Thị trường thép quý 2: Giá khó tăng cao

Theo nhận định của Tổng giám đốc Công ty thép VSC- POSCO Nguyễn Thành Đồng, quý 2 năm nay, giá thép vẫn khó lường, tuy nhiên, hiện giá thép đang ở mức cao, tuy có giảm một chút trong tháng 3, nhiều khả năng giá thép khó tăng cao.

Theo nhận định của Tổng giám đốc Công ty thép VSC- POSCO Nguyễn Thành Đồng, quý 2 năm nay, giá thép vẫn khó lường, tuy nhiên, hiện giá thép đang ở mức cao, tuy có giảm một chút trong tháng 3, nhiều khả năng giá thép khó tăng cao. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cả hai chiều tăng và giảm giá thép.

Trong mấy tháng đầu năm nay, giá thép liên tục tăng, sau đó giảm nhẹ trong tháng 3 do cung vượt cầu. Đến nay, giá thép vẫn tăng khoảng 10% so với cuối năm 2010. Giá bán bình quân tháng 3 của nhiều doanh nghiệp sản xuất thép hiện ở mức 15.700 - 16.100 đồng/kg thép. Ngành sản xuất thép trên địa bàn thành phố quí 1 gặp nhiều khó khăn: giá điện tăng 12,7%; giá xăng dầu tăng khoảng 30%; chi phí hoạt động tài chính tăng (lãi suất vay và tỷ giá USD/VND tăng); giá nguyên liệu (chủ yếu là nhập khẩu) tăng dẫn đến chi phí sản xuất, giá thành thép xây dựng tăng so với cùng kỳ năm 2010. Đây là các yếu tố dẫn đến tăng giá thép trong thời gian qua. Hiện giá các nguyên liệu chính như phôi thép và thép phế trên thế giới vẫn ở mức cao. Phôi thép Malaixia mua ở Việt Nam giá 685USD/tấn CFR, mặc dù giá chào xuất khẩu 680USD/tấn FOB. Giá chào thép phế tại Việt Nam hàng container khoảng 470-485 USD/tấn CFR. Giá nguyên liệu cấu thành tới 70% giá sản phẩm và là yếu tố chính tác động tới việc tăng, giảm giá thép thành phẩm.

Bốc xếp thép cuộn cho khách hàng tại Công ty TNHH thép VSC-POSCO.

Ở chiều ngược lại, yếu tố làm giảm giá thành thép do nguồn cung lớn hơn cầu cả trên địa bàn thành phố và cả nước. Nhiều công trình trên địa bàn thành phố tạm thời đình, giãn, hoãn tiến độ, thực hiện kiềm chế lạm phát. Chính sách tín dụng thắt chặt và thiếu điện khiến nhiều doanh nghiệp phải cân đối lại kế hoạch sản xuất. Mặt khác, chuẩn bị bước vào mùa mưa nên nhu cầu xây dựng của nhân dân giảm dần. Một số doanh nghiệp trong Tổng công ty Thép Việt Nam tham gia chương trình bình ổn giá góp phần kiềm chế lạm phát. Những tác động của các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô có thể tác động đến thị trường bất động sản, qua đó tác động đến ngành thép...

Trong quý 2, tình hình quốc tế vẫn còn nhiều phức tạp, tình trạng nợ công ở nhiều nước châu Âu tăng cao và Bồ Đào Nha vừa phải tìm đến các nguồn cứu trợ quốc tế, giao tranh ở Libi, Bờ Biển Ngà, Tuynidi và nhiều nơi trên thế giới. Lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Anh và nhiều nước Đông Nam Á..dẫn đến giá dầu mỏ, giá vàng, nguyên liệu ngành thép, giá than...tăng cao. Động đất ở Nhật Bản và những hậu quả nặng nề của nó không chỉ ảnh hưởng tới Nhật Bản mà còn ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhật Bản phải cắt giảm 20% vốn ODA để tái thiết đất nước, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản bị ảnh hưởng giảm sản xuất. Trong nước, giá cả đang leo thang ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội. Trên địa bàn thành phố cũng có nhiều khó khăn. Theo ông Mai Xuân Hòa, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, quý 2 năm nay, có khoảng 20% số doanh nghiệp Nhật Bản trong các KCN bị ảnh hưởng, giảm sản xuất từ 15-30% sản lượng do thiếu nguyên liệu từ Nhật Bản. Tình trạng thiếu điện khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép phải tiết giảm sản xuất ngay từ tháng 3...Đó là những yếu tố không nhỏ tác động tới sự phát triển kinh tế- xã hội thành phố nói chung và ngành thép nói riêng. Giá thép trên địa bàn thành phố khó tăng cao nhưng cũng khó giảm. Các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn thành phố phải cân nhắc, tính toán kỹ để sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Minh Châu

Đọc thêm