Khi giáo dục là gieo hy vọng
Phát biểu tại chương trình “Thay lời tri ân” năm 2024 với chủ đề “Hy vọng” (là một hoạt động thường niên kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của Bộ GD&ĐT và Đài THVN), chia sẻ về về chủ đề “Hy vọng”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm tự hào lớn lao về các nhà giáo. “Từ trong chiều sâu của suy nghĩ, từ bề rộng của sự cảm nhận và tự đáy lòng mình, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các cô giáo, thầy giáo. Cảm ơn các cô, các thầy đã lựa chọn nghề dạy người, đã yêu người, yêu nghề hết mực. Cảm ơn các cô, các thầy luôn sống vui, sống mạnh mẽ và lạc quan, dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức. Những thách thức khi đất nước còn đang phát triển vẫn còn nhiều khó khăn. Thách thức của bản thân sự phát triển của giáo dục. Thách thức của đổi mới và thách thức của kỷ nguyên số, của trí tuệ nhân tạo và nhiều yếu tố phi truyền thống khác”, Bộ trưởng chia sẻ.
Chương trình “Thay lời tri ân” chủ đề “Hy vọng” năm nay tiếp tục kể những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng về các thầy giáo, cô giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, tận tâm, tận tụy với nghề. Đó là câu chuyện xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn của thầy giáo Nguyễn Quang Thọ và cô giáo Nguyễn Thị Dung, Trường PTDTBT Tiểu học Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái.
Quãng đường từ Trường PTDTBT Tiểu học Phong Dụ Thượng đến điểm xóa mù (thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, Yên Bái) có hôm mưa kéo dài 4 - 5 tiếng đồng hồ không dứt, hay những trận nước ngập làm ướt hết quần áo và phương tiện của thầy, cô giáo, những trận sạt lở khiến đất đá lấp ngang đường… nhưng chưa một lần cản được bước chân của thầy giáo Nguyễn Quang Thọ và cô giáo Nguyễn Thị Dung. “Sau một thời gian dạy học cho bà con lớp thôn Khe Táu, phần lớn tất cả mọi người đã biết đọc thông, viết thạo và biết tính toán để làm ăn. Có những học viên đã tự mở quán bán hàng làm kinh tế. Nhìn thấy bà con biết buôn bán, làm ăn tôi thấy rất vui và hạnh phúc khi được đóng góp vào đó phần nào”, thầy Thọ hạnh phúc chia sẻ.
Chương trình cũng đã kể câu chuyện về những “học sinh miền Nam trên đất Bắc” với sự thiêng liêng của tình thầy trò trong giai đoạn đầy gian khó. Thầy giáo Hà Ngọc Đào, cựu học sinh Trường miền Nam trên đất Bắc, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã nhiều lần dừng chia sẻ vì nghẹn ngào xúc động khi nhớ về những thầy, cô giáo cũ trên đất Bắc - những người thầy đúng như cha, như mẹ. Những người đã chăm sóc những học sinh nhỏ tuổi, xa nhà từng giấc ngủ, bữa ăn, con chữ để các em quên đi nỗi nhớ nhà, quên đi cái rét “cắt da, cắt thịt” của miền Bắc.
“Thầy cô không chỉ dạy chúng tôi kiến thức mà còn tận tâm, tận lực dạy chúng tôi làm người. Các thầy cô đã gieo vào chúng tôi niềm hy vọng lớn lao về việc cống hiến cho đất nước. Học tập gương của các thầy, chúng tôi quyết tâm học tập, trở thành bác sĩ, kỹ sư… Chúng tôi hết sức ngưỡng mộ các thầy. Các thầy là niềm tin, khát vọng của chúng tôi”, thầy Hà Ngọc Đào xúc động chia sẻ.
“Cảm ơn vì em đã trưởng thành”
Thầy Nguyễn Xuân Khang, quê Nghệ An, là lứa học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam những năm 1965. Năm 1968, thầy học Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Vật lý, là lớp phó trong lớp có 275 người. Khi tốt nghiệp, lớp thầy chỉ còn hơn 70 người vì nhiều sinh viên tới lúc gần tốt nghiệp đã ra chiến trường. Thầy Khang kể, thầy không may mắn được đi phục vụ chiến trường vì mắt và sức khỏe không đủ tiêu chuẩn, nếu không thầy đã lên đường như những anh em cùng học khác.
Tốt nghiệp khoa Vật lý, thầy được giữ lại trường, dạy Vật lý cho khối phổ thông chuyên Toán, Đại học Tổng hợp - nơi có rất nhiều học sinh đạt giải Olympic Toán học Quốc tế từ những lứa đầu như Hoàng Lê Minh, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu,... Thầy gọi đó là duyên số, là điều may mắn trong cuộc đời đi dạy của mình.
|
Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa thầy Trần Đại Lượng và học trò Hoàng Minh Nghĩa. (Ảnh: Đ.Hải) |
Trong trí nhớ của thầy, một lớp chuyên thầy dạy chỉ trên dưới 20 học sinh, được chọn rất gắt gao từ các tỉnh về, đa số các em đều rất khó khăn. Thầy nghèo, học trò cũng nghèo. Thầy Khang nhớ mãi quãng thời gian dạy Vật lý, phụ trách một phòng thí nghiệm nhỏ, có hai học sinh mở khoá vào lấy trộm đồ.
Nghe một học sinh khác báo tin, thầy dặn: “Em đừng vội nói với ai, để thầy kiểm tra xem sao”. Hôm sau, thầy kiểm tra thì biết mất mấy thứ lặt vặt như đồ chơi trẻ em, không có giá trị kinh tế. Thầy lặng lẽ gặp hai học sinh lấy trộm: “Các em lấy đồ ở phòng thí nghiệm của thầy? Vâng ạ, chúng em xin lỗi thầy. Mấy thứ đó đâu rồi? Dạ thưa, đang ở nhà em ạ. Chơi chán chưa, trả lại cho thầy được không? Dạ được, mai thầy cho chúng em mang vào ạ”.
Thế rồi câu chuyện đến tai lãnh đạo khoa. Học sinh bị quy “trộm cắp tài sản”, thầy thì “bao che” tội của học trò. Hội đồng kỷ luật họp, mời cả phụ huynh hai học sinh trộm đồ tới.
Trong cuộc họp, thầy nói: “Về hiện tượng, việc này là một “vụ trộm”, nhưng bản chất thì không phải. Vì vật lấy trộm không có giá trị kinh tế, bán không ai mua, học sinh tò mò lấy về lắp ghép chơi với nhau và đã trả lại đầy đủ. Xét cho cùng, tôi có lỗi một nửa vì chủ quan không thực hành cho học sinh xem. Tôi xin bảo lãnh để các em tiếp tục học ở đây”. Phụ huynh khóc, học sinh cũng khóc và xin hứa sẽ chăm chỉ học tập, không tái phạm. Hai học sinh đó được tiếp tục học ở khối chuyên toán và cuối năm đi du học ở Đức, hiện đều là những người thành đạt, nổi tiếng. Cho tới bây giờ, kỷ niệm với học trò cũ vẫn in đậm trong trí nhớ người thầy 75 tuổi.
Tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, Đại úy Trần Đại Lượng (Trường giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an) cho hay, đa số học sinh khi vào ngôi trường này đều sinh ra và lớn lên ở những gia đình khiếm khuyết, không có cha, không có mẹ, hoặc cha mẹ đều đi tù, bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ, sống lang thang.
Suốt 11 năm công tác tại ngôi trường đặc biệt này, Đại uý Lượng có vô số kỷ niệm khó quên. Trong đó có trường hợp của Hoàng Minh Nghĩa (quê Hữu Lũng, Lạng Sơn), một cậu học từng tỏ ra lầm lì, khó bảo. Nhờ quy củ uốn nắn và động viên, Nghĩa dần thay đổi, tiến bộ, kết thúc khoá học nghề với chứng chỉ loại giỏi và được ra trường trước thời hạn.
“Sau khi tái hòa nhập với cuộc sống, thông qua những cuộc điện thoại, tôi biết Nghĩa đã đi làm, mở được xưởng cơ khí riêng, sống lương thiện nhờ nghề đã học trong trường. Nghĩa cũng đề nghị với tôi mong muốn được giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh giống mình, được sớm ổn định công việc sau khi ra trường”, Đại uý Lượng chia sẻ.
Sau khi chia sẻ về cậu học trò đặc biệt, Đại uý Lượng bất ngờ được gặp lại học trò cũ ngay tại chương trình. Đại uý không kìm được nước mắt, ôm chầm lấy Nghĩa trong niềm xúc động vô bờ. Gửi tặng đến người thầy đặc biệt bó hoa tươi thắm, Hoàng Minh Nghĩa tự nhận bản thân là người may mắn. May mắn lớn nhất là gặp được thầy Lượng trong trường giáo dưỡng.
“Nếu không có thầy, cuộc đời tôi không biết đã trôi dạt, tệ nạn đến đâu”, chàng trai trẻ xúc động. “Được gặp lại thầy sau 7 năm ra trường. Tôi không dám hứa điều gì, chỉ biết nỗ lực và cố gắng từng ngày để trở thành người có ích cho xã hội, không phụ lòng mong mỏi của thầy Lượng cũng như các cán bộ tại Trường giáo dưỡng số 2”, Nghĩa nói.
Đại uý Lượng bày tỏ xúc động: “Cảm ơn vì em đã trưởng thành và luôn nhớ đến công lao của những người đã dìu dắt mình”. Đồng thời bày tỏ mong muốn các học viên khi trở về xã hội sẽ có một cuộc sống ổn định, hạnh phúc, trở thành người công dân lương thiện, có ích cho xã hội.