Thị trường chứng khoán cần 5 yếu tố để lấy lại “phong độ”

Những tháng đầu năm 2012, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, để TTCK lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng thực sự còn có rất nhiều nhiệm vụ phải làm. Là chủ tịch HĐQT FLC Group-  một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành-, đồng thời là một luật sư danh tiếng, hiểu biết sâu sắc về pháp luật, thị trường chứng khoán, Th.s Trịnh Văn Quyết đã có bài viết phân tích sâu sắc những yếu tố cần và đủ để TTCK “lấy lại phong độ”.

[links()]Những tháng đầu năm 2012, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, để TTCK lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng thực sự còn có rất nhiều nhiệm vụ phải làm. Là chủ tịch HĐQT FLC Group-  một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành-, đồng thời là một luật sư danh tiếng, hiểu biết sâu sắc về pháp luật, thị trường chứng khoán, Th.s Trịnh Văn Quyết đã có bài viết phân tích sâu sắc những yếu tố cần và đủ để TTCK “lấy lại phong độ”.

Theo Th.sTrịnh Văn Quyết thì TTCK cần khá nhiều yếu tố để có thể phục hồi

1. Tháo gỡ những rào cản đối với thị trường

Những rào cản đối với TTCK hiện nay vừa đến từ các yếu tố vĩ mô, từ chính sách pháp luật, vừa do những những nút thắt trong cơ chế tổ chức, quản lý, vận hành thị TTCK tạo ra.

Sự phát triển của TTCK phụ thuộc chặt chẽ vào chính sách tiền tệ, tín dụng, công cụ lãi suất, tỷ giá hối đoái và các yếu tố vĩ mô khác. Với chỉ số lạm phát (CPI) năm 2011 là 18,3% và lãi suất cho vay trung bình 17-19%/năm thì không doanh nghiệp niêm yết nào có thể làm ăn có hiệu quả, do đó làm mất đi tính hấp dẫn của cổ phiếu.

Thêm vào đó, để tránh tác động của lãi suất, các doanh nghiệp đã “chuyển hướng” qua TTCK để huy động vốn bằng cách niêm yết hay phát hành thêm cổ phiếu. Trong năm 2011, việc huy động vốn qua kênh này tiếp tục tăng, khiến cho cổ phiếu càng bị pha loãng và mất giá.

Lạm phát và cuộc đua lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao đã buộc Chính phủ phải can thiệp để bình ổn thị trường, hạn chế tăng trưởng tín dụng và xiết chặt tín dụng với các lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có chứng khoán và bất động sản. Đây tiếp tục là đòn giáng vào các công ty niêm yết, các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư.

Luật Chứng khoán được thông qua năm 2006, sau hơn 5 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập. Chính những bất cập chậm được khắc phục của Luật đã vừa cản trở sự phát triển của thị trường, vừa tạo ra những kẽ hở để các công ty chứng khoán, các công ty niêm yết và cả nhà đầu tư lợi dụng.

Có quá nhiều công ty chứng khoán ra đởi cạnh tranh với nhau với những thủ thuật không minh bạch, tạo ra sự rủi ro cho thị trường và các nhà đầu tư. Tình trạng các công ty niêm yết làm ăn thua lỗ nhưng không được kiểm soát, thông tin mù mờ, báo cáo tài chính thiếu minh bạch đã trở nên phổ biến, khiến cho các nhà đầu tư chán nản, mất niềm tin vào thị trường.

Theo pháp luật hiện hành, UBCKNN chưa được trao đủ các thẩm quyền và quyền hạn cần thiết trong việc quản lý, vận hành TTCK, nhất là trong lĩnh vực thanh tra, giám sát thị trường và xử lý các hành vi vi phạm. Với vị thế của mình, UBCKNN cũng đang gặp khó khăn lớn trong việc tìm kiếm sự phối hợp của các bộ, ngành trong việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường phát triển.

Để TTCK thực sự khởi sắc thì những rào cản trên cần phải được tháo gỡ.

2.Tái cấu trúc thị trường và các công ty chứng khoán

Số lượng 105 công ty chứng khoán hiện nay là quá nhiều so với quy mô và nhu cầu thực của trường. Sự sụt giảm của thị trường  thời gian qua đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả hoạt động của công ty chứng khoán.

Năm 2011, số lượng công ty chứng khoán thua lỗ chiếm gần 80% tổng số công ty chứng khoán trên toàn thị trường (đó là dựa trên con số báo cáo, còn trên thực tế có thể còn lớn hơn).

Thậm chí, nhiều công ty chứng khoán đã phải ăn vào cả vốn chủ sở hữu. Để tồn tại trên thị trường, nhiều công ty đã quyết định cắt giảm cả nghiệp vụ môi giới, một trong những nghiệp vụ cơ bản nhất.

Do vậy, tái cấu trúc các công ty chứng khoán là điều không thể tránh khỏi. UBCKNN đã lên lộ trình tái cơ cấu thị trường, nhất là với thời hạn 1-4 tới đây khi Thông tư 226 về tỷ lệ an toàn tài chính với các Công ty chứng khoán có hiệu lực.

Dự báo, sẽ có ít nhất vài chục công ty không đạt yêu cầu phải chịu sáp nhập hay giải thể.

Trong số gần 1000 công ty đại chúng niêm yết trên thị trường, một phần lớn là các công ty có vốn hoá nhỏ và làm ăn kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của thị trường.

Nhưng đến nay chưa có cơ chế cụ thể để loại các công ty này khỏi sân chơi. Đến nay UBCKNN mới dự kiến sẽ áp dụng quy định hủy niêm yết bắt buộc với các công ty thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Tuy nhiên, vấn đề là làm thể nào để kiểm soát được và đánh giá đúng tình trạng tài chính và sản xuất kinh doanh của công ty đó nếu  chỉ dựa trên báo cáo tài chính đã qua kiểm toán. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng.

Về mô hình tổ chức và phương thức vận hành TCCK cũng cần tái cấu trúc và đổi mới mạnh mẽ. Ý tưởng về việc hợp nhất hai Sở giao dịch chứng khoán làm một và thống nhất các điều kiện niêm yết và áp dụng một phương thức giao dịch chung cũng cần nghiên cứu một cách sâu sắc.

Việc quản lý tập trung sẽ hạn chế được những lỗ hổng hiện nay của các sàn giao dịch, đồng thời tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty niêm yết.

Tái cấu trúc thị trường phải đi đối với việc tăng cường vai trò, vị thế và thẩm quyền của UBCKNN trong hoạt động quan lý, vận hành TTCK, nhất là trong lĩnh vực thanh tra, giám sát và cưỡng chế thi hành pháp luật về chứng khoán và TTCK theo tinh thần Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 201-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một loạt giải pháp khác cũng đã và đang được UBCKNN xem xét áp dụng để cải thiện tính thanh khoản thị trường, giảm thiểu rủi ro và tăng tốc sự luân chuyển vốn, như việc kéo dài thời gian giao dịch sang cả buổi chiều (đã áp dụng), cho phép giảm thời hạn bán chứng khoán từ T+3 xuống còn T+2.

Thời gian tới, UBCKNN cần tiếp tục nghiên cứu cho áp dụng các biện pháp khác như được mua bán cùng một loại cổ phiếu trong phiên, nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản, giảm thời gian thanh toán tiền bán chứng khoán và tiến tới rút thời hạn giao dịch xuống còn T+0 như thông lệ quốc tế.

Môt vấn đề khó khăn là khi áp dụng các công cụ nêu trên thì đòi hỏi rất nhiều các biện pháp hỗ trợ, gắn liền với yêu cầu hiện đại hóa thị trường thì mới có thể phát huy tác dụng và tránh được các rủi ro cho thị trường (chẳng hạn, khi áp dụng biện pháp hạn chế giao dịch T+2 thì cần xử lý vấn đề kết nối dữ liệu giữa VSD và các công ty chứng khoán). Trong hoàn cảnh thực tế của TTCK Việt Nam hiện nay thì rất khó để triển khai áp dụng đồng bộ các giải pháp đó.

3.Khơi thông nguồn vốn cho thị trường

Nguyên nhân chủ yếu của sự trầm lắng của TTCK trong suốt năm 2011 và những năm trước đó là do nguồn vốn đổ vào thị trường bị hạn chế và chúng ta chưa có cơ chế thỏa đáng để khơi thông.

Vốn tín dụng cho chứng khoán tiếp tục bị thắt chặt để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Kết quả bước đầu là lạm phát đã được khống chế và đang có xu hướng giảm. Các yếu tố vĩ mô khác cũng đã được ổn định. Vậy đã đến lúc Chính phủ cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng nới lỏng những hạn chế đối với tín tín dụng chứng khoán.

Một yếu tố quan trọng để kích thích dòng vốn vào thị trường là hạ lãi suất ngân hàng. Hiện nay, các yếu tố kinh tế vĩ mô cơ bản đã hậu thuẫn cho việc từng bước hạ lãi suất đầu vào và đầu ra. Động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước trong việc hạ mức trần lãi suất đầu vào từ 14% xuống còn 13%/năm đã gửi một tín hiệu tích cực cho nhà đầu tư về khả năng ổn định và kiểm soát vĩ mô của Chính phủ và của NHNN. Tuy nhiên, với sự điều chỉnh nói trên, mức lãi suất đầu ra chưa hạ hoặc hạ không đáng kể, do vậy chưa có tác động đến thị trường. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường để có sự điều chỉnh hạ lãi suất kịp thời như lộ trình đã vạch ra.

Đối với dòng vốn cá nhân, được xem là dòng vốn chủ đạo trên TTCK, nhưng do tác động của suy thoái kinh tế, lượng vốn này cũng đã hao hụt đáng kể. Thêm nữa, nhiều nhà đầu tư đã bị mắc kẹt vốn ở thị trường BĐS và các kênh đầu tư khác. Với tình trạng trầm lắng như hiện nay, việc rút vốn kẹt từ các kênh đầu tư khác, đặc biệt là BĐS để chuyển sang chứng khoán không phải là dễ. Để giải cứu nguồn vốn đầu tư tư nhân đang bị mắc kẹt và chuyển sang cho TTCK, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần phải có những chính sách và giải pháp cụ thể để phục hồi thị trường BĐS.

Trong dòng vốn đổ vào TTCK hiện nay, vốn ngoại chiếm tỷ trọng đáng kể. Năm 2010, tỷ trọng vốn ngoại trên TCCK Việt Nam đạt 1,82 % trong tổng vốn hóa thị trường, đứng thứ hai khu vực Châu Á chỉ sau Hàn Quốc. Dòng vốn ngoại chủ yếu tập trung vào nhóm các cổ phiếu blue-chips và các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, tính thanh khoản cao và ổn định. Tuy nhiên, trong năm 2011 hầu hết các cổ phiếu blue-chips cũng chịu chung cảnh sụt giảm, khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài bị thua lỗ và phải tính đến chuyện cắt giảm danh mục đầu tư và thoái vốn khỏi thị trường. Sang năm 2012, dòng vốn ngoại có tín hiệu quay trở lại thị trường, tuy chưa đáng kể và xu hướng chưa rõ ràng. Do vậy, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có những giải pháp để giam chân dòng vốn ngoại ở lại thị trường.

Bên cạnh đó, nên thay đổi một số quy định,  nhằm “cởi trói” dòng vốn ngoại dễ dàng lưu thông vào TTCK Việt Nam. Trong đó giảm thiểu các thủ tục hành chính nhằm giúp việc mở tài khoản dễ dàng hơn và xóa bỏ quy định một khách hàng chỉ được sử dụng dịch vụ của một công ty chứng khoán. Thêm vào đó, chúng ta cũng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao tính minh bạch cho thị trường, nhà đầu tư nước ngoài  thường nhìn vào tiêu chí này để lựa chọn đầu tư đối với những thị trường có các yếu tố khác tương đương nhau.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần giữ bình ổn thị trường là lượng kiều hối. Những năm qua, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam liên tục gia tăng, từ mức 1,34 tỷ USD vào năm 2000 đã tăng lên 8,26 tỷ vào năm 2010 và năm 2011 đạt trên 10 tỷ USD. Lượng kiều hối đã giải tỏa cơn khát ngoại tệ trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, qua đó góp phần bù đắp cán cân thanh toán vãng lai, bình ổn tỷ giá hối đoái, giảm áp lực tăng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng và “bơm” một lượng tiến đáng kể vào các kênh đầu tư.

Một nguyên nhân căn bản khiến lượng kiều hối tăng mạnh trong mấy năm gần đây là do tỷ giá USD tăng mạnh, cộng với lãi suất tiền gửi bằng cả ngoại tệ lẫn VND tại Việt Nam vào hàng cao nhất thế giới. Chính điều này đã thu hút một lượng kiều hối đáng kể đổ về Việt Nam để gửi tiết kiệm nhằm hưởng lãi suất cao.

Tuy nhiên, hiện nay cùng với chính sách thắt chặt tín dụng với bất động sản, chứng khoán và khống chế trần lãi suất USD, giảm dần lãi suất trần huy động bằng VND đã khiến các món tiền gửi lớn với mục đích đầu tư giảm mạnh, thay vào đó là các món tiền mang tính chất trợ cấp sinh hoạt. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp đối phó để ngăn đà giảm sút của lượng kiều hối trong những năm tới.

Bên cạnh đó, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có chính sách căn cơ để khơi thông và thu hút ngày càng nhiều dòng kiều hối. Chính sách đối với Việt Kiều trong việc đầu tư, kinh doanh, mua và sở hữu đất đai, nhà ở tại Việt Nam vẫn còn những rào cản, do đó cũng gây khó khăn cho việc thu hút và gia tăng lượng kiều hối đổ về Việt Nam.

4.Cần điều hành chính sách vĩ mô một cách linh hoạt

Thị trường chứng khoán được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế. Mỗi chuyển động của các yếu tố vĩ mô đều được phản ánh tức thời lên chỉ số VNindex và lượng thanh khoản của thị trường. Bởi vậy, trong điều hành vĩ mô, các chính sách cần hết sức đa dạng, linh hoạt và đảm bảo tính thông nhất cao, bổ trợ lẫn nhau để vừa giữ được ổn định vĩ mô, vừa tạo động lực cho TTCK phát triển.

Về trung và dài hạn, việc tiếp tục kiềm chế lạm phát và từng bước kéo lãi suất tiền gửi về ngưỡng an toàn là rất cần thiết. Song, theo kinh nghiệm của các nước đang phát triển khác cũng như thực tế ở Việt Nam, việc “kìm cương” CPI và lãi suất theo đích mong muốn trong một thời gian ngắn là rất khó. Vấn đề đặt ra là lạm phát và lãi suất phải được điều chỉnh theo hướng vừa đảm bào ổn định vĩ mô, vừa tạo đủ động lực cần thiết cho các thị trường, trong đó có TTCK phát triển.

Việc tiếp tục thắt chặt tín dụng ngân hàng đối với chứng khoán bằng việc không đưa chứng khoán vào nhóm khuyến khích tại Chỉ thị 01/CT-NHHH ngày 13/2/2012 về khía cạnh mục tiêu giảm dư nợ tín dụng, đảm bảo an toàn và kiềm chế lạm phát là tích cực, nhưng đồng thời là động thái chưa thực sự khách quan và có phần hơi cực đoan khi thị trường chứng khoán cũng là một kênh huy động vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng lại không được xếp vào nhóm sản xuất kinh doanh để được ưu tiên cấp tín dụng.

Trên thực tế, việc một số công ty chứng khoán lợi dụng tín dụng ngân hàng để tạo công cụ đòn bẩy (margin) cho nhà đầu tư, dẫn đến tình trạng đầu tư lướt sóng, làm giá, lũng đoạn thị trường. Nhưng đó không phải là lỗi của bản thân hoạt động tín dụng chứng khoán mà là do lỗi của khâu quản lý, giám sát trong hoạt động tín dụng, và đó suy cho cùng là lỗi từ phía ngân hàng và các cơ quan giám sát thị trường. Hơn nữa, xét cho cùng, đầu tư chứng khoán cũng là một hoạt động đầu tư bình thường. Các nhà đầu tư phải tự cân nhắc quyết định và tự chịu trách nhiệm (rủi ro) với quyết định đầu tư của mình. Không nên vì những lỗ hổng trong hoạt động quản lý, giám sát mà cản trở hoạt động đầu tư của người dân.
Tỷ giá hối đoái giữa USD và VND đã ít giao động, thậm chí đứng yên trong một thời gian khá dài. Xét trên bình diện vĩ mô, sự ổn định đó mang lại lợi ích chung của quốc gia, trong đó có các doanh nghiệp, bời vì ổn định vĩ mô tốt thì kinh doanh tốt hơn trong dài hạn. Tuy nhiên, việc VND đứng giá quá lâu so với USD đã làm cho xuất khẩu gặp phải bất lợi trong khi nhập khẩu lại được khuyến khích.

Khi xuất khẩu giảm sẽ lại gây sức ép lên cán cân vãng lai, làm tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng và buộc lại phải duy trì chính sách lãi suất huy động ở mức cao và đến lượt nó lại kéo theo  CPI và hàng loạt chỉ số khác tăng cao. Do vậy, việc sử dụng công cụ tỷ giá như thế nào cho linh hoạt và hợp lý là một vấn đề hết sức nan giải.

5.Phục hồi niềm tin cho nhà đầu tư

Chỉ số niềm tin đóng vai trò rất quan trọng đối với TTCK. Sau khủng hoảng và suy thoái, muốn cho thị trường phục hồi thực sự thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải phục hồi niềm tin cho nhà đầu tư để họ hào hứng quay lại thị trường.

Toàn bộ các chính sách và giải pháp để ổn định TTCK đang thực hiện thời gian qua cũng là góp phần củng cố và phục hồi niềm tin cho nhà đầu tư. Những tín hiệu từ thị trường cho thấy niềm tin của nhà đầu tư phần nào đã được củng cố. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư không chỉ được phục hồi bằng các chính sách vĩ mô, mà còn phải bằng các giải pháp cụ thể để làm minh bạch hóa thị trường và các cơ chế để bảo đảm và bảo vệ an toàn cho nhà đầu tư, giúp cho họ hoàn toàn an tâm khi quay trở lại thị trường, và điều quan trọng hơn là họ phải nhận thầy lợi ích lớn hơn từ việc đầu tư vào chứng khoán so với gửi tiết kiệm hay các kênh đầu tư khác.  

Có thể nói, sự phục hồi của TTCK thời gian tới không chỉ được quyết định bởi một vài giải pháp đơn lẻ mà phụ thuộc vào hàng loạt chính sách, giải pháp đồng bộ. Thị trường chỉ có thể phục hồi và phát triển manh khi cả bộ mày nhà nước cùng vào cuộc một cách đồng bộ với sự quyết tâm, quyết liệt cao nhất và sự phối hợp với nhau một cách tốt nhất.

Th.s Trịnh Văn Quyết
 

Đọc thêm