Vì vậy rất có thể càng gần Tết, khi những món tiền thưởng được “tung ra”, giá cả các mặt hàng sẽ càng đội lên khi người tiêu dùng ồ ạt mua sắm.
Đồng loạt tăng giá
Nếu như mọi năm, càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, giá cả các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm lại “nóng” lên chóng mặt do cung không đáp ứng đủ cầu, thì năm nay câu chuyện cung - cầu hàng hóa không phải là vấn đề để các mặt hàng tăng giá. Vừa thoát khỏi suy giảm kinh tế nên nhu cầu tiêu dùng hàng hoá được dự báo sẽ không lớn. Theo dự báo, sức tiêu dùng hàng hóa trong dịp Tết tại các địa phương chỉ tăng từ 14-15%, Hà Nội tăng 17-18% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 19-20% so với năm trước. Hơn nữa, được các ngành hàng, các doanh nghiệp chuẩn bị từ trước nên hầu hết các mặt hàng đều có nguồn cung dồi dào, khó có chuyện tăng giá đột biến do thiếu nguồn hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết như thực phẩm, rượu bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo… vẫn đang tăng giá từng ngày. Giá các loại nông sản, thực phẩm cũng tăng mạnh do rơi vào mùa vụ sản xuất hàng Tết, cộng thêm phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu và dịch vụ vận tải cuối năm tăng. Thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, thịt bò tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cộng với “tâm lý” cứ đến Tết là thịt phải đắt. Rau củ tại các chợ bán lẻ vừa tăng giá vừa khan hàng. Giá hầu hết các loại rau củ như cà chua, cải ngọt, su hào, bắp cải đều tăng 2.000 - 5.000 đồng/kg, trong khi đó, ở một số chợ đầu mối, lượng hàng cũng như giá cả không hề có biến động. Thuỷ hải sản khan hàng do sản lượng đánh bắt cuối năm giảm rõ rệt do ngư dân nghỉ Tết sớm. Nhiều mặt hàng khô như mộc nhĩ, nấm hương, măng khô, đỗ xanh, hạt sen... đều tăng chóng mặt, từ 10 - 20%, thậm chí ở một số loại lên tới 40 - 50% so với bình thường.
Bánh, kẹo, mứt cũng trong tình trạng “mỗi ngày một giá” với xu thế tăng dần đều. Lý giải điều này, một doanh nghiệp chế biến, kinh doanh bánh mứt kẹo có tiếng trên thị trường Hà Nội cho rằng, liên quan thiết thực đến bánh mứt kẹo, nước giải khát, giá đường lên cơn sốt từ 1 tháng qua đã khiến các mặt hàng thiết yếu của Tết sốt theo hầm hập. Dẫu biết nhu cầu mua cũng không tăng nhiều nhưng giá các mặt hàng bánh, mứt, kẹo của doanh nghiệp này vẫn tăng thêm từ 5-15% do giá các loại vật tư như đường, mạch nha, bột đều tăng mạnh…
Nguồn cung không hiếm
Nhận định của Bộ Công Thương cho rằng, giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết tăng không do yếu tố nguồn cung khan hiếm mà chủ yếu do giá các loại vật tư đầu vào tăng, khiến cho giá thành sản xuất tăng. Cùng với xu hướng chung trên thị trường thế giới, giá hàng hóa tiếp tục tăng và ở đứng ở mức cao đã tác động tới giá nhiều loại hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu phục cho sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cơ bản đã tác động tới chi phí vốn của doanh nghiệp; tăng tỷ giá giữa đồng USD và VND; tác động của giá xăng dầu... khiến giá cả một số mặt hàng tăng theo. Ngoài ra, giá thực phẩm, hàng tiêu dùng nhạy cảm với tình hình bão lụt, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây sức ép đến mặt bằng giá cả chung. Đây là những nguyên nhân chính góp phần kích hoạt nhiều loại hàng hóa trên thị trường đua nhau tăng giá khi Tết Nguyên đán đang cận kề.
Bình ổn giá cả các mặt hàng phục vụ Tết Ngành Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, thương mại tại Hải Phòng đang huớng tập trung khai thác, vận chuyển các mặt hàng sản xuất trong nước về thành phố phục vụ nhân dân mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán - 2010. Theo Cục Thống kê Hải Phòng, các lực luợng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đang khẩn truơng chuẩn bị, tập kết khoảng 20.000 tấn gạo; 2.900 tấn thịt lợn, thịt gà; 3.000 tấn hải sản; 20.000 tấn rau, củ quả; 7 triệu lít bia, nước giải khát các loại; 1.700 tấn bánh keo, mứt; 180.000 bộ quần áo..., trong đó, hơn 90% là hàng nội địa đưa về thành phố phục vụ nhân dân ăn Tết. Thực tế cho thấy, các nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết năm nay rất dồi dào, thoả mãn nhu cầu của nguời tiêu dùng với tổng mức bán lẻ trên địa bàn trong tháng Tết dự kiến sẽ tăng 25-30% so với các tháng trong năm. |
Tuy nhiên, cũng có nhiều mặt hàng sản xuất trong nước, không tác động từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng giá thành lại tăng. Điển hình mặt hàng gạo, dù nguồn cung dư thừa và kiểm soát thị trường gắt gao nhưng giá vẫn bị đẩy lên cao, “ăn theo” giá xuất khẩu để tăng giá 10%, thậm chí có loại lên 20%. Tương tự, mặt hàng đường cũng đang dư cung và đang vào chính vụ nhưng giá bán buôn đã tăng 12% so với tháng trước, ở mức 16.000 đồng/kg và đến người tiêu dùng khoảng 22.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, đường còn là nguyên liệu đầu vào quan trọng, chiếm từ 10-30% giá thành của các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, nước giải khát... khiến giá bán sản phẩm này cũng bị đẩy lên cao. Các mặt hàng này đều sử dụng nguyên liệu trong nước, sản xuất ở trong nước, nguồn cung dư thừa, yếu tố chi phí đầu vào không nhiều nhưng lại tăng giá cao là bất hợp lý.
Việc tăng giá có thể xảy ra bởi các yếu tố, đó là cung không đáp ứng cầu, hoặc đáp ứng chậm; nguồn cung đủ nhưng công tác kiểm tra không sát sao để cho thị trường tăng giá bất hợp pháp; hoặc chỉ tăng giá mang tính chất cục bộ ở một địa điểm nào đó do công tác điều hành cung ứng hàng hóa. Thời điểm chuẩn bị cho Tết cũng là thời điểm các cơ quan, doanh nghiệp thưởng tiền cho công nhân viên chức, tạo ra động lực thúc đẩy sức mua trong xã hội. Bởi vậy, vào thời điểm này, nhu cầu tiêu dùng của người dân thường rất cao, mức tiêu thụ hàng hoá tăng mạnh nên đương nhiên ảnh hưởng tới giá cả. Ngoài ra, còn có kiểu kinh doanh về lý cũng không có mà pháp luật cũng không thừa nhận. Đó là người kinh doanh nghe ngóng nhau, đồn thổi, tung tin đồn thất thiệt, tìm kẽ hở của pháp luật, mượn cớ giá xăng dầu, đồng USD, vàng tăng để tăng giá theo. Thậm chí các mặt hàng không có yếu tố tác động đầu vào cũng “hô” tăng giá như cân đường, mớ rau, con cá, bát phở. Đây là kiểu kinh doanh chộp giật, a dua, vào hùa, thiếu văn minh mà ở các nước khác không có.
Thanh Hương - Văn Xuyên