Thí sinh rối khi chọn ngành, chọn trường

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến thời điểm bắt đầu nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ nhưng không ít thí sinh vẫn rối bời khi chọn ngành, chọn trường...

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến thời điểm bắt đầu nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ nhưng không ít thí sinh vẫn rối bời khi chọn ngành, chọn trường...

Kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ hàng năm luôn là sự kiện quan trọng bậc nhất đối với mỗi học sinh. Thông tin tuyển sinh dù được đăng tải rất nhiều trên phương tiện truyền thông nhưng vẫn chưa đủ để các thí sinh yên tâm lựa chọn. Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 đã cận kề với thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ ĐKDT là ngày 10/3.

Rối vì “nhiễu” thông tin

Theo TS. Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục TPHCM, học sinh hiện nay vẫn chưa nắm rõ cơ cấu ngành nghề trong xã hội. Chính vì vậy, các em cảm thấy rối rắm trong khi lựa chọn ngành nghề. Hơn nữa, việc tham khảo quá nhiều nguồn thông tin, từ bố mẹ, bạn bè, sách báo, ti vi… đến các anh chị đi trước khiến nhiều em rối càng thêm rối.

Khi thời điểm bắt đầu nộp hồ sơ ĐKDT cận kề, Tấn Đạt, Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4) thì lại “nhức đầu” vì bất đồng ý kiến với gia đình mình. Cả nhà từ bố mẹ đến các anh chị đều là luật sư nên ai cũng khuyên Đạt nối nghiệp. Tấn Đạt tự thấy mình có khả năng nói trước công chúng, diễn đạt tốt nhưng lại không thích theo nghề luật sư. Cậu chỉ thích làm đạo diễn và rất thích truyền hình. Bố mẹ Đạt phản đối vì cho rằng con đường nghệ thuật rất chông chênh.

Học sinh tìm hiểu nghề kỹ thuật nữ công. (Ảnh: Hiếu Hiền)

Chọn ngành thi theo sở thích hay năng khiếu?

Thế hệ học trò 9X được tiếp cận khá nhiều thông tin nhưng không phải vì thế mà sự lựa chọn được dễ dàng hơn. Thiên Phúc, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4, TPHCM) đang phải cân nhắc giữa việc chọn ngành mình thích hay chọn ngành mình có năng khiếu. Em thích làm nhà tư vấn tâm lý nhưng mọi người lại thấy em có khả năng làm kinh tế hơn. Hoặc như Kim Chi, Trường THPT Bình Phú (quận 6, TPHCM), đang ôn khối B để thi vào ngành y dược theo lời bố mẹ. Trong khi đó, bản thân em lại thích ngành kế toán. Chi còn thêm nhức đầu vì nhận thấy mình không có tính tỉ mỉ cần thiết cho ngành kế toán.

Với những thắc mắc này, TS. Đinh Phương Duy có lời khuyên: Sở thích và năng khiếu là những yếu tố quan trọng chứ không phải là duy nhất khi quyết định chọn ngành, chọn trường. Học sinh phải chú ý đến vấn đề tài chính gia đình, khả năng có việc làm và có phù hợp tính cách bản thân hay không.

Khi phát huy được năng khiếu thì sẽ nảy sinh sự yêu thích. Do đó nên ưu tiên sở trường, năng khiếu khi chọn ngành. Nếu chọn theo sở thích nhất thời, sẽ rất khó khăn khi phải thích ứng trong công việc sau này. Khi bị mọi người xung quanh tác động, chính học sinh nên là người quyết định con đường học tập của mình.

Theo TS. Đinh Phương Duy, một điều nữa giúp các em không quá căng thẳng, đó là nếu chọn sai ngành nghề thì sau này vẫn có thể đổi được vì xu hướng hiện nay là biết nhiều nghề để chọn một nghề.

Theo Dân trí

Đọc thêm