Từ đầu năm đến nay, ngay sau khi Nhà nước chấm dứt gói hỗ trợ lãi suất kích cầu đối với vốn lưu động và hạ tỷ lệ hỗ trợ lãi suất đối với gói cho vay trung và dài hạn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phải vay vốn với lãi suất khá cao do ngoài lãi suất vay vốn chính thức theo hợp đồng, doanh nghiệp còn phải trả thêm các loại phí tư vấn…
|
Đóng mới tàu 17.500 tấn xuất khẩu tại Tổng công ty CNTT Bạch Đằng Ảnh: Duy Thính |
Chênh lệch lãi suất
Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện Thông tư 07 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng và doanh nghiệp có thể thỏa thuận về mức lãi suất đối với khoản vay vốn trung và dài hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh và các dự án đầu tư. Lãi suất phổ biến được các chi nhánh BIDV Hải Phòng, Vietcombank Hải Phòng, Maritimebank Hải Phòng…áp dụng là 15-17%/năm. Một số ngân hàng TMCP có mức lãi suất tới 18-20%/năm; ngay cả các khoản vốn vay lưu động cho sản xuất, kinh doanh cũng áp dụng thêm các loại phí như phí tư vấn hoặc các hình thức khác đưa mức lãi suất này lên tới 14-16%. Theo một số ngân hàng, do việc huy động vốn thực chất phải trả lãi suất cao và khó khăn nên lãi suất cho vay cũng cao. Đây là thực trạng đang diễn ra . Lãi suất huy động vốn của nhiều chi nhánh ngân hàng TMCP thực chất đội lên cao hơn mức trần 10,5%/năm; lãi suất cho vay, kể cả vốn lưu động, nếu tính cả “phí” cũng cao hơn 12%/năm. Do áp lực cạnh tranh gay gắt, một số ngân hàng còn thỏa thuận riêng với các khách hàng có số tiền gửi lớn. Chẳng hạn, khách hàng gửi từ 100 triệu đồng trở lên có thể được tặng thêm bằng tiền mặt hoặc quà tặng. Tùy ngân hàng, khách hàng, số tiền gửi mà quà hoặc tiền mặt tặng thêm cao hay thấp. Bởi vậy, lãi suất huy động vốn thực tế cao hơn 10,49%/năm mà hầu hết ngân hàng đang niêm yết. Nhiều ngân hàng phải huy động kể cả các kỳ hạn tuần cũng với lãi suất tới 10,49%/năm, ngang bằng các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Đây cũng là điều không bình thường trong hoạt động tín dụng từ trước đến nay, thông thường, các kỳ hạn càng dài, lãi suất huy động vốn càng lớn, nhưng nay ngược lại. Một số ngân hàng quy định lãi suất các kỳ hạn dài dưới 10,49%/năm nhưng rất ít khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài. Trong khi đó, các ngân hàng chỉ được phép dùng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Vì vậy, nhiều ngân hàng đề nghị dỡ bỏ trần lãi suất huy động vốn, “mở đường” cho các ngân hàng tăng huy động vốn.
Mặc dù vậy, các ngân hàng thương mại Nhà nước hoặc cổ phần hóa có nguồn vốn lớn thực hiện khá nghiêm túc các quy định về trần lãi suất huy động vốn cho vay. Bà Phạm Thị Minh, Giám đốc BIDV Hải Phòng cho biết, hiện BIDV Hải Phòng huy động vốn theo đúng quy định, không vượt trần lãi suất 10,5% và cho vay vốn trung và dài hạn với lãi suất 15% không kèm bất cứ khoản phí nào khác. Từ đầu năm 2010 đến nay, BIDV Hải Phòng cho vay vốn trung và dài hạn được 103 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng đang phải “gồng mình” để đáp ứng vốn cho các dự án đã cam kết và các dự án mới phát sinh có hiệu quả cao. Vì vậy, ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận. Như vậy, đang có sự chênh lệch lớn về mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay giữa các ngân hàng. Nếu chỉ có các ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện đúng các quy định về huy động vốn và cho vay với lãi suất hợp lý thì sẽ khó khăn trong huy động vốn và cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn của các doanh nghiệp.
Khó cho doanh nghiệp và cả ngân hàng
Các doanh nghiệp đang phải ráo riết săn lùng vốn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu vay vốn tăng lên. Trước thực trạng lãi suất vay vốn tăng cao, các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh cố gắng giảm dần các khoản vay vốn lãi suất cao nhưng các doanh nghiệp tiềm lực yếu vẫn phải “đâm đầu” vay vốn để giải quyết các khó khăn trước mắt. Điều này dẫn đến nguy cơ nợ xấu tăng cao. Để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng cần “ngồi lại” với nhau, đi đến thống nhất về mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay, không để khoảng cách chênh lệch khá lớn như hiện nay và tránh tạo ra cuộc đua tranh lãi suất, khó cho doanh nghiệp và cho chính ngân hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Ngân hàng Nhà nước dỡ bỏ trần lãi suất huy động vốn trong thời điểm này sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ chạy đua tăng lãi suất huy động, có thể lên tới 14 - 15%/năm. Điều này khiến các ngân hàng lớn vì không muốn mất khách hàng phải lao vào cuộc đua. Như vậy, ngọn lửa lạm phát sẽ bị thổi bùng lên và gây ra sự hỗn loạn cho hệ thống tiền tệ. Hiện do lãi suất cho vay khá cao, số dự án mới vay vốn trong năm 2010 chưa phát sinh nhiều, chủ yếu là khoản vay đầu tư dự án của các doanh nghiệp từ năm 2009 trở về trước, nay tiếp tục giải ngân. Doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc, tính toán kỹ hiệu quả dự án đầu tư. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ hạn chế đầu tư phát triển. Các doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất cao cũng khó trụ vững.
Về phía các doanh nghiệp cũng đang mong mỏi Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, bởi năm 2010 được dự báo là chưa hết khó khăn..
Minh Châu