Thi tốt nghiệp THPT 2010: Làm khác đáp án vẫn có điểm

Về những vấn đề liên quan trực tiếp đến thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết:

Về những vấn đề liên quan trực tiếp đến thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết:

- Đề thi năm nay vẫn có nhiều câu hỏi có độ khó khác nhau, yêu cầu từ thấp đến cao: tái tạo kiến thức, vận dụng kiến thức, sáng tạo... Nhưng với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT, người ra đề sẽ cân nhắc để những thí sinh có trình độ trung bình nắm được kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu tối thiểu có thể vượt qua được kỳ thi này.

Học sinh lớp 12A3 Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) ôn thi môn địa lý. Bộ GD-ĐT khẳng định những cách làm khác đáp án trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng đúng vẫn được chấm - Ảnh: N.Hùng
Học sinh lớp 12A3 Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) ôn thi môn địa lý. Bộ GD-ĐT khẳng định những cách làm khác đáp án trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng đúng vẫn được chấm - Ảnh: N.Hùng

Về nguyên tắc, ban ra đề sẽ xây dựng barem chấm, hướng dẫn chấm thi chi tiết. Nội dung này cũng nằm trong diện bảo mật như đề thi. Tuy nhiên việc chấm thi sẽ bám sát các yêu cầu theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và vận dụng theo hướng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

* Nếu không có giải pháp để tránh tình trạng nơi chấm chặt, nơi chấm lỏng, việc chấm chéo sẽ gây băn khoăn, lo ngại cho nhiều người?

- Để tránh gây thiệt thòi cho thí sinh, barem chấm thi năm nay cũng sẽ chi tiết đến 0,25 điểm. Trong hướng dẫn chung, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các hội đồng chấm thi phải phổ biến kỹ hướng dẫn chấm và chấm chung một số bài để thống nhất phương án chấm thi cho giám thị. Tinh thần chung là thí sinh làm được đến đâu cho điểm đến đó, không cứng nhắc chỉ cho điểm khi thí sinh làm được trọn vẹn câu hỏi. Nếu vận dụng đúng hướng dẫn chấm, sẽ không lo chuyện chấm chặt, chấm lỏng.

* Nhưng như nhiều ý kiến phản ảnh năm trước, nếu vận dụng hướng dẫn chấm mà không có sự linh hoạt sẽ bỏ sót công sức của thí sinh, nhất là ở những đề thi mở. Bộ có lưu ý gì trong việc chấm thi?

- Năm 2009, việc tranh cãi xảy ra ở những câu không phải mở. Nhìn vào kết quả chấm, nhất là kết quả chấm thẩm định, những câu mở lại rất ổn. Tuy hướng dẫn chấm chi tiết nhưng vẫn yêu cầu các hội đồng chấm thi phải vận dụng linh hoạt một cách thống nhất.

Ông Trần Văn Nghĩa - Ảnh: V.Hà
Ông Trần Văn Nghĩa - Ảnh: V.Hà

Để đảm bảo được sự thống nhất này, trong quy chế quy định: “Trước khi giám khảo chấm bài thi tự luận, tổ trưởng tổ chấm thi tổ chức cho các thành viên nghiên cứu hướng dẫn chấm thi và tiến hành chấm chung ít nhất 15 bài thi để giúp cho mọi giám khảo của tổ nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm thi”. Và ngay trong hướng dẫn chấm chi tiết do ban đề thi xây dựng cũng sẽ nêu rõ khi nào có thể cho điểm, khi nào không thể cho điểm.

* Trên thực tế, có những thí sinh có cách làm khác với đáp án nhưng vẫn phù hợp, thậm chí nhanh hơn, thông minh hơn thì người chấm xử lý thế nào, có được thưởng điểm không?

- Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng khuyến khích khả năng sáng tạo của thí sinh (thể hiện ở đề thi, hướng dẫn chấm thi) nhưng mức độ vừa phải, khác với đòi hỏi cao ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Những thí sinh có cách làm khác với đáp án nhưng đúng vẫn phải cho điểm như barem. Còn việc có thưởng điểm hay không còn tùy thuộc yêu cầu cụ thể của từng câu, đề thi.
 

Không ép buộc thi môn thay thế

Xung quanh việc nhiều địa phương vận dụng hướng dẫn về môn thi thay thế, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định:

- Theo quy chế, những thí sinh không theo học hết chương trình ngoại ngữ THPT hiện hành, hoặc ở các cơ sở khó khăn về điều kiện dạy học, trang thiết bị dạy học, thực hành không đáp ứng yêu cầu dạy học, giáo viên môn ngoại ngữ thiếu, chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, năng lực dạy học yếu, việc thực hiện chương trình không liên tục, thí sinh là người dân tộc thiểu số khả năng tiếp thu ngoại ngữ yếu hoặc do chuyển trường phải đổi môn ngoại ngữ sẽ được giám đốc các sở GD-ĐT xem xét và cho phép thi môn thay thế.

* Vậy quy trình quyết định việc thi môn thay thế như thế nào? Căn cứ vào đề xuất của cơ sở giáo dục hay nguyện vọng của thí sinh?

- Những khó khăn thuộc về cơ sở giáo dục thường do cơ sở đề xuất lên. Những khó khăn thuộc về thí sinh do thí sinh đề đạt nguyện vọng với nhà trường, trường gửi đề xuất lên sở. Thường những nơi khó khăn do điều kiện dạy học, việc thi môn thay thế sẽ được xem xét với toàn bộ học sinh (nhưng vẫn phải căn cứ vào nguyện vọng của thí sinh). Những nơi có điều kiện dạy học đảm bảo, nhưng có những thí sinh đơn lẻ gặp khó khăn sẽ được xem xét theo từng trường hợp cụ thể.

* Trên thực tế có những trường hợp thí sinh được phép thi môn thay thế nhưng vẫn có nguyện vọng thi ngoại ngữ thì giải quyết thế nào?

- Bộ GD-ĐT chỉ quy định những trường hợp nào có thể được phép thi môn thay thế, còn trong trường hợp được phép nhưng thí sinh không muốn thi môn thay thế vẫn phải tôn trọng nguyện vọng của thí sinh. Bộ không quy định bắt buộc về việc này. Những cơ sở ép buộc thí sinh phải lựa chọn môn thi thay thế là sai quy định.   

 Theo Tuổi Trẻ

Đọc thêm