“Tố”mỹ phẩm giả ngay diễn đàn
Tại tọa đàm “Thị trường mỹ phẩm: Tăng cường công tác quản lý và giải pháp từ DN” do Báo Diễn đàn DN tổ chức hôm 22/3, bà Nguyễn Thị Đông - Tổng Giám đốc CTCP Mỹ phẩm Hoa Lan đã nêu một thực trạng bán mỹ phẩm rất “bình dân”, đó là hình ảnh người bán hàng trải một tấm nilon để bày bán mỹ phẩm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
“Tôi có cơ hội sang Thái Lan và tôi được biết họ chỉ nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng đủ để vào các siêu thị nhưng không hiểu sao ở các vỉa hè Việt Nam lại có nhiều hàng Thái để bán đến thế…” – bà Đông lên tiếng. Theo DN này, công tác quản lý thị trường hiện còn rất lỏng lẻo.
“Một DN gần chỗ chúng tôi chỉ nhập hàng Trung Quốc và thuê tới 250 người chỉ ngồi bóc tem Trung Quốc và dán tem Việt Nam. Nhưng khi biết ngày mai thanh tra đến thì họ lại cho công nhân nghỉ và chỉ để lại một số người đang làm. Vì vậy, mọi việc diễn biến vẫn tốt…” - Thông tin này lập tức được ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) ghi nhận và hứa sẽ chỉ đạo kiểm tra ngay.
Dưới góc độ người tiêu dùng, tại cuộc tọa đàm, một người tiêu dùng trẻ đã nêu lên một tình trạng bán mỹ phẩm trên mạng mà người bán là một hot girl có lượng người theo dõi rất lớn nhưng chuyên mời chào bán mỹ phẩm giả. Ngay lập tức, thông tin này cũng được đại diện cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) ghi nhận với lời hứa “kiểm tra ngay”…
Theo ông Đỗ Thanh Lam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam, thực trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng diễn biến rất phức tạp về cả quy mô, tính chất, địa bàn tới đối tượng vi phạm. Nguyên nhân được chỉ ra gồm cả về chính sách, thực thi, DN, lực lượng kiểm tra kiểm soát… Đặc biệt, theo ông Lam vẫn chưa có người đứng đầu chịu trách nhiệm vấn đề này. “Điều này cho thấy một khoảng cách giữa chính sách và thực thi…” - đại diện Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam khẳng định.
Lúng túng hậu kiểm…
Nguy hại không kém mỹ phẩm giả, bà Nguyễn Thị Hương Liên - Phó Tổng Giám đốc CTCP Sao Thái Dương cảnh báo một thực tế mà có khi chỉ có người trong nghề mới biết. Theo bà Hương, dù biết sản phẩm có nguồn gốc nhưng bản thân đơn vị sản xuất chưa ý thức được trách nhiệm của mình khi sản xuất sản phẩm để lưu thông trên thị trường. Ví dụ có những chất làm trắng da nhưng không được phép sử dụng hoặc chỉ quá liều lượng thì cũng rất nguy hiểm mà bản thân DN không kiểm soát được thành phần trong sản phẩm.
“Bản thân tôi có sinh hoạt trong Hội Doanh nhân, tôi được biết có một số DN sản xuất kinh doanh lĩnh vực mỹ phẩm song còn mơ hồ về trách nhiệm này. Hiện sản xuất kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam không chỉ tuân thủ tiêu chuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế mà còn tuân thủ Bộ quy chuẩn của khu vực và thế giới. Bản thân DN phải được đào tạo, tự học hỏi, cập nhật các hướng dẫn… Nhưng hầu hết DN sản xuất kinh doanh mỹ phẩm hiện nay còn mơ hồ...” - bà Liên khẳng định.
Theo DN này, khi chuyển cơ chế hậu kiểm thì trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về cơ quan QLNN mà trách nhiệm còn thuộc về DN. DN phải có trách nhiệm từ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, công thức, giám sát quá trình sản xuất, nguyên phụ liệu, con người tham gia sản xuất, hậu mãi, chăm sóc khách hàng… “DN ký bản cam kết trên tờ khai nhưng khi triển khai thì không ý thức được chặt chẽ vấn đề này…” - bà Liên phát biểu.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cũng cho rằng, từ khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cơ quan quản lý chưa kịp bắt nhịp, làm đúng, làm đủ theo kiểu hậu kiểm. Luật sư Truyền cho rằng, nếu làm đúng, làm đủ thì các DN khi tự công bố cũng run tay, không dám công bố các số liệu vống lên. “Nhìn vào các bản công bố của DN sẽ thấy ngay được những sai phạm. Vậy đã có bao nhiêu vụ cơ quan QLNN xuống DN lấy mẫu kiểm tra? Cứ xuống kiểm tra là công bố trước cả tháng thì không bao giờ hiệu quả…” - ông Truyền nói và đặt câu hỏi trong trường hợp xác định một DN làm hàng kém chất lượng, xác định sẽ đi giám định, nhưng một loạt thủ tục thì còn thời hạn xử lý nữa hay không? “Thủ tục đang làm khó cho cả bên y tế và bên thị trường. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì người khổ đầu tiên là DN làm ăn chân chính…” - Luật sư Truyền lên tiếng.
Để hạn chế tình trạng trên, Luật sư Truyền cho rằng, đầu tiên phải giáo dục được ý thức của các chủ DN, mặc dù điều này cực khó vì lợi nhuận cao. Thứ hai, cơ quan QLNN cần phải kiểm soát ngay từ đầu, có chế tài xử phạt, răn đe. Thứ ba, nâng cao ý thức của người tiêu dùng. “Những người đang làm mỹ phẩm chân chính nên họp nhau lại để đưa ra một thông điệp truyền thông tốt để các chị em có thể nhận thức được. Thông điệp có thể là một chiến dịch để người tiêu dùng nhận ra. Mỹ phẩm giả, kém chất lượng không làm cho chết người ngay nhưng ảnh hưởng đến sức khoẻ cực lớn” - ông Truyền nói.
“Cho doanh nghiệp một cơ chế thông thoáng bao giờ cũng có những mặt trái, bất cập…”
Ông Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, mỹ phẩm là loại hàng hoá ảnh hưởng đến sức khoẻ, vì vậy được Bộ Y tế quản lý. Ngày 2/9/2003, Bộ Thương mại đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết Hiệp định về hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm.
Để triển khai hiệp định này, Cục Quản lý Dược đã tham mưu cho Bộ Y tế ban hành Thông tư 06 để triển khai hoạt động quản lý mỹ phẩm. Pháp luật hiện cũng tạo cơ chế thông thoáng cho DN. DN chỉ cần công bố cho cơ quan quản lý nhà nước là sẽ đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời chỉ cần cam kết không có những chất cấm, không được sử dụng là có thể được hoạt động. Cơ quan quản lý cũng phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động của DN sản xuất mỹ phẩm tối đa đến các Sở Y tế, các địa phương.
Chính vì vậy, với những mỹ phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam thì công bố ở Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Mỹ phẩm trong nước thì Sở Y tế quản lý. Ông Lợi cho rằng, việc cho DN một cơ chế thông thoáng như vậy bao giờ cũng có những mặt trái, bất cập. Cụ thể là Cục Quản lý Dược đã tiến hành nhiều đoàn kiểm tra trên thị trường, cơ bản các DN đã nắm bắt được các quy định của Nhà nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều sai phạm trong công tác quản lý như: Công thức trong mỹ phẩm không đúng với đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất... Tất cả đều bị xử phạt nghiêm.
Ông Lợi thông tin thêm, mới đây, Luật Đầu tư đã đưa sản xuất mỹ phẩm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Chính phủ đã ban hành Nghị định 93 quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mới được đưa ra lưu hành trên thị trường.