-Thưa ông, những giải pháp quyết liệt nào trong công tác chỉ đạo điều hành để Lạng Sơn đạt kết quả như năm vừa qua?
Có thể nói, năm 2019 là năm thành công của THADS Lạng Sơn, đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao: Kết quả THADS về việc đạt 94% (xếp thứ 03/63 tỉnh, thành phố), về tiền đạt 83% (xếp thứ 06/63 tỉnh, thành phố); thể chế nội bộ, liên ngành tiếp tục được hoàn thiện; kỷ cương, kỷ luật hành chính được nâng lên; việc phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành để giải quyết việc thi hành án dân sự ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao; trên địa bàn tỉnh không có vụ việc THADS bức xúc, kéo dài, vụ việc xảy ra làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự hay khiếu nại, tố cáo, bức xúc về THADS.
Cục trưởng Phạm Văn Dũng cho biết, kết quả THADS Lạng Sơn đạt được có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương; sự cố gắng, nỗ lực của công chức, người lao động trong ngành |
Để có kết quả đó, có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương; sự cố gắng, nỗ lực của công chức, người lao động trong ngành và đặc biệt, lãnh đạo Cục có nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra công vụ đột xuất việc chấp hành thời gian làm việc, trang phục ngành, kho quỹ của đơn vị cấp dưới; đồng thời, kiểm tra đột xuất việc thực hiện tác nghiệp của chấp hành viên, từ đó, có nhắc nhở, phê bình, chấn chỉnh kịp thời tác phong, lề lối làm việc, kỷ luật, kỷ cương công vụ. Gắn với đó, chúng tôi đã xây dựng và thực hiện chấm điểm hàng tháng đối với từng vị trí việc làm thông qua Bảng chấm điểm công chức, người lao động trong đơn vị. Điều này đã tác động rất tích cực đến tinh thần, thái đội, trách nhiệm của đội ngũ công chức trong ngành.
Với phương chấm “hướng về cơ sở”, Lãnh đạo Cục hàng tháng tiến hành giao ban, chỉ đạo án tại các địa bàn trọng điểm; chỉ đạo thực hiện “Mô hình xã điểm” trong THADS, để Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo, chấp hành viên Chi cục bám sát địa bàn cơ sở; Chỉ đạo Phòng nghiệp vụ lập danh sách theo dõi án lớn, phức tạp tại các Chi Cục để thường xuyên đôn đốc, tháo gỡ cho chấp hành viên, cũng như phối hợp cấp ủy, chính quyền cương quyết cưỡng chế các vụ việc không tự nguyện thi hành án. Vì vậy, các án có giá trị lớn, án khó, phức tạp trên địa bàn Lạng Sơn chúng tôi đã thi hành gần như xong hết.
Chúng tôi cũng thành lập và duy trì một số Tổ kiểm tra, hỗ trợ án. Đây là “đội quân tinh nhuệ”, “cơ động” vừa kiểm tra nghiệp vụ, vừa hỗ trợ án cho chấp hành viên ở dưới Chi cục; đồng thời, thông qua kiểm tra, các Tổ này đề xuất với lãnh đạo Cục các biện pháp quản lý thiết thực, hiệu quả.
Án tín dụng, ngân hàng thường xuyên được Cục chỉ đạo, đôn đốc, thi hành |
Lạng Sơn với hơn 231km đường biên, 12 cửa khẩu các loại, giao thương giữa với nước bạn tương đối nhộn nhịp, với đặc thù này, trong năm 2019, Cục đã chỉ đạo thực hiện rà soát toàn bộ các vụ việc đang tổ chức thi hành án có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên để áp dụng tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức và người phải thi hành án. Đây là giải pháp quyết liệt, đem lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, trong chỉ đạo điều hành, Lãnh đạo Cục chúng tôi luôn nêu cao tinh thần: quyết liệt, sâu sát, cụ thể, rõ trách nhiệm; lấy công tâm, công bằng, khách quan, dân chủ, gương mẫu của lãnh đạo để chỉ đạo điều hành; lấy đổi mới, sáng tạo, hiệu quả làm động lực.
-Địa bàn Lạng Sơn có số lượng án về ma túy phải thi hành năm lớn, hiện nay còn tồn nhiều loại việc này chưa thi hành xong. Giải pháp nào cho loại việc này. Cục trưởng có kiến nghị về cơ chế chính sách hay không?
Đúng là Lạng Sơn số lượng vụ việc phải thi hành liên quan đến án ma túy tương đối lớn, theo thống kê hàng năm chúng tôi phải thi hành loại án này chiếm khoảng gần 20% trên tổng số án chủ động phải thi hành.
Nguyên nhân chưa thi hành xong loại việc này có nhiều, với cái khó là đương sự của án ma túy thường có mức án cao, phần lớn là chung thân, tử hình, do đó, việc phối hợp với đương sự, cũng như người thân của họ để vận động tự nguyên thi hành án là rất khó (chưa kể tâm lý e dè, khép kín khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan thi hành án dân sự).
Thứ nữa, các đối tượng buôn bán ma túy thường tính đến che dấu, tẩu tán tàn sản hoặc cho người thân đứng tên tài sản, vì vậy, rất khó xác minh và xử lý tài sản của những đối tượng này. Ngoài ra, trong quá trình tố tụng, xác định tài sản do phạm tội mà có thì các cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp tịch thu, xử lý tài sản rồi. Vì vậy, đến giai đoạn thi hành án phí, tiền phạt, truy thu thì đường sự hầu như không còn tài sản để thi hành án.
Một vụ cưỡng chế thi hành án do Chi cục THADS Hữu Lũng thực hiện |
Giải pháp để giải quyết các loại việc này: Về phía cơ quan thi hành án, chúng tôi sẽ tích cực chỉ đạo chấp hành viên xác minh, phân loại chính xác, kịp thời; phối hợp tốt với gia đình, người thân của đương sự, cũng như chính quyền địa phương, các Trại giam để vận động thực hiện, cũng như xét miễn, giảm THA. Nếu đương sự có điều kiện thi hành, thì áp dụng triệt để các quy định của Luật THADS để thi hành dứt điểm.
Còn về lâu dài, để giảm loại việc này, cũng như các loại việc thu nộp ngân sách nhà nước đang tồn đọng nhiều năm ở các cơ quan THADS, theo tôi cần có giải pháp, chính sách “căn cơ” thật sự: đó là sớm nghiên cứu sửa Luật THADS hoặc xây dưng Nghị quyết của Quốc hội quy định về xóa tiền thi hành án cho đương sự đối với khoản tiền nộp ngân sách nhà nước mà người phải thi hành án không có tài sản, điều kiện thi hành án đã trên 10 năm. Tất nhiên nội dung này cần phải nghiên cứu, cân nhắc rất thận trọng làm sao vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện tính nhân văn, nhất là đối tượng được xóa tiền thi hành án, thẩm quyền, điều kiện về hồ sơ, trình tự, thủ tục; trách nhiệm của chấp hành viên, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan tố tụng; cần công khai, minh bạch trong thực hiện; đảm bảo kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền, nhất là của Viện kiểm sát và của nhân dân.
Việc này không chỉ giảm số lượng rất lớn án tồn đọng lâu năm, mà còn giảm chi phí, nhân lực, vật lực và cả áp lực trong việc theo dõi, quản lý hồ sơ cho cơ quan thi hành án và các cơ quan liên quan.
-Thời gian tới, Cục THADS ưu tiên tập trung những nhiệm vụ, giải pháp gì để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ năm 2020?
Chúng tôi sẽ chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao năm 2020; Chủ động tham mưu, duy trì hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo THADS các cấp, phát huy tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo THADS; tăng cường, nâng cao chất lượng phối hợp giữa cơ quan THADS hai cấp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhất là công tác phối hợp với các cơ quan khối nội chính trong hoạt động thi hành án và trong tháng 11 này dự kiến chúng tôi sẽ ký Chương trình phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra và tự kiểm tra. Chúng tôi đã thành lập 04 Đoàn kiểm tra, tới đây sẽ kiểm tra toàn bộ các Chi cục; gắn kiểm tra nội bộ với giám sát, kiểm sát nhằm hạn chế tối đa các vi phạm trong THADS, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, hành vi vi phạm pháp luật.
Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị trực thuộc tiếp dân, giải quyết đúng thời hạn, đúng quy định của pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, không để phát sinh vụ việc mới, khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, chăm lo, xây dựng đội ngũ công chức, người lao động, coi đây vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là giải pháp đột phá. Quan tâm rà soát, bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, người lao động tại các Chi cục trong điều kiện biên chế giảm, công việc thì càng ngày càng nhiều, gắn với đó là đánh giá công chức theo Bảng chấm điểm theo vị trí việc hàng tháng mà chúng tôi đã xây dựng./.
-Trân trọng cám ơn ông!