Đề xuất cơ chế đặc biệt trong tổ chức thi hành án
Là địa phương có lượng việc chiếm 12% và tiền chiếm 32% của cả nước, Cục trưởng Cục THADS TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hòa nêu lên nhiều khó khăn mà cơ quan THADS phải đối mặt, trong đó phải kể đến vụ việc có tới hàng nghìn bất động sản phải xử lý. Bên cạnh đó, Cục THADS Thành phố có số tiền phải thi hành trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo lớn nhất toàn quốc, có ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của toàn hệ thống THADS, tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi đạt thấp (18,51%).
Trước thực trạng đó, Cục trưởng Nguyễn Văn Hoà đề xuất về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát mà Trưởng ban chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ nhằm chỉ đạo thống nhất giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi hành án.
Cùng với đó, có cơ chế đặc biệt trong việc tổ chức thi hành và xử lý tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế như: đề nghị nghiên cứu, thống nhất liên ngành sớm có cơ chế đặc biệt cho TPCHM về thủ tục thông báo thi hành án trong vụ việc này; đề xuất được áp dụng cơ chế thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, rút gọn thủ tục xử lý tài sản, thủ tục chi tiền chuyển khoản. Đặc biệt, các cơ quan, ban, ngành Thành phố hỗ trợ cơ quan thi hành án trong việc xác minh, cung cấp thông tin thi hành án.
Còn Cục THADS Hà Nội đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Hội nghị đã trao đổi, thảo luận về việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 06 tháng đầu năm, trong đó tập trung vào các đơn vị có tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền thấp, những đơn vị có số việc, số tiền còn phải thi hành có giá trị lớn.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, nhiều giải pháp được Cục trưởng Phạm Văn Dũng nhấn mạnh như: tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ; nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; phát huy hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Tập trung rà soát án tín dụng ngân hàng, án tham nhũng, kinh tế, các vụ việc đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản để có giải pháp thực hiện.
Các Chi cục THADS tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thường xuyên chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính cho Chấp hành viên, công chức, người lao động đơn vị; thường xuyên quán triệt và thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị. Phân công nhiệm vụ, kiểm soát chặt chẽ công việc, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ hồ sơ của các Chấp hành viên để có định hướng giải quyết hồ sơ.
Đối thoại, phối hợp để tháo gỡ vướng mắc
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giải quyết án tín dụng, ngân hàng, Cục THADS tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa cơ quan THADS với các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Theo đó, Cục trưởng Lê Phước Toàn nhấn mạnh thời gian tới các cơ quan THADS trong tỉnh cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết việc thi hành án đặc biệt là đối với những vụ việc có điều kiện thi hành phải quyết liệt xử lý; duy trì và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan THADS và các tổ chức tín dụng, ngân hàng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành án. Còn phía Ngân hàng đề nghị trong thời gian tới các cơ quan THADS tiếp tục duy trì việc đối thoại theo định kỳ để cùng giải quyết khó khăn vướng mắc liên quan đến các bản án về tín dụng, ngân hàng để công tác thu hồi nợ xấu đạt hiệu quả cao nhất.
|
Cục THADS Hậu Giang tổ chức hội nghị đối thoại với ngân hàng (nguồn Cục THADS Hậu Giang). |
Mặc dù kết quả tổ chức thi hành xong về việc, về tiền của tỉnh Bình Định trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng hơn cùng kỳ năm trước nhưng lại giảm về tỷ lệ việc thi hành xong (giảm 3,09%). Nhiều khó khăn mà các cơ quan THADS phải đối mặt như: Số vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có giá trị lớn nhưng đa phần người phải thi hành án không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị rất thấp; tài sản đưa ra bán đấu giá nhiều lần (có vụ việc 14 lần) nhưng không có người tham gia đấu giá. Nhiều vụ việc bản án tuyên xử lý tài sản đảm bảo thi hành án theo Hợp đồng thế chấp, nhưng qua xác minh thì tài sản thế chấp chưa đảm bảo tính pháp lý, giới cận đất đai còn chồng lấn, không xác định rõ ràng nên khi xử lý tài sản đảm bảo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để giải quyết các vấn đề này, Cục THADS tỉnh xác định tăng cường, chỉ đạo tổ chức thi hành quyết liệt hơn nữa đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị thi hành lớn, các vụ việc có điều kiện thi hành trên 01 năm chưa thi hành được, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước.
Đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS kịp thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, thực hiện các quy định Luật Đất đai năm 2024 có liên quan đến hoạt động THADS, nhất là những vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng, tổ chức thi hành án theo quy định Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành trước đây.