Thi hành án dân sự: Việc khó, quyết tâm vẫn làm được

 Trước thực trạng án có điều kiện thi hành tồn đọng nhiều, có những vụ tồn đọng nhiều năm gây bức xúc trong dư luận, Cục THADS thành phố quyết định rút một số vụ án trọng điểm kéo dài để tổ chức thi hành dứt điểm.

Theo nhiều cán bộ thuộc Cục THADS thành phố thì vụ việc xảy ra tại xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên) là hy hữu, hiếm gặp. Nội dung vụ việc tóm tắt như sau:

Cụ Nguyễn Văn Phòng có 2 người vợ là cụ Đỗ Thị Lẩu (vợ cả) và Đỗ Thị Bồng đều trú tại xã Cao Nhân. Cụ Phòng và cụ Lẩu có 3 người con, là các bà Nguyễn Thị Phỏng, Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Thanh. Cụ Phòng và cụ Bồng cũng sinh được 3 người con, trong đó có bà Nguyễn Thị Bính (hai người con cụ Bồng đã chết). Sau khi lấy cụ Bồng, cụ Phòng, cụ Lẩu và 3 con về ở cùng cụ Bồng trên diện tích đất 565 m2 cụ Bồng được bố mẹ đẻ cho. Cụ Phòng chết năm 1958, cụ Lẩu chết năm 1969, cụ Bồng chết năm 2003. Năm 2004, các bà Phỏng, Tý, Thanh đề nghị TAND chia di sản thừa kế. TAND huyện Thủy nguyên xét xử sơ thẩm và TAND thành phố xét xử phúc thẩm (năm 2005) quyết định chia cho 3 bà Phỏng, Tý, Thanh 277,8 m2 đất, trên đất có một phần nhà tranh tre, giếng nước và một số cây cau, chuối. Bản án có hiệu lực, nhưng bà Bính không đồng ý do vậy Chi cục THADS huyện Thủy Nguyên phải cưỡng chế bàn giao.

Năm 2007, bà Bính khởi kiện các bà Phỏng, Tý, Thanh đòi quyền sử dụng 277 m2 đất do các bà Phỏng, Tý, Thanh đang quản lý. Ngày 18-3-2009, TAND huyện Thủy Nguyên xét xử, quyết định: các bà Nguyễn Thị Phỏng, Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Thanh phải giao trả bà Nguyễn Thị Bính diện tích 285 m2 (đo thực tế). Bà Bính được sở hữu toàn bộ tài sản trên đất bao gồm 1 nhà cấp bốn, 1 lán lợp Prô-xi-măng, tường bao chung quanh diện tích đất, một số cây cau, chuối. Các bà Phỏng, Tý, Thanh được nhận số tiền 30.318.000 đồng, mỗi người sở hữu 1/3 số tiền trên. Năm 2010 bà Bính chết,  anh Phạm Văn Bàn con trai bà là người đại diện theo pháp luật thừa kế toàn bộ tài sản. Anh Bàn đã nộp đủ số tiền tại Cục THADS thành phố. Sáng 14-1, Cục THADS thành phố phối hợp với các lực lượng chức năng cưỡng chế bàn giao nhà đất cho anh Phạm Văn Bàn đúng pháp luật.

Điều đáng chú ý ở vụ việc này là trên cùng diện tích đất, lần thứ nhất THADS huyện Thủy Nguyên thực hiện cưỡng chế giao đất cho người được THA là các bà Phỏng, Tý, Thanh. Nhưng khi TAND huyện xét xử vụ kiện lần thứ 2 thì chính những người được thi hành án là các bà Phỏng, Tý, Thanh lại trở thành người phải thi hành án.

Lực lượng cưỡng chế vận chuyển tài sản của người phải thi hành án về trụ sở.
Lực lượng cưỡng chế vận chuyển tài sản của người phải thi hành án về trụ sở.

Án tồn đọng, không phải không thể làm

Trước thực trạng án có điều kiện thi hành tồn đọng nhiều, có những vụ tồn đọng nhiều năm gây bức xúc trong dư luận, Cục THADS thành phố quyết định rút một số vụ án trọng điểm kéo dài để tổ chức thi hành dứt điểm.

Với vụ việc của ông Nguyễn Đức Uyến, bên phải thi hành án có điều kiện thi hành, mặt khác ông Uyến cũng chủ động, thiện chí cho người phải thi hành án một phần đất, hỗ trợ tiền nhưng vụ việc vẫn không xong. Ông Uyến nhiều lần có đơn yêu cầu thi hành bản án trả lại đất, nhưng THADS huyện An Lão lấy nhiều lý do để đến 20 năm chưa tổ chức thi hành dứt điểm. Tại các cuộc họp với chấp hành viên trước khi tổ chức cưỡng chế, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đều ủng hộ, cho rằng bản án đã có hiệu lực pháp luật mà để đến 20 năm chưa thi hành xong là điều khó chấp nhận. Sau khi chấp hành viên gặp gỡ, thuyết phục và cương quyết thực hiện nhiệm vụ, cuối cùng anh Duyến đã trả lại đất cho ông Uyến. Vụ việc này cho thấy, không phải không thể thi hành bản án mà cấp thực hiện có quyết tâm làm hay không. Đối với vụ việc cưỡng chế giao trả nhà đất tại xã Cao Nhân (huyện Thủy Nguyên), sự phối hợp giữa lực lượng chức năng, nhất là ở địa phương còn có phần hạn chế, cá biệt có cán bộ địa phương khi được mời đến thực hiện nhiệm vụ không có mặt, trốn tránh trách nhiệm, lực lượng y tế lúng túng khi xử lý tình huống.

Để tổ chức một buổi cưỡng chế thi hành án dân sự thật không đơn giản nhất là việc phối hợp các lực lượng và xử lý tình huống. Bởi vậy hầu như không chấp hành viên nào muốn cưỡng chế. Điều đó dẫn tới hệ quả là vụ việc thi hành kéo dài và không phải chỉ có nguyên nhân từ người phải thi hành án. Những chấp hành viên thực hiện cưỡng chế đòi hỏi phải có quyết tâm cao dám làm dám chịu trách nhiệm và làm đến cùng sự việc. Không có cách nào giải quyết án tồn đọng có hiệu quả bằng việc cơ quan THADS phải quyết tâm, mỗi chấp hành viên phải có tinh thần trách nhiệm trong công việc và trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng ./.                                                    

“Trong vòng một tháng thực hiện 2 vụ cưỡng chế thi hành án tồn đọng kéo dài là điều không dễ dàng. Song không phải vì khó mà chấp hành viên không làm. Thực tế công tác cưỡng chế cho thấy, khi có kế hoạch, có phương án và làm đúng thủ tục thì sẽ thực hiện được. Quan trọng là chấp hành viên, lãnh đạo cơ quan phải quyết tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Ông Bùi Đức Tiến, Chấp hành viên, Phó trưởng phòng nghiệp vụ và tổ chức thi hành án  Cục THADS thành phố khẳng định như vậy.                                                 

Đọc thêm