Thị trường nhà đất tìm cơ hội trong khó khăn

Câu chuyện về một năm thành công của Indochina Land có thể mang đến cho nhiều DN bất động sản Việt Nam kinh nghiệm vượt qua giai đoạn khó khăn này và tìm kiếm được những cơ hội ngay thời điểm thị trường trầm lắng nhất.

Câu chuyện về một năm thành công của Indochina Land có thể mang đến cho nhiều DN bất động sản Việt Nam kinh nghiệm vượt qua giai đoạn khó khăn này và tìm kiếm được những cơ hội ngay thời điểm thị trường trầm lắng nhất.

Một góc khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency (Đà Nẵng)

Bán tốt cả khi thị trường gặp khó

“Năm 2011, trong khi thị trường bất động sản, chứng khoán chững lại, Indochina Capital vẫn có một năm đạt kết quả kinh doanh tốt” – ông Peter Ryder, Tổng giám đốc điều hành Indochina Capital, phấn khởi thông báo về kết quả hoạt động trong năm của tập đoàn. Ông Ryder cho hay, những kết quả đó lại đến từ lĩnh vực bất động sản được thực hiện bởi Indochina Land, doanh nghiệp thuộc tập đoàn tài chính Indochina Capital.

Theo ông Peter Ryder, từ khi doanh nghiệp này tham gia hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản 5 năm gần đây, tổng doanh số bán hàng đã vào khoảng 250 triệu USD. Năm 2011, doanh thu đạt trên 40 triệu USD, tương đương năm 2010. Indochina Land tiếp tục duy trì sức bán ra tại thị trường bất động sản, đặc biệt là Hà Nội, trong bối cảnh thị trường bất động sản nói chung hứng chịu đợt suy giảm mạnh, cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Cụ thể, trên một nửa tổng doanh thu của lĩnh vực bất động sản trong năm 2011 đến từ dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại Indochina Plaza Hà Nội (IPH), tọa lạc tại 239 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy.

“Dù thị trường khó khăn như vậy, ai cũng nói là bán khó, nhưng tại IPH chúng tôi đã bán được 280 trên tổng số 386 căn hộ, tức là đạt khoảng 70% số căn của dự án. Chúng tôi đang nỗ lực bán phần còn lại khoảng 100 căn hộ. Chúng tôi cũng rất tự tin có thể bán hết trong vòng 6 tháng tới” – ông Ryder nói – “Với cấu phần trung tâm thương mại của dự án IPH, theo dự kiến trong khoảng 6 tháng nữa mới có thể khai trương, nhưng hiện tại 60% diện tích cho thuê đã có chủ. Chúng tôi rất lạc quan về phần cho thuê trung tâm thương mại”.

Trong khi đó, tại miền Trung và miền Nam, Indochina Land cũng khá thành công với các dự án thuộc phân khúc cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng đầu tư giai đoạn trước. Dự án Hyatt Regency Đà Nẵng Resort and Spa với hơn 200 căn hộ cao cấp và biệt thự 3 phòng ngủ đã có thêm 14 giao dịch thành công trong năm nay, đạt tổng giá trị hơn 8,8 triệu USD. Tính đến hiện tại, dự án này đã có 90% số căn hộ được bán ra. Khu biệt thự The Estates thuộc dự án sân golf Montgomerie Links (Đà Nẵng) mở bán đầu tiên vào tháng 4/2011 cũng bán hết được 50% số căn hộ chào bán. Dự án Six Senses (Côn Đảo) mở bán tháng 11 năm nay cũng đã bán thành công 12/27 biệt thự…

Hiện, Indochina Land đã khẳng định tên tuổi trên phân khúc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở tầm thế giới, với nhiều dự án được biết đến như The Nam Hải, Six Sences, Hyatt Regency… “Năm 2012, chúng tôi ở thế chủ động để bán hết dự án IPH, Hyatt, Montgomerie… Như vậy, chúng tôi có phần vốn lớn để triển khai kinh doanh trong vòng 2-3 năm tới. Chúng tôi đang tự tin chuẩn bị khai trương 2 -3 dự án trong năm 2012 này” - ông Peter Ryder cho biết.

“Làm thị trường” bằng giá trị sản phẩm

Tuy nhiên, sự linh hoạt và năng động của Indochina Land là điều mà không phải DN bất động sản nào cũng có thể “theo” được. Được biết đến trước tiên và thành công với nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhưng cuối năm 2010 trong khi nhiều DN vẫn “lao” theo bất động sản nghỉ dưỡng khu vực phía Tây Hà Nội và các tỉnh miền Trung, Indochina Land đột ngột tuyên bố “tạm thời chưa đầu tư tiếp vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng”, dù đã có số vốn cam kết 180,3 triệu USD với quỹ Indochina Land Holdings 3.

Sau đó, Indochina Land chuyển hướng đến thị trường bất động sản trung-cao cấp tại Hà Nội và Tp.HCM, mặc dù lúc đó nhiều dự án đã nếm mùi dư cung ở phân khúc thị trường này. Sự thành công của dự án IPH vẫn còn đang là điều ngạc nhiên của không ít dự án lớn nhỏ trong cùng phân khúc, bởi giao dịch thành công đối với bất động sản cao cấp đang là rất ít ỏi.

Trong năm nay, có ít nhất hai dự án sẽ được DN này triển khai thực hiện, chia đều ở Hà Nội và tp.HCM. Tại sao Indochina Land vẫn mạnh tiến trong bối cảnh thị trường bất động sản vô vàn khó khăn? Ông Peter Ryder nhìn nhận: “Sức mua của thị trường Việt Nam ở phân khúc nào cũng vẫn còn rất tiềm năng. Nhưng phân tích các yếu tố như lạm phát, lãi suất cao... và khi thị trường khó khăn như vậy, mấu chốt lại là tính cạnh tranh của dự án. Dự án có vị trí tốt, thiết kế tốt, giá tốt,…, tức là bản thân sản phẩm có giá trị thực sự, thì vẫn có thể thu hút sức mua thị trường”.

Ông Peter Ryder cũng chia sẻ, một yếu tố trong chiến lược kinh doanh dẫn đến những thành công nhất định của Indochina Land là “Chúng tôi sẽ tiến từng bước một, trong cùng một lúc, chúng tôi chỉ cho ra mắt 2-3 dự án thôi, có những đặc điểm khác nhau, phân biệt với các dự án khác, và có tính cạnh tranh”.

“Thị trường bất động sản đang khó khăn. Nhiều nhà đầu tư đã ra đi, nhưng đó cũng là cơ hội cho những người cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam, và chúng tôi cam kết sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực phát triển tại Việt Nam, với sự thận trọng hơn trong từng dự án” – ông Peter Ryder nói.

H.Thủy

Đọc thêm