Khó khăn trong công tác đền bù, giải toả, nhiều trường học tại TP.HCM đang “dở khóc dở cười” khi cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu dạy và học. “Nhiều năm nay rồi, cứ đến mùa mưa là cả thầy và trò đều lo, không biết có qua nổi mùa mưa này không?!”, Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Ten Lơ Man, số 8, đường Trần Hưng đạo, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, cho biết.Xuống cấp trầm trọng Toàn bộ khuôn viên Trường THPT Ten Lơ Man có diện tích hơn 6.000m2 với hai dãy nhà kiên cố một trệt hai lầu (khu A, B) có từ thời Pháp và ba dãy phòng học cấp 4 (C, D, E) được sử dụng tạm bợ làm phòng học và các phòng chức năng (tất cả các phòng học của khu C, D không có cửa sổ). Chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng làm ngập toàn bộ khuôn viên trường. Điều khiến nhiều người băn khoăn là tại sao một ngôi trường có nhiều thành tích và là trường có số HS đông của Q.1 (trên 2.000 em) mà cơ sở vật chất lại tồi tàn đến vậy. “Rất nhiều phòng học đã xuống cấp trầm trọng, mưa thì dột còn trời nắng thầy và trò như ngồi học trong “lò” bánh mì. Dẫu vậy, thầy trò chúng tôi vẫn phải gồng mình dạy và học”, thầy Sơn bộc bạch.
|
Trường Tiểu học Lý Thái Tổ - Ngôi trường được mệnh danh nhiều “không” nhất tại TP.HCM |
Nằm dưới chân cầu Chà Và, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Q.8) được mệnh danh là ngôi trường “nhiều không” nhất tại TP.HCM: không sân chơi, không cổng trường, không cảnh quan sư phạm… Ở ngôi trường này, tầng trệt được tận dụng làm nhà sách Fahasha, còn phòng học bắt đầu từ tầng 1, 2 với 16 phòng có sức chứa gần 300 HS. Chúng tôi đến trường đúng vào giờ thể dục, thấy các em HS đang học thể dục tại... hành lang chật hẹp. "Thiếu thốn quá, các em không có sân chơi, sân tập thể dục. Các phòng học vừa tối, vừa nóng bức, nhiều HS ngồi học mà mồ hôi chảy dài trên má. Điều này ảnh hưởng không ít đến sức khỏe HS", thầy Nguyễn Văn Giàu, Hiệu trưởng nhà trường, bùi ngùi. Cùng cảnh ngộ trên là Trường Tiểu học Xóm Chiếu (Q.4) với các phòng học ngày một xuống cấp trầm trọng, các phòng học rất tối, bàn ghế thì ọp ẹp, nắng thì nóng, mưa lại dột. Nhiều trường học trên địa bàn Q.Bình Thạnh cũng xuống cấp từ nhiều năm nay.Xây trường mới: Cứ chờ đã! Cở sở vật chất không đáp ứng nhu cầu dậy học, lãnh đạo các trường gửi thư lên các cơ quan chức năng xin được sửa chữa, xây mới nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trao đổi qua điện thoại với một cán bộ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.4 về dự án Trường Xóm Chiếu, ông này cho biết: “Dự án Trường Tiểu học Xóm Chiếu theo kế hoạch vào đầu quý 1 năm nay động thổ xây dựng nhưng khi quyết định triển khai dự án thì mới phát hiện còn nhiều vấn đề. Hiện tại, chúng tôi sẽ tìm phương án khả thi nhất để giải quyết và sẽ cố gắng xây mới trường theo tiến độ đã đề ra”. Đồng cảnh ngộ với Trường Tiểu học Xóm Chiếu, Ban giám hiệu Trường THPT Ten Lơ Man cũng nhiều lần kiến nghị với các cấp lãnh đạo và được trả lời: Do trường ở vị trí “đắc địa” của trung tâm thành phố, nằm trong khu quy hoạch Công viên 23/9, không được xây mới hay sửa chữa gì, phải giữ nguyên hiện trạng để sắp xếp xây trường ở địa điểm khác (!?). Thế nhưng đến nay, các dự án xây trường ở địa điểm khác cũng chưa thấy đâu. “Sắp tới, hơn 2.000 HS cùng giáo viên nhà trường vẫn tiếp tục điệp khúc cùng trường chống chọi qua mùa mưa bão”, Thầy Sơn nói. Thầy Nguyễn Ngọc Giầu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, thì lo lắng: “Theo quy hoạch mới của Q.8, trường này sẽ được xây mới trên khu đất 6.000m2. Chúng tôi rất mừng và chờ đợi nhưng dự án đến bây giờ vẫn “đắp chiếu” vì thu hồi đất chưa được. Trước mắt, để chuẩn bị cho năm học mới, trường được cấp một khoản kinh phí để sơn sửa và nâng cấp cơ sở vật chất, các phòng học nhỏ hẹp, thiếu ánh sáng”. Điều này cũng đồng nghĩa HS của trường tiếp tục phải “trèo” lên các tầng trên và tập thể dục trong hành lang như mọi năm. Biết đến bao giờ, tập thể giáo viên, HS của những trường này mới có được niềm hân hoan làm lễ khai trường giữa sân trường lát gạch phẳng phiu, với mùi sơn mới?
Theo Quốc Hải
Đất Việt
Đất Việt