Thí điểm tổ chức bán đấu giá công nghệ, thiết bị: Thị trường khoa học-công nghệ định hình rõ hơn

Thành công hơn cả mong đợi. Đó là điều mọi người cảm nhận  tại cuộc thí điểm tổ chức bán đấu giá công nghệ, thiết bị do Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức vừa qua. Như vậy, Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức bán đấu giá thành công công nghệ và thiết bị.

Thành công hơn mong đợi

 

Dây chuyền công nghệ sản xuất gạch bê-tông siêu nhẹ, công suất 40m3/ca của Công ty cổ phần chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu được đưa ra đấu giá đầu tiên với mức giá khởi điểm 3,05 tỷ đồng. Có 5 doanh nghiệp tham gia đấu giá dây chuyền công nghệ này. Mỗi bước giá cách nhau 100 triệu đồng. Trong lần trả giá đầu tiên, tất cả doanh nghiệp đều đăng ký. Đến phiên trả giá thứ 6, mức giá được nâng lên  4,25 tỷ đồng, cuộc đua chỉ còn lại Công ty cổ phần bê-tông Rạch Chiếc và Công ty TNHH Sơn Hà. Khi mức giá nâng lên 4,35 tỷ đồng thì không đơn vị nào tham gia trả giá. Hai doanh nghiệp này phải bốc thăm, và Công ty cổ phần bê-tông Rạch Chiếc (thành phố Hồ Chí Minh) giành thắng lợi. Dây chuyền công nghệ này được bán với  giá 4,25 tỷ đồng, gấp gần 1,5 lần so với mức giá khởi điểm, thấp hơn khoảng 20% so với mức giá bán trên thị trường.

 

Việc tổ chức đấu giá công nghệ sản xuất gạch bê-tông siêu nhẹ của Công ty cổ phần thương mại Huê Quang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Ngay phiên trả giá thứ hai, Công ty TNHH Giang Tín (Việt Trì) thắng với mức giá 2,85 tỷ đồng.

 

Kết nối giữa khoa học và sản xuất

 

Tiến sĩ Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ cho biết: Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước tổ chức thí điểm thành công đấu giá công nghệ, thiết bị. Việc tổ chức đấu giá công nghệ khá phức tạp liên quan đến bí quyết công nghệ, quyền sở hữu… Bên cạnh đó là hệ thống pháp luật về việc tổ chức đấu giá công nghệ, thiết bị chưa đồng bộ, đang trong quá trình hoàn thiện. Là địa phương đầu tiên thí điểm tổ chức bán đấu giá công nghệ nên đội ngũ cán bộ Sở Khoa học-Công nghệ thành phố vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, bám sát các quy định hiện hành để xây dựng tiêu chí lựa chọn công nghệ, thiết bị, quy chế đấu giá, lựa chọn nhà cung cấp, thẩm định hồ sơ công nghệ, thiết bị, tổ chức đăng ký tham gia đấu giá, tổ chức cho  khách hàng tham gia đấu giá  thăm quan dây chuyền sản xuất, tuyên truyền, quảng bá, chuẩn bị nội dung quy trình và cơ sở vật chất phục vụ đấu giá… Việc tham gia đấu giá công nghệ và thiết bị, cả người nghiên cứu và doanh nghiệp đều hưởng lợi. Với nhà nghiên cứu, các sản phẩm khoa học sớm được ứng dụng vào thực tiễn và được nhiều người biết đến. Còn doanh nghiệp được tiếp cận những công nghệ mới nhất, với mức giá thấp hơn giá thị trường khoảng 20-25%. Nhưng điều quan trọng nhất là những công nghệ này được các cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định, đánh giá, và được đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thắng trong các phiên đấu giá còn được tham gia các chương trình vay vốn ưu đãi để công nghệ sớm được đưa vào sản xuất, mang lại lợi nhuận. Đây là những bước đi vững chắc  để hình thành thị trường khoa học-công nghệ trên địa bàn thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung.

 

Trong xu thế hội nhập, việc tổ chức đấu giá công nghệ là hình thức được cả doanh nghiệp và nhà khoa học mong đợi. Tuy nhiên, qua phiên đấu giá thử nghiệm cho thấy, số doanh nghiệp Hải Phòng tham gia vẫn “khiêm tốn”. Những năm gần đây, doanh nghiệp Hải Phòng tích cực chuẩn bị để hội nhập với việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp… Nhưng đó mới là điều kiện cần. Quan trọng nữa là doanh nghiệp phải mạnh dạn và quyết liệt hơn trong tham gia đấu giá, sở hữu công nghệ mới nhất, sản phẩm chất lượng để đủ sức cạnh tranh.

 

Hoàng Dũng

Đọc thêm