Thị trường BĐS và cuộc tranh luận“rơi tự do” hay giải cứu?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chưa khi nào thị trường bất động sản lại khó khăn như hiện nay. Những hệ lụy từ việc phát triển thị trường “quá nóng” đang gây ra những tác động xấu đến nhiều ngành nghề khác, đến tổng thể nền kinh tế.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chưa khi nào thị trường bất động sản lại khó khăn như hiện nay. Những hệ lụy từ việc phát triển thị trường “quá nóng” đang gây ra những tác động xấu đến nhiều ngành nghề khác, đến tổng thể nền kinh tế.

Nhức nhối bất động sản

Đó là vấn nạn tồn kho sản phẩm ở hầu hết các dự án, đó là nợ xấu gia tăng, thanh khoản thị trường giảm sút, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản; người lao động mất việc làm; kiện tụng, tranh chấp xảy ra thường xuyên,…

Con số thống kê của Bộ Xây dựng về lĩnh vực này cho thấy, năm 2012 có trên 42000 căn nhà còn tồn kho, số nợ xấu bất động sản lên đến 28.000 tỷ đồng tính đến hết tháng 10/2012, số lượng giao dịch thành công trong năm 2012 đã giảm 70% so với 2011

Đặc biệt là tình trạng hoạt động kinh doanh của các đơn vị ngành bất động sản cực kỳ khó khăn, hiệu quả kém, vay nợ nhiều dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải giải thể, dừng hoạt động. Số liệu trong năm 2012 cũng cho thấy có đến 2.673 đơn vị kinh doanh BĐS phải giải thể, 17000 DN kinh doanh thua lỗ

Giá cả bất động sản trong năm 2012 cũng sụt giảm mạnh, theo thống kê từ một số công ty tư vấn trong ngành này, tỷ lệ giảm giá căn hộ vào khoảng 10-20% tùy từng khu vực.

Số lượng dự án được cấp phép quá nhiều dẫn đến tình trạng huy động vốn tràn lan trong lúc thị trường nóng, khiến nhiều nhà đầu tư đến nay phải “nếm trái đắng” khi dự án phải dừng triển khai vì thiếu vốn. Thậm chí, nhiều dự án bất động sản đến nay không biết “số phận” sẽ ra sao.

Một trong những giải pháp nhằm hạn chế nguồn cung của nhà nước hiện nay là cắt giảm từ 30-40% những dự án chưa giải phóng mặt bằng, không phù hợp với quy hoạch. Bên cạnh đó, chuyển đổi những dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nhằm thay đổi cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với cung cầu đang “lệch pha”.

Để bất động sản tự do hay giải cứu?

Nhiều quan điểm cho rằng những hệ lụy, tác động xấu của bất động sản đang ảnh hưởng rất lớn đến các ngành nghề khác, gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội như xi măng, nội thất, sắt thép, đồ gia dụng,…nếu để thị trường bất động sản “rơi tự do” như góc nhìn của T.S Alan Phan thì sẽ rất “nguy hiểm”, tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm ủng hộ T.S Alan Phan đã dám đối diện với thực tế, mà nhiều người cho là “nhóm lợi ích”

Để thị trường “rơi tự do” hay “bơm” tiền giải cứu?

Trước những thực trạng về bất động sản Việt Nam đang nhức nhối, là một chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm, T.S Alan Phan bày tỏ quan điểm qua những bài viết  “nên để thị trường bất động sản rơi tự do”, “hãy để chúng chết đi”, hay “Thị trường sẽ của chúng ta”,…

Bên cạnh đó, nói về gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mà NHNN vừa mới đưa vào dự thảo về quy chế hỗ trợ cho vay nhà ở Theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ, Tiến sỹ bày tỏ: “Chính phủ rót 30.000 tỷ đồng chỉ cứu được một vài đối tượng”.

Góc nhìn “để thị trường rơi tự do” theo cách tư duy “rất kinh tế thị trường” của Tiến sỹ đã vấp phải không ít những tranh luận gay gắt trong dư luận những ngay qua. Nổi lên đó là CLB bất động sản Hà Nội, đại diện CLB này thì cho rằng đó là một quan điểm không có cơ sở, và không đồng tình, đồng thời còn gửi thư “chất vấn” và mong muốn được “đối thoại” trực tiếp với T.S Alan Phan xung quanh chủ đề này.

Thể hiện quan điểm về vấn đề này, đại diện cho Bộ Xây dựng Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã có trả lời báo chí ngày 2/4 với quan điểm “không thể bỏ mặc thị trường bất động sản”. Theo đó, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh “Khi một người dân, một doanh nghiệp hay một ngành nghề khó khăn thì Nhà nước cũng nên hỗ trợ huống chi bất động sản là một lĩnh vực quan trọng và là đầu ra của hàng loạt mặt hàng vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất…

Do đó khi thị trường bất động sản khó khăn, Nhà nước không thể bỏ mặc, càng không thể để nó rơi tự do hay tự phát triển.”

Vấn đề tranh luận chưa bắt đầu và cũng chẳng thể nào kết thúc khi mà các bên đều thể hiện quan điểm riêng của mình, cũng như T.S Alan Phan đã nói “không có kẻ thắng người thua trong tranh luận dựa trên trí thức. Không ai độc quyền chân lý. Một cuộc tranh luận cởi mở trên một sân chơi bằng phẳng là đích đến mong đợi của mọi người dân sau những ồn ào hỗn loạn của PR và tâm lý bầy đàn.”  Thì đằng sau đó, những ngay vừa qua giới truyền thông trong nước liên tục phản ánh những “khía cạnh khác” từ sự kiện tranh luận này, với những góc nhìn mỉa mai.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự kiện trên

Ngân Hà

Xem tiếp bài 2: T.S Alan Phan, câu chuyện con “kền kền” và “đàn cá mập”

Đọc thêm