Trong sự phát triển đô thị, việc mở rộng các tuyến giao thông là cần thiết, song việc xây dựng các cầu cạn cho người đi bộ cũng cần được chú trọng. Ở Hải Phòng, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, khiến người dân ở các tuyến đường có rào chắn giữa dải phân cách rất vất vả khi sang đường, đồng thời gây ách tắc giao thông tại các nút giao thông.
Cầu vượt ở phố Cầu Đất phục vụ người dân mỗi khi có tàu hỏa hoạt động, song do khổ thông tàu thấp, cầu đã qua trăm năm khai thác, nay trơ lại hai mố cầu. Khi dự án cải tạo quốc lộ 5 triển khai, Hải Phòng mới có 5 cầu vượt dân sinh, nhưng chỉ có 2 cầu phát huy tác dụng, đó là cầu vượt đoạn Đại học Dân lập Hải Phòng và cầu vượt Đông Hải. Nay, cầu Đông Hải cũng hỏng do xe tải siêu trường, siêu trọng va vào dầm ngang nên khả năng phục vụ hạn chế. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, giảm dần tình trạng ách tắc giao thông nội đô Hải Phòng, thời gian tới, các nhà quản lý cần nghiên cứu các dự án xây dựng cầu cạn dành cho người đi bộ, hoặc sử dụng phương tiện xe đạp, xe máy. Trước mắt, tại ngã tư Văn Cao- Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau khi đóng lại dải phân cách, nhiều người dân khu vực phía Nam thành phố phải đi đoạn đường vòng khá bất tiện bằng cách vòng về ngã tư BigC hoặc đi về phía gầm cầu vượt Lạch Tray rồi vòng lại phía bên kia đường Nguyễn Bỉnh Khiêm mới vào được đường Văn Cao. Nhân dân khu vực này mong muốn thành phố chỉ đạo Ban ATGT đầu tư xây dựng cầu cạn bằng sắt dành cho người đi bộ qua ngã tư này. Ở nhiều ngã tư, ngã năm, ngã sáu mới xây dựng như ngã sáu Lạc Viên, tư vấn thiết kế chưa chú trọng xây dựng cầu cạn cho người đi bộ, hoặc hầm chui, trong khi bán kính các đảo xuyến khá rộng. Ngã năm Quán Mau đã khởi công xây dựng, theo thiết kế có hầm chui dành cho người đi bộ, nhưng dự án này dậm chân tại chỗ, nên tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và thường xuyên xảy ra va quệt giữa các phương tiện tham gia lưu thông. Nút giao cầu vượt Lạch Tray (khác mức trực thông và cùng mức ngã tư) luôn trong tình trạng lưu lượng xe lớn, nhiều loại phương tiện và người cùng tham gia giao thông, rất nguy hiểm khi rẽ trái và thường ùn tắc vào giờ cao điểm. Trước mắt, ngành Giao thông-Vận tải kiến nghị tiếp tục mở rộng các nhánh rẽ phải, sơn phân luồng; ngầm hoá các loại đường dây; di chuyển bãi đỗ xe gầm cầu (năm 2009 đã mở rộng các nhánh rẽ trái, điều chỉnh đảo giao thông và điều tiết giao thông). Về lâu dài, sẽ nghiên cứu đầu tư xây dựng đường tầng trên trục Lạch Tray. Nút giao cầu Niệm (ngã 3 bằng mức) có lưu lượng xe lớn, nhiều loại phương tiện và người tham gia giao thông, nhưng lại ở tại chân dốc cầu, rất nguy hiểm khi rẽ trái, thường ùn tắc vào giờ cao điểm. Năm 2009, Sở Giao thông-Vận tải đã cải tạo mở rộng nhánh rẽ phải từ Quốc lộ 5 về đường Trần Nguyên Hãn, nay cần có sự điều tiết của lực lượng CSGT, bổ sung sơn phân luồng, biển báo. Để khắc phục ùn tắc, trong khi chờ triển khai tuyến đường trục đô thị vốn Ngân hàng Thế Giới, cầu Niệm hiện tại cần được sửa chữa nâng cấp và xây dựng cầu Niệm 2. Hiện, Sở Giao thông-Vận tải đã lập dự án cầu phao Niệm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nút giao Đồng Bún (ngã ba bằng mức), mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, lại ở vị trí vào chợ và hay ngập lụt khi trời mưa. Mặc dù mặt đường Trần Nguyên Hãn đã được cải tạo, bổ sung sơn phân luồng và điều tiết giao thông, song tình trạng ùn tắc vẫn thường xuyên xảy ra. Tại đây cũng cần xây dựng cầu cạn dân sinh. Nút đường tàu Trần Nguyên Hãn (ngã ba bằng mức) lòng đường hẹp, lưu lượng xe lớn, thường ùn tắc vào giờ cao điểm và giờ chắn tàu. Trước mắt, cần bổ sung phân luồng, dải phân cách và điều tiết giao thông. Khắc phục tình trạng này phải xây dựng đường sắt trên cao từ cầu xe lửa Tam Bạc về ga Hải Phòng. Ngã tư đập Tam Kỳ không gian nhỏ hẹp, dù đã vài lần mở rộng , nhưng không triệt để cũng cần xây dựng cầu cạn cho người đi bộ qua ngã tư.
Còn khá nhiều nút giao thông cần xây dựng cầu cạn như ngã tư Thành Đội, ngã ba Hàng Kênh-Tô Hiệu, ngã ba Thượng Lý( trước đây đã có dự án cầu cạn có nhánh từ đường 2B Hồng Bàng đi thẳng vào cầu Thượng Lý và một nhánh rẽ vào cầu Bính, nhưng chưa thực hiện). Nghiên cứu xây dựng cầu cạn dành cho người đi bộ là việc làm cần thiết, đòi hỏi các nhà quản lý, tư vấn thiết kế căn cứ thực tế. Có như vậy các công trình xây dựng mới có khả năng khai thác hiệu quả, không như các cầu vượt dân sinh trên tuyến quốc lộ 5 hiện nay, vừa lãng phí và hiệu quả khai thác hạn chế.
Hải Long