Tuy đã được đưa ra bàn bạc tại hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010 do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 9-1, nhưng nhiều điểm mới trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Bộ GD-ĐT dự kiến môn ngoại ngữ sẽ rời khỏi vị trí là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều phản đối việc bỏ môn ngoại ngữ khỏi những môn thi bắt buộc.
Không bắt buộc thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ?
Ông Huỳnh Văn Hoa, giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, thắc mắc: nhiều năm qua, ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và điều đó tạo động lực để mở rộng, nâng chất lượng dạy học ngoại ngữ. Thế nhưng, khi Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị triển khai đề án tăng cường dạy ngoại ngữ trong trường phổ thông, xem việc trang bị ngoại ngữ cho học sinh phổ thông là việc cần thiết thì lại có quy định mới, rất có thể sẽ khiến chất lượng dạy học môn này đi xuống.
Ông Nguyễn Hoài Chương - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, bà Phan Thị Thu Hà - giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp - đề nghị: giữ nguyên quy định về môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông Chương nói: “Bộ cần có căn cứ thuyết phục khi đưa ra sự điều chỉnh này”.[links(left)]
Ông Nguyễn Vinh Hiển, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, giải thích: “Những năm trước, việc quy định môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc nhằm mở rộng diện dạy học ngoại ngữ ở các trường phổ thông và điều này đã làm được. Nhưng Bộ GD-ĐT nhận thấy những năm qua, việc đào tạo giáo viên ngoại ngữ cấp tập, nhiều nơi chưa đảm bảo điều kiện để dạy tốt ngoại ngữ.
Nếu chưa có được chất lượng thật sự mà vẫn bắt buộc thi sẽ chỉ tạo nên những cách chống đối. Vì vậy mới dự định thay đổi”. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Sẽ không công bằng nếu việc dạy học ngoại ngữ chưa đạt sàn nhưng lại bắt học sinh thi đạt sàn”. Tuy nhiên trước luồng ý kiến phản đối chiếm đa số, bộ trưởng hứa Bộ GD-ĐT “sẽ xem xét, cân nhắc thêm”.
Chưa thêm môn thi trắc nghiệm
Ông Nguyễn Văn Hiến, giám đốc Sở GD-ĐT Bình Thuận, đề nghị: việc tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm một số môn tại kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ đã thực hiện nhiều năm qua. Bộ GD-ĐT cần có sự đánh giá những ưu điểm, nhược điểm của việc thi trắc nghiệm. Nếu tổ chức thi trắc nghiệm với tất cả các môn thi sẽ giảm bớt khó khăn trong việc chấm thi.
Thận trọng hơn, ông cho rằng cần nghiên cứu tiếp tục lộ trình thi trắc nghiệm khách quan, có thể các môn lịch sử, địa lý cũng nên thi trắc nghiệm, chỉ giữ nguyên hình thức thi tự luận với các môn toán, văn.
Ông Từ Quang Hiển - giám đốc ĐH Thái Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Hợi - hiệu trưởng ĐH Vinh - đều đề nghị năm 2010 bộ nên tăng thêm các môn thi trắc nghiệm, trước mắt nên áp dụng đối với môn lịch sử. Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng nên tiếp tục mở rộng triển khai hình thức thi trắc nghiệm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT để rút ngắn thời gian chấm thi, xử lý kết quả thi nhanh hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Ông Nguyễn Vinh Hiển trao đổi: mỗi hình thức thi (tự luận, trắc nghiệm) đều có ưu điểm, nhược điểm. Thực tế các kỳ thi qua cho thấy cùng một phòng thi, đối tượng thí sinh, môn toán (tự luận) có kết quả thấp nhưng môn thi trắc nghiệm lại có kết quả cao, toàn điểm 9, 10. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ hơn về việc nên hay không nên mở rộng thi trắc nghiệm. Trước mắt sẽ rút kinh nghiệm để có những giải pháp khắc phục nhược điểm của cả hai hình thức thi.
Trong ý kiến kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh thêm bộ chưa mở rộng thi trắc nghiệm vì phải sơ kết, đánh giá ưu điểm, hạn chế và có giải pháp để giải quyết được những hiện tượng tiêu cực trong thi trắc nghiệm.
Hạn chế hồ sơ đăng ký, trường ngại khó
Mặc dù đều thừa nhận nếu cho phép thí sinh ở mỗi trường ĐH đối với mỗi khối thi chỉ cần nộp một hồ sơ đăng ký dự thi, đến trước ngày thi được đăng ký, thay đổi lại nguyện vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm hơn cho thí sinh vì không phải cùng lúc nộp nhiều hồ sơ vào nhiều ngành khác nhau, nhưng cán bộ quản lý một số trường ĐH lại không ủng hộ vì e ngại quy định này sẽ làm khó cho các trường.
Ông Nguyễn Văn Xê - phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ - cho rằng nếu thực hiện như vậy sẽ gây ra tình trạng lộn xộn, khó khăn cho các trường trong ngày làm thủ tục dự thi. Đồng thời có thể nảy sinh tiêu cực vì “thí sinh sẽ tìm cách biết thông tin về số lượng hồ sơ rồi mới xin chuyển sang ngành nào có tỉ lệ chọi thấp hơn”.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa không ủng hộ việc cho thí sinh nộp một hồ sơ và được đăng ký lại ngành xét tuyển trước khi dự thi với lý do: “Không cần thiết và không nên cho phép như vậy vì khi thí sinh có nộp nhiều hồ sơ vào các ngành khác nhau trong cùng một trường thì phần mềm tuyển sinh vẫn có thể sàng lọc biết số hồ sơ của cùng một thí sinh để chống “ảo” khi bố trí, sắp xếp phòng thi. Không nên cho thí sinh thay đổi ngành dự thi khi đến làm thủ tục vì nhà trường sẽ phải làm thêm một động tác điều chỉnh...”.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Ga, giám đốc ĐH Đà Nẵng, nêu quan điểm ngược lại. Ông Ga cho rằng cần phải tìm giải pháp xử lý vấn đề thí sinh “ảo” một cách căn cơ. Đó là phải phân biệt rõ giữa việc lựa chọn địa điểm và việc lựa chọn ngành/trường dự thi của thí sinh. Những người làm quản lý, tuyển sinh nên theo quan điểm tạo điều kiện cho thí sinh chọn địa điểm thi thuận lợi nhất.
Từ đó, ông Ga khẳng định: “Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của bộ là cho phép thí sinh chọn lại nguyện vọng xét tuyển trước khi dự thi. Thậm chí không chỉ là được chọn lại ngành trong cùng một khối thi trong cùng một trường, trước khi thi thí sinh còn có thể chọn lại trường đăng ký xét tuyển”.
Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói: “Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, cùng với các đơn vị chức năng của bộ xem xét quy định thí sinh chỉ cần nộp một hồ sơ đăng ký dự thi và được thay đổi nguyện vọng trước khi dự thi. Hướng đề xuất này vẫn đang để “mở” trước khi có quyết định chính thức”.
Kiến nghị tăng lệ phí tuyển sinh Ông Nguyễn Ngọc Hợi, hiệu trưởng ĐH Vinh, đề nghị bộ cần thống nhất với Bộ Tài chính để sớm có quyết định về việc tăng thêm lệ phí tuyển sinh và thay đổi phương thức thu gộp thành một lần, vì từ nhiều năm nay các trường tổ chức thi luôn ở tình trạng lệ phí thu không đủ trang trải chi phí tuyển sinh, có trường mỗi năm thiếu hụt hàng trăm triệu đồng. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết bộ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính, “nếu hai bộ không thống nhất được thì phải trình Chính phủ có quyết định về mức lệ phí mới và sẽ theo hướng thu nộp lệ phí tuyển sinh một lần. Lệ phí sẽ được công bố trong tháng 1” - ông Nhân khẳng định. |
Theo Tuổi trẻ