Thi ĐH, CĐ 2010: Thận trọng với NV 1

Năm 2009 rất nhiều ĐH công lập có mức điểm chuẩn từ 13-15 điểm phải xét tuyển thêm nguyện vọng (NV) 2, 3. Thế nhưng, nhiều thí sinh có đạt 20-23 điểm vẫn "trắng tay" với NV2.

Năm 2009 rất nhiều ĐH công lập có mức điểm chuẩn từ 13-15 điểm phải xét tuyển thêm nguyện vọng (NV) 2, 3. Thế nhưng, nhiều thí sinh có đạt 20-23 điểm vẫn "trắng tay" với NV2.

Ngay khi học kỳ đầu tiên ở ĐH Mở TP HCM vừa kết thúc, Nguyễn Thanh Thảo sinh viên năm thứ nhất trường này cho biết, sẽ thi lại vào ĐH Kinh tế TP HCM trong mùa tuyển sinh 2010. “Năm ngoái em được 18,5 điểm, thiếu một điểm vào ĐH Kinh tế nên phải chọn ĐH Mở học tạm”, Thảo nói. Trường hợp của Thảo không cá biệt bởi chuyện sinh viên năm trước trượt NV1, phải học tạm tại trường đậu NV2, chờ cơ hội thi lại vào năm sau khá phổ biến.

Điểm cao, vẫn rớt

NV 2, 3 được coi là “phao cứu sinh” để vào ĐH, CĐ của một lượng lớn thí sinh. Tuy nhiên, thực tế khá nhiều thí sinh quan niệm các trường đậu NV2, NV3 chỉ giống như những “trạm dừng chân” để học tạm trong thời gian chờ thi lại vào các ĐH đúng ý muốn. “Chỉ tiêu NV1 của các ngành thường nhiều, điểm chuẩn lại không cao, nên thí sinh rất dễ trúng tuyển nếu chọn đúng ngành, đúng trường vừa sức ngay từ đầu. Còn cơ hội ở NV2, 3 chỉ là giải pháp tình thế, mà cũng không hẳn dễ “ăn”, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM, nói.

Thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH năm 2009 tại điểm thi ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM.Ảnh: Anh Dũng.

Ông Hạ cho biết, năm 2009, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM có tới 16/21 ngành điểm chuẩn bằng điểm sàn (14 điểm), trong số đó trường xét tuyển 8 ngành cho NV2. Thực tế, mức chuẩn NV2 luôn cao hơn NV1 từ 1 điểm trở lên, thậm chí có ngành hơn 2,5 điểm. Tương tự, ở Học viện Báo chí tuyên truyền cũng có 8/24 ngành xét tuyển NV2 với mức chuẩn từ bằng đến cao hơn 1 điểm so với NV1, trong đó ngành cao hơn tới 4 điểm 

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM), phân tích: NV2 chỉ dành cho những thí sinh có điểm cao. Nhiều ngành ở NV1 có thể chỉ cận điểm sàn từ 13 - 15 điểm, nhưng điểm chuẩn NV2 có thể lên đến 20 điểm. “Thí sinh hãy tìm cách trúng tuyển ngay từ NV1 theo đúng sở trường và nghề nghiệp mình tâm huyết. Đừng vì ngành học thời thượng, hay lựa chọn theo ý kiến người khác mà tự đánh mất tương lai của chính mình”, ông Quang khuyên. 

Còn tại ĐH Sư phạm TP HCM, điểm chuẩn các ngành NV2 phần lớn đều bằng NV1, chỉ một số ít ngành cao hơn 2 điểm; ĐH Lâm nghiệp có điểm chuẩn NV2 ở cả hai cơ sở đều bằng điểm NV1, chẳng những thế còn phải xét tuyển thêm NV3 cho cơ sở ở Đồng Nai; các trường ĐH Cần Thơ, ĐH Nông lâm (ĐH Huế), ĐH Tiền Giang, ĐH Bạc Liêu… cũng có hàng loạt ngành điểm chuẩn NV2 chỉ bằng, hoặc cận điểm NV1 (thường khối A, D 13 điểm; khối B, C 14 điểm)…

Đừng rớt vì… thiếu hiểu biết

“Điểm chuẩn NV1 thấp, lại dễ đậu vào các ĐH công lập. Nhưng do nhiều thí sinh không xác định đúng năng lực, sở thích của bản thân ngay từ đầu khi chọn NV1 nên bị rớt, phải chấp nhận xét tuyển NV2”, thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Sư phạm TP HCM phân tích.

Năm 2009, hàng loạt ĐH công lập có điểm chuẩn bằng điểm sàn quy định (khối A, D 13 điểm và khối B, C 14 điểm) nhưng vẫn phải xét tuyển NV2,3. Trong khi đó, rất nhiều thí sinh đạt 18 điểm, thậm chí 23 điểm vẫn trượt NV2. Đơn cử, ngành công nghệ sinh học vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM) có điểm NV1 khối A là 17, khối B là 18 nhưng điểm chuẩn NV2 khối A là 20,5, còn khối B là 23,5; hay ngành sinh học là 20 so với 15 điểm của NV1 (tăng 3,5 - 5,5 điểm). Một số trường như: ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Điện lực, ĐH Sư phạm Hà Nội… cũng có những ngành điểm chuẩn NV2 cao hơn NV1 từ 3 - 5 điểm khiến nhiều thí sinh hoàn toàn trắng tay.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, không ít thí sinh đăng ký trường dự thi trong tâm trạng mơ hồ không biết có chọn chính xác hay không. Chẳng hạn, ngành dược sĩ ĐH Y dược TP HCM năm 2009 chỉ có 129 thí sinh đạt đúng điểm chuẩn là 25,5. Trong khi đó, có đến 4.416 thí sinh dự thi vào ngành này không định hướng đúng khả năng của bản thân, dẫn đến kết quả có tới 837 thí sinh đạt điểm thi cao (từ 18 - 24) đành chịu ngậm ngùi rớt NV1.

Theo Đất Việt

Đọc thêm