Thiếu công bằng và... trái luật?!

Xe chạy xăng sẽ phải chịu thêm 1.000 đồng/lít, xe chạy dầu diesel phải đóng mức phí tối thiểu là 120.000 đồng/tháng, tối đa là 1.440.000 đồng/tháng.
 Xe chạy xăng sẽ phải chịu thêm 1.000 đồng/lít, xe chạy dầu diesel phải đóng mức phí tối thiểu là 120.000 đồng/tháng, tối đa là 1.440.000 đồng/tháng.

Đây là phương án thu mà Bộ GTVT muốn “chốt” lại trong dự thảo đề án thành lập quỹ bảo trì đường bộ.
Chủ xe phải đóng trên 1,4 triệu đồng/tháng. Bộ GTVT đã chọn phương án 3 trong đề án lập quỹ bảo trì đường bộ do Tổng cục Đường bộ VN soạn thảo. Theo đó, quỹ này sẽ được thu qua giá xăng dầu. Mức phí đề xuất thu qua giá xăng là là 1.000 đồng/lít. Nguồn thu này đạt khoảng 2.971 tỉ đồng.

Mức thu với phương tiện đường bộ sử dụng diesel có 5 nhóm mức lần lượt là: Xe con, xe tải dưới 2 tấn, xe du lịch dưới 12 ghế: 180.000 đồng/tháng, xe tải từ 2 đến dưới 4 tấn, xe khách từ 12 đến 30 ghế: 270.000 đồng/tháng, xe tải từ 4 đến dưới 10 tấn, xe khách từ 31 ghế trở lên: 396.000 đồng/tháng. Xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20fit: 720.000 đồng/tháng, xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40fit: 1.440.000 đồng/tháng. 
Đường xấu dân vẫn phải trả tiền? (Ảnh minh họa Chí Cường)
Dự kiến tổng mức phí thu của phương tiện chạy diesel là trên 2.958 tỉ đồng/năm. Tổng mức thu đối với phương tiện chạy xăng, dầu là gần 6.000 tỷ đồng/năm. Những thông tin trên đã được đăng tải trên trang web http://www.giaothongvantai.com.vn của Bộ GTVT chiều 8/5.

“Thua” nước ngoài nên... phải làm
Tổng cục Đường bộ VN cho biết, tổng chiều dài các loại đường ở nước ta là 256.684 km và đã tạo nên sự kết nối liên hoàn trên toàn quốc, tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ vẫn còn yếu kém, lạc hậu. Cũng theo Tổng cục Đường bộ VN, chất lượng kỹ thuật đường bộ nước ta cũng ở mức thấp trong khu vực, tỷ lệ rải mặt chỉ đạt khoảng 31,2%. Nước ta mới chỉ có 1 tuyến cao tốc (TP HCM-Trung Lương) và tuyến quốc lộ có 4 làn xe trở lên mới chỉ chiếm khoảng 4%, đường 2 làn chiếm khoảng 36%. Thậm chí, vẫn còn trên 219 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, cụm xã. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn chưa đi được quanh năm còn lớn. Cùng đó, tình trạng kỹ thuật đường bộ nước ta thấp kém, đường hẹp, bán kính đường cong nhỏ, mặt đường chưa bảo đảm cho phương tiện lưu thông. Thường xuyên gây ách tắc giao thông, số lượng cầu yếu, tải trọng thấp, chưa đồng bộ với cấp đường còn nhiều. Nhiều tuyến đường giao thông miền núi chưa đi lại được bốn mùa. Đường quốc lộ có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và trung bình (cấp I, II, III) chỉ chiếm 47%, còn 53% là đường cấp thấp. Chiều rộng mặt đường theo đúng cấp kỹ thuật còn thấp, mặt đường 7m chỉ có 46%, mặt đường 5-6,9m khoảng 33%, còn lại khoảng 21% là mặt đường có bề rộng dưới 5m... Lập quỹ là... trái luật! Trên đây là những “lý do” cơ bản mà ngành giao thông dẫn ra để cho rằng cần phải có thêm tiền để sửa chữa. Trong khi đó, người dân lại cho rằng không thể bắt họ trả tiền khi hệ thống đường sá kém chất lượng như vậy. Mặt khác, hàng năm Nhà nước đổ ra hàng ngàn tỷ đồng cho ngành giao thông nhưng chất lượng đường sá nhiều nơi còn hạn chế, vậy việc thu thêm tiền liệu có chính đáng? Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thu quỹ bảo trì đường bộ qua xăng thì đảm bảo được tính công bằng vì xe đi nhiều, tốn nhiều xăng đồng nghĩa việc phải đóng nhiều. Tuy nhiên, hiện người đi xe đã phải đóng phí giao thông trong xăng từ nhiều năm nay. Nếu thu quỹ ngoài xăng liệu khoản phí giao thông có “thoát” ra khỏi giá và giảm được giá xăng? Phương án thu qua xe đăng ký mới đối với xe máy cũng có nhiều bất cập. Mỗi năm chỉ có 3 triệu xe đăng ký mới, trong khi hàng ngày gần 30 triệu xe này “quần đảo” trên đường mà không phải chịu phí. Thêm vào đó, hệ thống giao thông vùng ngoài thành phố, thị xã chất lượng rất thấp mà người sử dụng vẫn phải đóng phí như nhau là không công bằng. Khi tham khảo, những người dân vùng ngoại ô các thành phố, thị xã, thị trấn đều cho rằng đường xấu khiến xe chóng hỏng mà vẫn phải đóng thêm tiền là bất hợp lý. Trước đây, tại phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XII), khi bàn về những thay đổi của Luật Giao thông đường bộ đã có nhiều ý kiến không tán thành về việc lập quỹ bảo trì đường bộ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc lập quỹ này là trái luật. Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, việc lập quỹ là trái nguyên tắc, trái với Luật Ngân sách. Tất cả các nguồn thu liên quan đến đường bộ đều phải nộp vào ngân sách và các chi phí cho việc bảo trì đều được trích từ ngân sách. Cùng chung quan điểm này, đại diện Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội cho rằng không nên lập quỹ, bởi tất cả chi phí bảo trì đã do ngân sách chi. Việc thu từ bất kỳ nguồn nào, được bao nhiêu tiền cũng tập trung vào ngân sách. Thiết nghĩ đây cũng là điều mà ngành giao thông cần lưu tâm.
Có nên thu quỹ bảo trì đường bộ?
* "Nhà tôi có 8 chiếc xe máy, nếu mua thêm 1 chiếc mà phải đóng quỹ bảo trì cũng chả sao. Tuy nhiên, liệu có công bằng, khi hàng ngày cả 9 chiếc xe đều sử dụng đường như nhau? Vấn đề ở đây chưa bàn đến tiền nong mà phải có tính công bằng. Đây mới tính trong nhà, còn toàn xã hội là một bài toán lớn”.

Anh Phạm Kiên ở Thanh Trì, Hà Nội

* “Theo tôi quan trọng là thu ở mức chấp nhận được, nên có sự phân loại cho công bằng. Vận tải Bus công cộng liên tỉnh không được nhận bất kỳ một trợ cấp nào trong khi giá xăng dầu, giá ô tô, giá nhân công lên cao đã khiến doanh nghiệp phải đau đầu để tránh bù lỗ. Cùng đó, vận tải hành khách tại Việt Nam không lành mạnh, kiểu cạnh tranh chộp giựt xảy ra như cơm bữa nên khi đưa ra một khoản phí nào, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nên cân nhắc kỹ”.

Ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Hà (Bus Bắc Hà)
* “Theo tôi không nên thu vì tỷ suất lợi nhuận của vận tải ô tô chỉ trên dưới 10%, trong khi đó để trót lọt một chuyến hàng chúng tôi đã mất không biết bao nhiêu là phí cầu đường các loại, đó là chưa kể tới các khoản “dích dắc” khác. Nếu bị thu thêm quỹ này, khi chạy qua các trạm thu phí, qua cầu chúng tôi có phải mua vé hay được miễn?”.

Anh Hùng, một lái xe tải ở Từ Liêm - Hà Nội

*“Với xe tư nhân, mức thu trên có thể chấp nhận, còn với các đơn vị kinh doanh vận tải thì nên có sự điều chỉnh thấp xuống để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện taxi Mai Linh có tổng cộng 10.000 xe trên toàn hệ thống, nếu áp mức thu theo dự thảo thì hàng năm doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn. Khi tất cả các chi phí đều tăng thì đối tượng bị ảnh hưởng sẽ là hành khách”.

Ông Đào Vũ Minh Tuấn, Phó Tổng GĐ Tập đoàn Mai Linh Đông Bắc Bộ
Công Tâm     
Công Tâm - Nguyễn Hồng
Theo GĐ&XH

Đọc thêm