giáp xanh, tay cầm một cây roi dài, theo sau là một vị Giám quan, tất cả đều phục trang theo kiểu cũ.
Mới mà cũ
Trong binh khí của võ cổ truyền Việt Nam, có hai loại roi: Roi đoản (đoản côn) và roi trường (trường côn). Roi đoản lớn bằng cán cuốc hoặc cổ tay, chiều dài từ 1,5m – 1,7m, dùng trong chiến đấu (roi chiến) và tập trận (roi trận). Roi trường dài trên 3m, phần gốc (đốc roi) có đường kính 3cm lên đến ngọn còn 2cm. Roi trường được dùng để phân tài cao, thấp ở đấu trường nên được gọi là roi đấu. |
Chào khán giả xong, theo hiệu lệnh của Giám quan, cả hai vận dụng mọi sự khôn ngoan, sức dẻo dai của mình để tấn công đối phương trong một vòng tròn đường kính khoảng 8m. Người này dùng mọi mưu lược để đâm nùi giẻ ở đầu ngọn roi vào đầu và thân, hoặc câu, móc tay, móc chân người kia để ghi điểm. Mỗi trận đấu diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút, giữa hai hiệp được nghỉ 1 phút.
Phụ trách biểu diễn thi đấu Roi trường hôm đó là võ sư Trần Xuân Mẫn, Chủ tịch Hội Võ cổ truyền tỉnh Quảng Nam, Chủ nhiệm Võ đường Kỳ Sơn thành phố Hội An. Theo ông Mẫn, thi đấu Roi trường có các thủ pháp đâm, bắt, lắc, tém, câu, chận, triệt, được mỗi võ sĩ ứng biến muôn hình vạn trạng, miễn sao không phạm luật do vị Giám quan cầm cân nẩy mực và nhanh chóng ghi điểm. Để an toàn trong thi đấu, mỗi võ sĩ mang một mặt nạ bảo hiểm như trong đấu kiếm của thể thao quốc tế.
Trong tiếng thanh la, tiếng trống thúc giục, không chỉ các võ sĩ mà ngay cả khán giả cũng bị cuốn hút vào cuộc thi đấu mới mà cũ này. Sau những màn đấu của võ sinh Võ đường Kỳ Sơn, có hai khán giả tự nguyện đăng ký lên thi đấu. Cầm chiếc roi dài trên 3m, họ mới thấy trò thi đấu này ngó vậy mà cực kỳ khó, người không có “nghề” thì thả tay ngay.
Hồi sinh một loại hình đã thất truyền
|
Võ sư Trần Xuân Mẫn giới thiệu roi trường bằng cây kiền kiền con. |
Thi đấu Roi trường đã tuyệt tích giang hồ một thời gian dài, chỉ tồn tại trong trí nhớ của một ít lão võ sư Quảng Nam. Xưa, Roi trường là môn tỉ thí bắt buộc đối với các võ sinh ở Trường Ba, tương tự như thi Đình bên văn. Đến đầu thế kỷ XX, sau khi nhà Nguyễn chấm dứt các khoa thi võ thì môn thi này trở thành một giải đấu thể thao vào lễ Quốc khánh Pháp hoặc lễ Vạn thọ (sinh nhật vua Bảo Đại).
Trong cuốn “Miền đất võ”, các tác giả Lê Thì, Kim Dũng, Đỗ Hóa có nói đến thi đấu Roi trường qua lời kể của các võ sư cao niên ở Bình Định như Phan Thọ, Lý Xuân Hỷ... không khác với các lão võ sư Quảng Nam.
Võ sư Hoàng Tùng ở Học viện Võ thuật Tây Sơn (Bình Định) và một số người tâm huyết với kho tàng võ thuật dân tộc như võ sư Trần Xuân Mẫn cất công đi tìm, nhưng tất cả cũng chỉ là lý thuyết.
Tháng 6-2009, nghe tin ở Bảo tàng Lịch sử Điện Bàn có cặp roi trường, các võ sư đến tận mắt thấy cặp roi dài bằng gỗ kiền kiền, đúng như mô tả của các cụ và sách “Miền đất võ”. Cặp roi màu nâu sẫm, mỗi chiếc dài 3,12m, gốc roi có đường kính 3cm lên đến ngọn còn 2cm. Cách mút ngọn roi 1,5cm có khắc quanh một đường rảnh để cột nùi giẻ vào ngọn roi. Theo ghi chép của bảo tàng thì cặp roi trường này được ông Nguyễn Bá Giáng, người làng Thanh Chiêm, huyện Điện Bàn, sử dụng vào những năm 1865 - 1870.
Từ đó, các võ sư bắt tay vào phục chế roi trường. Học viện Võ thuật Tây Sơn mở hội thảo chuyên đề về đề tài này, kéo dài 5 ngày với 30 vị võ sư đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định. Hội thảo bảo vệ thành công việc khôi phục thi đấu Roi trường, dựa vào di vật thực tế ở Bảo tàng Lịch sử Điện Bàn, khẳng định môn thi này là có thực trong võ đàn cổ truyền Việt Nam và đã thất truyền ít nhất là gần 100 năm nay.
Tết Canh Dần, lần đầu tiên Võ đường Kỳ Sơn biểu thi đấu Roi trường ở Hội An; Tết này, đến lượt khán giả Đà Nẵng. Võ sư Mẫn ước mong môn võ mới mà cũ này, nếu không được thi đấu theo y như xưa là trước sân đình thì chí ít cũng là một trò chơi dân gian phục vụ du lịch để bảo tồn giá trị võ thuật cổ truyền.
THÀNH VĂN