Chung cư mọc dày, phố Hà Nội biến thành 'ngõ': Hệ lụy của quy hoạch?

(PLVN) - Tại Hà Nội, hệ thống hạ tầng giao thông công cộng hoàn thành và đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ dần thay thế các phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, hàng loạt chung cư xuất hiện dày đặc trong các tuyến phố nhỏ đang khiến vấn nạn ùn tắc giao thông càng thêm nghiêm trọng và việc hạn chế phương tiện cá nhân trở nên khó khăn hơn.
Mật độ dân cư dày đặc dọc hai bên đường Lê Văn Lương.
Mật độ dân cư dày đặc dọc hai bên đường Lê Văn Lương.

Phố xá “ngột ngạt” vì chung cư

Tắc đường ở Hà Nội là câu chuyện đã cũ nhưng vẫn được bàn đi bàn lại chỉ vì lí do vẫn chưa có giải pháp cho tình trạng này. Bên cạnh việc đầu tư mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nâng cao ý thức của người dân thì ngược lại, sự thiếu chính xác trong quy hoạch chung cư cũng như hệ thống giao thông vệ tinh là nguyên nhân chính góp phần “đổ thêm dầu vào lửa” trong vấn nạn ùn tắc giao thông.

Qua khảo sát của PV, nhiều tuyến đường đã quá tải vẫn bị “nhồi nhét” các tòa chung cư cao tầng, gây sức ép đi lại lên hệ thống giao thông đô thị. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến đường Lê Văn Lương, chỉ khoảng 1 km đường từ đoạn giao cắt đường Láng đến ngã tư Hoàng Minh Giám đã “cõng” 33 dự án chung cư cao tầng.

Chung “số phận”, đường Nguyễn Tuân cũng đang bị các cao ốc chọc trời bao vây. Tuyến đường Nguyễn Tuân dài hơn 1km với bề rộng khoảng 6m nhưng có tới 10 dự án xây dựng cao ốc với 25 tòa nhà mọc san sát hai bên đường.

Triều Khúc cũng là một tuyến phố đang phải “oằn mình” gánh đến 3 dự án xây dựng chung cư với tổng cộng hơn 1000 căn hộ. Khi các dự án này hoàn thành sẽ có hơn 1000 hộ gia đình đến sinh sống, trung bình mỗi nhà có 2 xe máy thì chỉ cần nhẩm tính, đường Triều Khúc sẽ bị “bóp nghẹt”  bởi hơn 2000 phương tiện cá nhân của những người dân sống tại các chung cư ven đường.

Tắc đường – hệ lụy của các toà cao ốc?

Và hệ lụy của việc xây dựng dày đặc các khu chung cư san sát nhau đã thành hiện thực. Theo phản ánh của một số người dân tại Triều Khúc, trước kia dù đường nhỏ, nhiều xe máy nhưng tắc đường không thường xuyên xảy ra. Từ khi các dự án chung cư được “nhét” vào con phố này thì cứ giờ cao điểm là đường lại tắc.

Còn đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, tình trạng tắc đường cũng thành “đặc sản” mà mỗi khi nhắc đến người ta lại thấy ngán ngẩm. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, một nhân viên văn phòng chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng mất gần 3 tiếng đồng hồ để di chuyển trên đường, khổ nhất là đi qua đoạn Lê Văn Lương, đường tắc cứng, xe máy phải nhích từng đoạn ngắn một, mệt mỏi vô cùng”.

Mới đây, khi đề xuất cấm xe máy tại đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương khiến không ít người tỏ ra hoang mang. Lý do được nhiều người đưa ra là đây là tuyến đường huyết mạch, nếu cấm người dân sẽ gặp khó: khó trong đi lại, khó trong mưu sinh.

Đây cũng là một phần nguyên nhân nhưng nhìn sâu xa, việc quy hoạch quá nhiều chung cư trong ngõ đã khiến chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân đã khó càng thêm khó. Bởi lẽ, khi quá nhiều người bị dồn vào một con ngõ, mật độ dân số tăng lên, số phương tiện cá nhân cũng tăng theo, trong khi đường giao thông không được mở rộng, khi đó tắc đường xảy ra là tất yếu. 

Có thể nói, tốc độ phát triển các dự án bất động sản đang bỏ lại hạ tầng giao thông phía sau một khoảng cách xa. Nhiều con đường vốn đã nhỏ hẹp nay lại phải chịu áp lực rất lớn từ hàng chục chung cư, cao ốc đang “mọc” lên, gắn với những tòa nhà đó là hàng nghìn cư dân mới, kéo theo hàng nghìn phương tiện.

Thông thường trong quy hoạch, hạ tầng giao thông phải đi trước các dự án xây dựng nhà ở một bước mới đảm bảo không làm phát sinh các vấn nạn giao thông như tắc đường, kẹt xe… Tuy nhiên hiện nay, ở Hà Nội, quy tắc này đang bị làm ngược lại khiến nạn tắc đường hoành hành nhiều năm nay.

Giải pháp tránh tắc đường đã được các nhà quản lý đưa ra từ lâu đó là cấm xe máy, loại bỏ các phương tiện cá nhân. Có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và thành công từ lâu. Tuy nhiên, để giấc mơ ấy thành hiện thực ở Việt Nam thì cần xem xét chặt chẽ các quy hoạch trong đô thị, đặc biệt trong cấp phép xây dựng các dự án chung cư cao tầng.

Bên cạnh đó cần phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, không chỉ đầu tư các tuyến huyết mạch mà còn phát triển cả hệ thống giao thông vệ tinh. Khi các đầu mối giao thông đồng bộ, thông suốt thì chủ trương xóa sổ xe máy trong thành phố mới thành hiện thực. 

Đọc thêm