Thiết lập mặt bằng lãi suất mới

Kể từ sáng 10-12, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố thiết lập được một mặt bằng lãi suất huy động vốn mới khoảng 14-15%/năm. Lãi suất huy động của Techcombank Hải Phòng cũng chỉ còn ở mức 14%. Song thị trường tiền tệ chưa lặng sóng.

Kể từ sáng 10-12, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố thiết lập được một mặt bằng lãi suất huy động vốn mới khoảng 14-15%/năm. Lãi suất huy động của Techcombank Hải Phòng cũng chỉ còn ở mức 14%. Song thị trường tiền tệ chưa lặng sóng.

Áp lực hoàn thành chỉ tiêu
Một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng phải bằng cách công khai hoặc thỏa thuận ngầm với khách hàng về mức lãi suất huy động vốn là do áp lực về chỉ tiêu huy động vốn quá lớn. Nhiều ngân hàng tuy đạt được chỉ tiêu về lợi nhuận, dư nợ cho vay, nhưng vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn buộc phải tìm mọi cách để huy động cho đạt chỉ tiêu dẫn đến việc đẩy lãi suất lên cao. Trong khi đó, ngân hàng nọ lại nhìn ngân hàng kia và tăng lãi suất theo để giữ chân khách hàng. Trong mấy ngày lãi suất huy động vốn biến động mạnh theo hướng tăng vừa qua, nhiều ngân hàng huy động vốn ở mức lãi suất 13-13,5%/năm buộc phải tăng lãi suất lên 14-15%/năm, có ngân hàng còn kèm thêm khuyến mại. Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động của hầu hết các ngân hàng thương mại ở mức này.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng cổ phần Hàng hải. Ảnh: duy thính
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng cổ phần Hàng hải.                                                                                                       Ảnh: Duy Thính

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi của LienVietbank Hải Phòng hiện 14,9%/năm và kèm theo khuyến mại. Lãi suất huy động vốn của Vietinbank Hải Phòng, Agribank Hải Phòng, SeAbank Hải Phòng…ở mức 14%/năm. Hầu như ngân hàng nào cũng có khuyến mại cho khách hàng gửi các khoản tiền lớn. Một số chi nhánh tuy công khai mức lãi suất huy động chỉ 12,5- 14%/năm, nhưng lãi suất thực huy động vẫn tới 16-17%/năm. Mặc dù vậy, nhiều lãnh đạo chi nhánh ngân hàng vẫn than phiền là lượng vốn huy động bị giảm hoặc chưa hoàn thành chỉ tiêu; có chi nhánh mới đạt chừng 50%. Eximbank Hải Phòng, Vietnam Tinnghia bank HaiPhong tuy không bị rút vốn, nhưng hầu như không tăng so với hồi đầu năm.
Theo lãnh đạo một số chi nhánh ngân hàng thương mại, ngay cả với mức lãi suất trên, ngân hàng cũng đau đầu với bài toán lợi nhuận. Giám đốc Navibank Hải Phòng cho biết, giờ đây khách hàng nào đến gửi tiền cũng mặc cả với ngân hàng về lãi suất. Đang vào thời điểm cuối năm, ngân hàng phải chạy nước rút với các chỉ tiêu, kế hoạch, không muốn bị rút vốn, nên không còn cách nào khác là phải thương lượng lãi suất với khách hàng. Giám đốc Vietnam Tinnghia Bank Hải Phòng thì không dám đi công tác xa, thường xuyên phải túc trực ở trụ sở, nghe ngóng các biến động để kịp thời giải quyết. Lãnh đạo Habubank Hải Phòng cho biết, ngân hàng cũng bị rút một phần vốn trong những ngày biến động lãi suất của thị trường vốn vừa qua. Việc cạnh tranh “ra tay” khá mạnh của các “đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng khiến các ngân hàng nhỏ càng khó khăn hơn.

Chẳng ai được lợi
Phần lớn các ngân hàng đều không muốn tăng lãi suất huy động. Bởi lẽ, lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng. Khách hàng vay vốn không trả được nợ sẽ dẫn đến rủi ro mất vốn. Lãi suất cho vay càng cao thì nguy cơ rủi ro càng cao. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng sẽ không vì thế mà tăng tương ứng. Hiện tại, lãi suất cho vay trên thị trường đối với các khách hàng truyền thống phổ biến ở mức 17-19%/năm. Những người vay vốn ở thời điểm huy động vốn cao hoặc không phải là khách hàng truyền thống phải trả lãi tới 22-25%. Cá biệt, có những khách hàng cho biết phải vay vốn với lãi suất tới 27%. Với mức lãi suất cao ngất ngưởng như vậy, hầu như không doanh nghiệp sản xuất nào chịu nổi. Bởi lẽ, ngoài chi phí vốn vay, doanh nghiệp còn phải chịu vô vàn chi phí khác như trả lương công nhân, nộp thuế Nhà nước, phúc lợi cho người lao động, BHXH, BHYT, khấu hao đầu tư…Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu lớn còn phải chi phí khá lớn vào mấy đợt tăng tỷ giá trong năm. Doanh nghiệp không trụ nổi sẽ dẫn đến phá sản. Chính vì vậy, việc đẩy lãi suất huy động vốn và cho vay tăng cao khá nguy hiểm đối với an toàn hệ thống và nền kinh tế.
Đối với người dân, việc lãi suất ngân hàng lên quá cao cũng không phải là điều đáng mừng. Nó chỉ càng chứng tỏ mức độ lạm phát cao. Lãi suất ngân hàng tăng cao không đủ bù đắp những thiệt hại do giá cả tăng theo. Như vậy, chẳng có ai được lợi. Vấn đề cốt yếu là, Ngân hàng Nhà nước trung ương và các địa phương cần có sự chỉ đạo sát sao để các ngân hàng cùng đồng thuận về lãi suất, nếu có chênh lệch cũng không đáng kể. Đây cũng là một giải pháp để giữ ổn định nền kinh tế.

Mai Hương

Đọc thêm