Thị trường lao động trước và sau Tết Nguyên đán- Dự báo thiếu lao động phổ thông và có tay nghề

Cuối năm 2009, đầu năm 2010, nguồn cung lao động từ phổ thông đến kỹ thuật đều thiếu trầm trọng. Đây là tình trạng chung ở  nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến, dịch vụ…

Khan hiếm lao động phổ thông

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi thông qua các trung tâm môi giới, tư vấn, giới thiệu việc làm, càng gần dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu lao động sửa chữa  dọn vệ sinh nhà cửa, giúp việc gia đình, bán hàng, phục vụ ăn uống, bán sản phẩm hàng hóa Tết, bảo vệ, phục vụ các điểm vui chơi, giải trí, phát quà khuyến mại, phục vụ siêu thị, cửa hàng, công nhân may, xây dựng…tăng mạnh. Mức tiền công, tiền lương cũng cao hơn so với năm 2009. Năm trước dịch vụ sơn nhà là 10 nghìn đồng/m2, năm nay tăng lên 15-20 nghìn đồng/m2; phục vụ các điểm vui chơi từ 60.000 đồng/ca tăng lên 80.000 đồng. Riêng nhân viên giới thiệu sản phẩm, bán hàng...ngoài mức lương cố định 40.000 đồng/ngày, người làm việc còn được hưởng hoa hồng trên doanh thu bán hàng.

 

Nhưng việc tuyển dụng lao động không dễ. Do suy thoái kinh tế cuối năm 2008, đầu năm 2009, nhiều lao động rơi vào cảnh thất nghiệp phải trở về quê, sau khi ổn định công việc không muốn trở lại thành phố. Mặt khác do sự dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp nên xảy ra tình trạng thiếu lao động, nhất là doanh nghiệp thuộc khối may mặc, da giày, chế biến thủy sản, kinh doanh, dịch vụ vệ sinh trọn gói... Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Jaccop,  thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) Trần Ngọc Doanh cho biết: “Việc tuyển dụng lao động hiện nay rất khó khăn. Nếu như trước đây muốn tuyển dụng 100 công nhân chỉ mất một ngày, thì bây giờ công ty phải mất hàng tháng cũng không tuyển đủ số lượng này. Mặt khác, chất lượng lao động cũng đi xuống. Số người có tay nghề chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số lao động được tuyển dụng. Phần lớn công ty phải đào tạo lại.…Sức khỏe người lao động cũng không đáp ứng yêu cầu”. 

 

Năm nay, người lao động đang có xu hướng lập thành những nhóm lao động nhỏ lẻ, tập trung làm thuê khoán cho các đơn vị, cơ sở sản xuất, gia đình trong khoảng thời gian nhất định rồi tìm nơi làm việc khác. Anh Bùi Văn Ngọ, thôn 1, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên chuyên tập hợp lao động tự do thành nhóm sửa nhà cuối năm cho biết: “Khác với năm trước, cuối năm nay nhiều việc hơn nên lao động tự do làm không hết việc. Người lao động tự do có mức thu nhập cao, lại không bị ràng buộc về thời gian và kỷ luật của doanh nghiệp”. Càng ngày người lao động càng nhận thức rõ giá trị sức lao động của mình, trong khi nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dệt may, xây dựng, giày da...đang sử dụng người theo kiểu vắt kiệt sức lao động, không coi trọng việc nâng cao tay nghề, nâng lương cho người lao động, do đó người lao động, kể cả không có tay nghề cũng không mấy mặn mà để trở thành công nhân. Do đó, việc tuyển lao động, nhất là lao động phổ thông không dễ.

 

Khan hiếm lao động đang đẩy các doanh nghiệp vào thế cạnh tranh không lành mạnh. Tình trạng "mua - bán" lao động giữa các doanh nghiệp trong cùng một khu công nghiệp đang diễn ra khá phức tạp. Sự móc nối của cán bộ nhân sự giữa các công ty trong việc mua lại lao động cùng với cách tuyển lao động kiểu “ăn xổi” của một số doanh nghiệp như hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp.

 

“Khát” nhân sự có trình độ

 

Tuyển lao động phổ thông đã khó, tuyển nhân sự có trình độ cao càng khó hơn. Theo nhận định của các nhà tuyển dụng, xu hướng đầu năm 2010 tập trung chủ yếu vào nguồn lao động chất lượng cao. Nguyên nhân do nền kinh tế từ giữa năm 2009 đã có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp muốn tuyển dụng để ổn định nhân sự năm 2010. Nhóm nghề được nhiều doanh nghiệp “săn lùng” là quản lý kinh tế, kinh doanh, quản trị chất lượng, quản lý nhân sự, tổ chức, giám đốc marketing, giám đốc tài chính với mức lương hấp dẫn 10-20 triệu đồng/tháng.…Nhưng việc tuyển dụng nhân sự cho những chức danh này vẫn rất khó khăn. Phần lớn người tìm việc là sinh viên mới tốt nghiệp đại học và là người mới đi làm, ít kinh nghiệm. Ông Doanh cho biết thêm, khó ở đây là người lao động quá chú trọng vấn đề lương, chế độ đãi ngộ trong khi doanh nghiệp chưa biết về sức khỏe, trình độ, kỹ năng và tư duy của họ. Không chỉ có các công ty nước ngoài, hiện nay một số doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân cũng tham gia săn lùng các ứng viên sáng giá. Ngân hàng Việt Nam Thương tín VIETBANK đang có nhu cầu tuyển phó giám đốc chi nhánh, Phó giám đốc phòng giao dịch, trưởng phòng, bộ phận giao dịch, kiểm soát viên giao dịch, nhân viên hỗ trợ tín dụng, trưởng phòng, bộ phận kinh doanh, nhân viên tín dụng, nhân viên kiểm toán nội bộ….

 

Giải pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng để giữ chân người lao động là đưa ra những chính sách đãi ngộ về lương, thưởng, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc thuận lợi, thực hiện nghiêm Luật Lao động….Ví dụ Công ty cổ phần Đại Tín, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) giữ chân người lao động có trình độ cao bằng cách tặng xe máy trị giá gần 30 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hương, Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Công ty mua hơn 10 xe máy tặng cán bộ, công nhân, nhằm động viên, khích lệ họ gắn bó hơn với công ty”. Theo ông Trần Ngọc Doanh, Công ty TNHH Jaccop, để giữ chân lao động, công ty xây dựng mức lương hợp lý, trả sòng phẳng, duy trì trợ cấp trượt giá, thâm niên; xây dựng nhà ăn, tổ chức tốt bữa ăn ca; xây dựng quan hệ lao động sản xuất hài hòa; động viên, giúp đỡ công nhân có hoàn cảnh khó khăn…

 

Thanh Thủy

Đọc thêm