Thị trường hàng hóa biến động: Giá tăng, chất lượng cuộc sống giảm

Dù biết trước những tháng cuối năm giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm cũng tăng nhưng năm nay, hàng hóa lại tăng giá sớm hơn khiến nhiều người phải cân nhắc kỳ khi đi chợ.

Dù biết trước những tháng cuối năm giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm cũng tăng nhưng năm nay, hàng hóa lại tăng giá sớm hơn khiến nhiều người phải cân nhắc kỳ khi đi chợ.

Chóng mặt khi đi chợ

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở khu Cột Đèn, phường Dư Hàng (quận Lê Chân) cùng là công chức nhà nước, thu nhập theo bậc lương cũng chưa đến 3 triệu đồng/người/tháng. Tằn tiện trong chi tiêu, mỗi tháng, anh chị cũng không để ra được 1 triệu đồng. Chị Thu cho biết, ưu tiên số một là việc học của cô con gái lớp 5 và cậu con trai lớp mẫu giáo, mỗi tháng hết hơn một triệu đồng. Những tháng trước, khi giá lương thực, thực phẩm chưa tăng nhiều, chị đã vất vả tính toán chi tiêu. Nay ra chợ thứ nào cũng tăng vùn vụt chóng cả mặt, chỉ biết thở dài thườn thượt. Vợ chồng chị Thu là công chức nhà nước, thu nhập khá ổn định còn thế, nhiều gia đình công nhân, lao động phổ thông còn khốn khó hơn nhiều. Anh Phạm Văn Toản, nhà ở khu C, phường Trại Chuối (Quận Hồng Bàng) làm công nhân ở doanh nghiệp may trên đường Lê Lai, vợ anh, làm công nhân trong khu công nghiệp Nô-mu-ra, lương cơ bản 1,5 triệu đồng/tháng. Cộng cả làm thêm giờ và các khoản phụ cấp khác, hai vợ chồng chỉ được xấp xỉ 4 triệu đồng/tháng. Nhà có con nhỏ, mẹ già vợ chồng anh hết sức tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu, mong mỗi tháng dư ra chút đỉnh đề phòng khi có "sự cố". Cả tuần nay đi chợ, chị Giang vợ anh cứ ngẩn ngơ bởi giá lương thực, thực phẩm tăng nhiều, nhất là gạo và thịt. Mua 10 kg gạo như mọi khi phải trả thêm 25 nghìn đồng, 1 kg thịt ba chỉ tăng 15.000 đồng (từ 50.000 đồng lên 65.000 đồng),1 lạng tôm nớt hai tuần trước giá 12.000 đồng nay 13.000 đồng mà người bán cũng chẳng mặn mà chào. Thịt, cá, gia vị đều tăng từ vài nghìn đồng đến cả chục nghìn đồng mỗi món. Đang vào vụ rau, những loại rau bình dân như cải xanh, cải cúc giá ổn định, 3.000 đồng/bó, những rau cao cấp như su hào, súp lơ xanh, bắp cải...giá khá cao. Thế là để ăn một bữa rau ngon hết vài chục nghìn đồng.  "Dè sẻn lắm, mỗi ngày cũng hết 80-100 nghìn đồng tiền rau, thức ăn. Hoa quả tôi cũng hạn chế mua, khẩu phần sữa của con giảm đi một nửa. Đi chợ mà không dám hỏi đến đồ hải sản, thịt bò cho con" chị Giang ngậm ngùi.

Công chức, công nhân ở thành phố "sống bằng lương"  còn thế nhiều gia đình nông dân nơi làng quê lại càng khó thêm. "Ở quê, nông dân chúng tôi có sẵn gạo, rau xanh ở vườn, hiềm nỗi giá cứ theo đà tăng mà sản xuất chăn nuôi theo mùa vụ nên kiếm được đồng tiền sao khó quá". Bác Trần Thị Hảo, xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo) cho biết.

Thị trường hàng hóa biến động: Giá tăng, chất lượng cuộc sống giảm ảnh 1
Giá cả thực phẩm tăng khiến các bà nội trợ đắn đo hơn khi mua hàng

Mong không phải chịu cảnh "té nước theo mưa"

Quy luật cuối năm tăng giá không còn lạ với mọi người dân, nhưng tăng mạnh và tăng ào ạt như tại các chợ thời điểm hiện nay khiến người dân lo ngại. Bà Nguyễn Thị Thạo, xã An Thọ (huyện An Lão) nói, thực tế rau xanh chúng tôi bán ra tăng không đáng là bao so với trước, nhưng khi đưa ra các chợ, người buôn bán đã lời hơn hẳn, chưa kể những người có chỗ ngồi cả ngày ở chợ bán giá còn cao hơn". Hiện mỗi kg thịt thành phẩm tăng 10-15 nghìn đồng so với trước. Gạo là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu trong mỗi gia đình giá tăng vọt do lũ lụt ở miền Trung. Bà con nông dân lo ngại không bán  gạo ra thị trường nhiều đã đành, nhưng những mặt hàng mang tính ổn định như mắm muối, dầu ăn (nhóm hàng thực phẩm) hay như xà phòng, dầu tắm, dầu gội (nhóm hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng) cũng đồng loạt tăng giá. Rồi sữa, than, ga....

Công chức nhà nước lại bị chịu trận lập tức khi có thông tin điều chính mức lương tối thiểu vào năm sau thì lập tức tại thời điểm công bố, giá cả thị trường đã chạy trước một bước. Cuối cùng, thiệt thòi nhất vẫn là người lao động. Thắt chặt chi tiêu, chuyển đổi thức ăn có giá cả rẻ hơn, đang là giải pháp được nhiều gia đình áp dụng tại thời điểm này. Điều đó cũng có nghĩa, giá cả hàng hóa tăng, chất lượng cuộc sống của người dân giảm sút, tăng lương không bù đắp nổi đà tăng giá. Mong muốn của nhân dân lúc này là nhà nước, thành phố sớm có biện pháp bình ổn giá, điều tiết giá thị trường sao cho việc tăng giá không là cơ hội cho tất cả mặt hàng cùng “té nước theo mưa”./.

                                                                Huyền Chi

.

Đọc thêm