Tiếp tục chương trình giám sát việc thực hiện một số Nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh, ngày 21/9, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do đồng chí Đinh Văn Thể, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn làm việc tại thị xã Sông Công. Cùng tham gia giám sát có đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Đình Bàng, Ủy viên thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND và một số ban ngành liên quan.
|
Theo báo cáo của UBND thị xã Sông Công, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2006 – 2010, UBND thị xã đã điều hành thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân trong 5 năm 2006 – 2010 đạt 19,19%; công nghiệp, xây dựng tăng 26,5%, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 1.117 USD/người/năm, tăng 11,7% so với kế hoạch của thị xã; hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư, đô thị được chỉnh trang; công tác giảm nghèo, tạo việc làm, an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo.
Với đặc thù là khu công nghiệp lớn của tỉnh, thị xã Sông Công đã có sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực công nghiệp. Năm 2005 thị xã mới có 48 doanh nghiệp và chi nhánh, đến năm 2010 số doanh nghiệp và chi nhánh hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã lên tới 202. Số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn cũng tăng khá nhanh, hiện nay thị xã đã có 2.261 hộ kinh doanh cá thể. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Công nghiệp – xây dựng cơ bản trên địa bàn giai đoạn 2006 – 2010 tăng bình quân 26,5%; tỷ trọng công nghiệp và xây dựng năm 2010 ước đạt 74,19%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 26,65%.
|
Thị xã Sông Công đã thực hiện khá tốt Nghị quyết số 34/2006/NQ-HĐND về phương án xử lý những trường hợp UBND cấp huyện trước đây khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có vườn, ao nhưng không tách đất ở và đất vườn, ao mà ghi chung là thổ cư hoặc chữ “T”, đến nay đã cấp đổi xong 1.068 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 97%. Những hồ sơ chưa giải quyết được là do đang thế chấp tạo ngân hàng những chưa tìm thấy hồ sơ hoặc chủ hộ vắng mặt, không có mặt tại địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 39/2006/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thái Nguyên, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn đã đạt được những kết quả nhất định: 92% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và chôn lấp khoảng từ 65 – 70 tấn/ngày; các khu công nghiệp tập trung đều triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải, chất thải rắn được vận chuyển và xử lý tại các khu chôn lấp chất thải rắn tập trung.
Tại buổi giám sát, các đại biểu cũng đã đưa ra một số ý kiến về các vấn đề như biện pháp nào để gắn thu hút đầu tư với bảo vệ môi trường; phân rõ các doanh nghiệp, chi nhánh đang hoạt động trên địa bàn: nằm trong hay nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp, thuộc khu công nghiệp cũ hay mới… Các đại biểu cũng yêu cầu UBND thị xã báo cáo rõ về tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý, cách thức xử lý rác thải y tế; việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn. Đại diện UBND thị xã Sông Công đã giải trình những vấn đề đoàn giám sát quan tâm, bổ sung thêm một số vấn đề cụ thể cho báo cáo: hiện nay Sông Công đang xây dựng khu xử lý chất thái rắn cho toàn bộ khu công nghiệp; từ năm 2007, các dự án đi vào hoạt động, vấn đề môi trường đã gây bức xúc, thị xã đã tiến hành kiểm tra đối với các đơn vị vi phạm gây ô nhiễm môi trường, năm 2009, thị xã phối hợp với Sở Tài nguyên – Môi trươngfkiểm tra các nhà máy, hiện nay đã thành lập 1 đoàn kiểm tra để kiểm tra những doanh nghiệp mới thành lập và phúc tra những doanh nghiệp đã được kiểm tra trước đó.
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Đinh Văn Thể biểu dương thị xã Sông Công đã triển khai tích cực các Nghị quyết chuyên đề của HĐND; các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đều đạt và vượt, đặc biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, giá trị sản xuất công nghiệp và tổng thu ngân sách trên địa bàn đều cao. Tuy nhiên UBND thị xã Sông Công cần tập trung khắc phục một số hạn chế còn tồn tại: khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế ko tăng trưởng mạnh, do đó làm hạn chế chất lượng đô thị; thị xã cần phối hợp với các khu công nghiệp để thực hiện dứt điểm công tác tái định cư cho nhân dân; cần chú ý đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân và nhân dân thị xã. Cùng ngày, đoàn đã đi kiểm tra công tác sản xuất và việc thực hiện cam kết bảo vệ môi trường tại Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên (Cty TNHH Nhà nước một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên).
Hoài Anh