Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội: Cần bao nhiêu công chức làm việc tại UBND phường?

(PLVN) - Đó là một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận, góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.
Còn chức thống nhất về số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Ảnh minh họa: ANTĐ
Còn chức thống nhất về số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Ảnh minh họa: ANTĐ

Tại Hội nghị thảo luận, góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội đang diễn ra chiều nay (20/11), Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc ban hành dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội là đòi hỏi cần thiết và hết sức cấp bách vì liên quan đến việc tổ chức bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Do vậy, hoàn thiện dự thảo, trong đó phải đặc biệt coi trọng thực tiễn từ cơ sở, ý kiến từ cơ sở nhất là đối với những vấn đề quan trọng, là góp phần xây dựng Nghị định quy định rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tổ chức thực hiện không bị vướng mắc.

Dự thảo dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021

Dự thảo Nghị định thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được đưa ra lấy ý kiến gồm 6 chương, 33 điều; dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Dự thảo quy định rõ về tổ chức, hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch phường, cụ thể: Về cơ cấu tổ chức: Mặc dù chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận của TP Hà Nội vẫn gọi là UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức của UBND phường đã khác so với trước đây, gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, Trưởng Công an phường, các công chức giữ vị trí chức danh Chỉ huy trưởng quân sự phường, văn phòng-thống kê, địa chính-xây dựng-đô thị và môi trường, tài chính-kế toán, tư pháp-hộ tịch, văn hóa-xã hội.

Về nguyên tắc hoạt động của UBND phường: UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch phường lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường và các công chức khác của phường, bảo đảm theo nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Phó Chủ tịch phường giúp Chủ tịch phường giải quyết các công việc theo phân công của Chủ tịch phường;

Để thể hiện rõ hơn quy định về chế độ “thủ trưởng” trong hoạt động của UBND phường, dự thảo đã quy định trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường và các công chức khác của phường trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Để phù hợp với đặc thù địa phương, đồng thời thực hiện thống nhất trên địa bàn các phường của TP Hà Nội, dự thảo Nghị định đã giao UBND TP Hà Nội ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND phường.

Trong quá trình lấy ý kiến xây dựng dự thảo, Bộ Nội vụ cho biết, đối với việc bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND phường và các công chức khác ở phường khi thực hiện thí điểm, Bộ Nội vụ đề xuất, HĐND, UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phường và các trường hợp đang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường nhưng không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường quy định tại Nghị định này. Thời gian sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách phải hoàn thành trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.

Cán bộ, công chức ở phường thuộc diện dôi dư do phải sắp xếp thì căn cứ theo từng đối tượng mà thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành và chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức ở phường thuộc diện dôi dư do phải sắp xếp khi thực hiện thí điểm do HĐND TP Hà Nội quy định.

Còn 2 nhóm vấn đề đang có ý kiến khác nhau

Hiện có 2 nhóm vấn đề trong dự thảo Nghị định còn đang có ý kiến khác nhau: “Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường không”; có quy định là “Không được chuyển giao các công việc thuộc nhiệm vụ của UBND về các cộng đồng dân cư (tổ dân phố) thực hiện hay không”; số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường là bao nhiêu thì phù hợp.

Từ góc độ cơ quan tham gia xây dựng Nghị quyết 97/2019/QH14, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, vấn đề “Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường không” thì đã được bàn thảo trong quá trình xây dựng dự thảo và đã rõ trong Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội là Trưởng Công an phường không thuộc cơ cấu tổ chức của UBND phường, mà thuộc UBND quận.

Theo Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ, "nếu không cơ cấu Trưởng Công an phường tham gia UBND phường thì cần quy định rõ về mối quan hệ công tác với UBND phường cũng như quy định rõ hơn về trách nhiệm giải trình của UBND cấp phường trước HĐND cấp quận và các cơ quan có thẩm quyền...".

Ông Hoàng Thanh Tùng còn lưu ý, cần rà soát kỹ lại các nội dung dự thảo Nghị định để không lặp lại những nội dung đã có trong Nghị quyết 97/2019/QH14 và các quy định pháp luật hiện hành; đồng thời xác định rõ quy định nào phân cấp cho thành phố, quận, phường thì không nên quy định cụ thể trong Nghị định, để dành cho TP quy định.

"Ngoài ra, cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động của UBND phường theo mô hình thí điểm khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, do đó, quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND phường cũng khác và nên được làm rõ trong dự thảo Nghị định" - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật đề nghị. Còn Bí thư Thành uỷ thấy cần quy định cụ thể, rõ hơn về trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ cấp phường.

Liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các phường hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị TP Hà Nội rà soát để tính toán các điều kiện chuyển tiếp hợp lý, hoặc có thể kéo dài thời gian hoàn thiện đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện chuyển tiếp lên 5 năm.

Từ thực tiễn hoạt động, lãnh đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân và một số phường trực thuộc tham gia thảo luận. Trong đó, một số ý kiến đề nghị, biên chế công chức phường nên là 16 người thay vì 15 người như dự thảo Nghị định. Đại diện phường Điện Biên (quận Ba Đình) cho biết, toàn phường hiện có 23 công chức, nhưng công việc vẫn đang quá tải. Đại biểu các quận, phường của TP cũng kiến nghị cần có cơ chế, chính sách phù hợp đối với cán bộ dôi dư khi thực hiện thí điểm.

Đọc thêm