Theo đó, ông Chung cho biết, toàn bộ Đề án liên quan đến hạn chế các phương tiện cá nhân là một trong những giải pháp để giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội, đã được UBND TP Hà Nội trình ra kỳ họp HĐND TP tháng 7/2018, lộ trình cũng đã rõ là đến năm 2030.
“Vừa qua có một số ý kiến cá nhân của Giám đốc Sở giao thông vận tải, TP chưa đưa ra quyết định nào”, ông Chung khẳng định.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng, hiện nay, đối với thu nhập của người dân Hà Nội cũng như thu nhập của người Việt Nam thì tỉ lệ xe máy sử dụng vẫn rất lớn. Trên địa bàn TP hiện có "suýt soát" 6 triệu xe máy nên việc giải quyết cấm xe máy từng khu vực hay hạn chế ở từng khu vực phải được nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng.
“Toàn bộ phương án này phải được công bố công khai cho người dân và tạo sự đồng thuận, trên cơ sở nền tảng là TP phải phát triển đủ các phương tiện công cộng để người dân đi lại. Bên cạnh đó, chúng ta phải tuyên truyền để người dân Hà Nội có tác phong, có thói quen là khi di chuyển trong phạm vi 1km hoặc 1,5km đổ lại thì nên đi bộ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đánh giá lại toàn bộ và công khai các nội dung này”, ông Chung nêu rõ.
Trước đó, tháng 3/2019, trao đổi với báo chí về đề xuất “cấm xe máy càng sớm càng tốt”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay, Hà Nội có thể sẽ chọn một trong 2 tuyến đường là Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để thí điểm cấm xe máy.