Thiết kế công trình ven biển

Đà Nẵng là một trong những thành phố có hàng chục km ven biển. Những dự án, công trình nối tiếp nhau mọc lên khoác cho thành phố một chiếc áo hoàn toàn mới, lung linh, lộng lẫy hơn. Tuy nhiên, việc thiết kế, thi công những công trình ven biển sao cho phù hợp với thời tiết, khí hậu không phải là điều dễ dàng.
Đà Nẵng là một trong những thành phố có hàng chục km ven biển. Những dự án, công trình nối tiếp nhau mọc lên khoác cho thành phố một chiếc áo hoàn toàn mới, lung linh, lộng lẫy hơn. Tuy nhiên, việc thiết kế, thi công những công trình ven biển sao cho phù hợp với thời tiết, khí hậu không phải là điều dễ dàng.
Những công trình bảo đảm tính thẩm mỹ, vững bền trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành.
Từ lâu lắm rồi, rừng phòng hộ ven biển rất quan trọng và việc lựa chọn loài cây phù hợp chính là để cản sức gió trước khi vào đất liền. Nhưng những năm gần đây, hệ thống rừng phòng hộ ở Đà Nẵng mất dần. Vì vậy, khi thiết kế một công trình dù là dân dụng hay dân sinh, người kiến trúc sư (KTS) luôn phải đau đầu làm thế nào có được những công trình vừa bảo đảm được tính vững chắc, an toàn lại mang tính thẩm mỹ cao.

Theo KTS Dương Văn Hoàng, PGĐ Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Công trình và Quy hoạch đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng, thì việc thi công những công trình hướng biển cần phải hạn chế được tiết diện vuông góc với gió, đặc biệt là các công trình du lịch. Sức gió càng lên cao càng mạnh, vì vậy nên làm nương theo hướng gió (giật cấp) để tạo ra được sự hài hòa.

Mong manh trước mùa mưa bão

Trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, cuộc sống ngày càng phát triển, người dân có điều kiện để chăm chút cho “chốn ở” của mình hơn. Song, nhiều người lại quá chủ quan trong quá trình xây dựng, vì thế mỗi lần vào mùa mưa bão thường thấy ngay những hậu quả nhãn tiền như nhà bị thấm, dột, tốc mái, gió bão thổi “bay cửa”… Nguyên nhân chủ yếu do cách chọn và tạo vật liệu gây ra. Thông thường những công trình hướng biển, khi xây nương theo hướng gió (giật cấp), bao giờ cũng phải có sự bố trí hợp lý của các khung xà gồ để bảo đảm sự chắc chắn của công trình. Nếu những thanh xà gồ thưa, sự chịu đựng sức gió sẽ giảm đi rõ rệt, bên cạnh đó cũng nên hạn chế sử dụng vật liệu sắt, thép dùng để trang trí hay bọc bên ngoài, bởi gió biển mang theo hơi muối, sẽ làm giảm tuổi thọ của công trình.

Là một trong những hộ chuyển đến khu chung cư Thanh Lộc Đán nằm trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành từ những ngày đầu (2001), anh Lê Văn Đức, phòng 209 nhà O, cho biết: “Chung cư mới ở được gần 10 năm mà từ nhiều năm nay, những căn hộ tầng 2, tầng 3 không dám mở cửa sổ. Nếu mở sợ cánh cửa bị rớt xuống”. Đấy là nỗi lo chung của những người dân ở khu chung cư này. Một loạt những cửa sổ đều được viền bằng khung sắt, cửa kính. Qua mấy mùa mưa bão, cộng với nắng, gió biển thổi vào đã bị rỉ sét ăn mòn và có dấu hiệu cứng lại. Những chiếc cửa sổ nơi đón ánh nắng mỗi sớm mai của người dân đành phải đóng “im ỉm” cả ngày để bảo đảm an toàn.

Một trong những “nguy cơ” trong mùa mưa bão đó là nhà ở của những người có thu nhập thấp hoặc kinh doanh sống ven biển. Những ngôi nhà một tầng, bán kiên cố luôn là mối đe dọa trước sức mạnh của gió, bão biển. Nhà được xây theo chủ quan của chủ nhà, không có sự tính toán lợi, hại vào mùa mưa bão. Bởi phần lớn người dân có thu nhập thấp, xây được cái nhà, có được chỗ ra vào đã là may mắn lắm rồi, thì việc mời KTS tư vấn hay thiết kế cho ngôi nhà của mình là điều không dám nghĩ tới. Với nhiều hộ dân khác, việc tìm mặt bằng để kinh doanh bình dân thì chuyện tư vấn hay thiết kế cũng không cần thiết.

 Bởi vậy dọc các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa, bên cạnh những công trình kiên cố, người đi đường dễ dàng bắt gặp nhiều ngôi nhà, những chòi, quán dựng tạm để kinh doanh, vừa mất thẩm mỹ, vừa không bảo đảm an toàn vì khi có gió bão thì chính những nơi thiếu an toàn này sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.

Ngay cả với những người dân đã sống và kinh doanh lâu năm ở ven biển, quen với những mùa mưa bão nhưng khi được hỏi với hàng quán bán kiên cố như thế này, có gió bão làm thế nào, anh Trần Văn Khoa, một chủ quán trên đường Nguyễn Tất Thành cho biết: “Cũng muốn làm một nhà hàng to, đẹp lắm, nhưng không có tiền thì phải xây tạm một vài gian làm chỗ chứa đồ, còn lại lợp tôn và bao quanh bằng gạch để kinh doanh. Khi nào có nhiều vốn sẽ tính tiếp, với lại quanh đây nhiều nhà họ chỉ dựng trụ và lợp mái tôn để khách tránh mưa nắng thôi. Còn khi đã có bão gió thì làm sao tránh được”.

Hình dung được ngôi nhà của mình như thế nào

Thông thường, một công trình khi xây dựng dù là dân sinh hay dân dụng, sự tư vấn của KTS, kỹ sư hết sức quan trọng và cần thiết. Nó góp phần giúp chủ đầu tư tiết kiệm được chi phí xây dựng, bảo đảm an toàn, chất lượng công trình. Cũng theo KTS Dương Văn Hoàng, khi được tư vấn sẽ giúp cho chủ đầu tư hình dung được ngôi nhà của mình như thế nào, từ đó dễ dàng cho việc bố trí phòng ốc, lựa chọn nguyên vật liệu hợp lý, phù hợp với môi trường, thời tiết, khí hậu… Từ đó nếu muốn thay đổi, điều chỉnh, sửa chữa gì cũng đơn giản. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng hiểu và biết được chỉ cần tham khảo ý kiến của các KTS, kỹ sư thì cũng với số kinh phí ấy nhưng biết lựa chọn nguyên vật liệu thích hợp, đầu tư vào những chỗ cần thiết thì dù là nhà bán kiên cố  vẫn bảo đảm được tính an toàn.

Hiện nay, cùng với việc chất lượng cuộc sống được nâng cao và qua thực tế sử dụng các công trình, người dân cũng đã có những nhìn nhận nhất định trong xây dựng cả dân dụng và dân sinh. Những công trình mới xây dựng gần đây đã bắt đầu thích ứng với khí hậu ven biển. Những ngôi nhà cao tầng có không gian thoáng mát, góc nhìn rộng, đẹp, những khu du lịch có tính thẩm mỹ cao, nhưng vẫn bảo đảm các yếu tố khác như an toàn, vững chắc… Chính những chi tiết rất nhỏ về kiến trúc, lựa chọn nguyên vật liệu... đã giúp cho công trình hoàn thiện hơn.

Thu Hà

Đọc thêm