|
VN-Index bị "méo mó", HoSE không có quyền can thiệp, mỗi nhà đầu tư dù tổ chức hay cá nhân đều có quyền chọn lựa phương pháp đầu tư có lợi nhất cho mình
Chứng khoán VN đã khởi sắc hơn về chỉ số (Index) trong thời gian gần đây, nhưng phần lớn nhà đầu tư (NĐT) không vui do danh mục đầu tư cứ “teo” lại. Nhiều chuyên gia cho rằng VN-Index đang bị “méo mó” do bị chi phối bởi một vài cổ phiếu (CP) có giá trị vốn hóa lớn. Ông Trần Đắc Sinh nói:
- Sự ảnh hưởng của những CP có vốn hóa lớn đối với Index là điều không thể tránh khỏi, do VN-Index được xây dựng dựa trên phương pháp tính theo giá trị vốn hóa. Đây cũng là kẽ hở mà các tổ chức đầu tư chỉ số có thể tận dụng để tác động đến Index trong một chừng mực nào đó. HoSE hiện có hàng chục CP lớn chứ không chỉ một vài CP nào đó. Hơn nữa, ngay cả những thị trường chứng khoán phát triển, Index cũng chịu ảnh hưởng của các CP lớn chứ không riêng VN.
Tôi hiểu và chia sẻ sự bức xúc với nhà đầu tư, nhưng HoSE không có quyền can thiệp, mỗi nhà đầu tư dù tổ chức hay cá nhân đều có quyền chọn lựa phương pháp đầu tư có lợi nhất cho mình. Nếu nhìn ở góc độ tích cực, việc tổ chức nước ngoài tiếp tục đổ tiền vào các CP có vốn hóa lớn thay vì chọn những CP nhỏ dễ biến động cũng là dấu hiệu tốt cho thị trường.
Có ảnh hưởng lớn đến Index, nhưng tỉ lệ thanh khoản của một số CP lớn này lại khá thấp. Vì sao HoSE không loại bỏ khối lượng CP không thanh khoản để Index “trung thực hơn”, như sàn Hà Nội từng làm với cổ phiếu SQC?
- Hạn chế lớn nhất trong cách tính Index hiện nay là dựa trên toàn bộ khối lượng CP niêm yết, trong đó có một tỉ lệ rất lớn CP được các cổ đông nội bộ nắm giữ có thời hạn và tỉ lệ CP do cổ đông nhà nước nắm giữ. Dù không thanh khoản nhưng khối lượng CP này có tác động nhất định đối với Index, đặc biệt là những CP có vốn hóa lớn. Nhưng cũng không có gì đảm bảo Index sẽ phản ánh một cách trung thực toàn bộ diễn biến của thị trường, nếu chỉ số được tính toán dựa trên khối lượng CP được phép thanh khoản.
Tôi lấy ví dụ, một số CP lớn tại HoSE hiện có tỉ lệ trôi nổi khá lớn nhưng thanh khoản thực tế rất thấp, do cổ đông không chịu bán hoặc các đối tác nước ngoài nắm giữ dài hạn với tỉ lệ nhiều.
Theo tôi, dù tính toán theo phương pháp nào, các loại chỉ số đều có những hạn chế của nó. Tuy nhiên, để giúp NĐT có cái nhìn đa chiều hơn, HoSE đang nghiên cứu xây dựng một vài loại chỉ số khác như VN-Index30 hay VN-Index100..., dự kiến sẽ được giới thiệu với NĐT vào cuối năm nay.
Hiện NĐT chưa có những công cụ “bảo hiểm” cho các khoản đầu tư. Vì sao công cụ này, chứng khoán phái sinh, vẫn chưa được triển khai dù đã được được nói đến từ nhiều năm nay, thưa ông?
- Đề án phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đã được chúng tôi xây dựng cách nay ba năm và đã trình cơ quan thẩm quyền gần một năm, sau khi kết hợp với các trường ĐH cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia đóng góp ý kiến. Tuy nhiên muốn triển khai vào thực tế đòi hỏi nhiều yếu tố, từ công nghệ, hệ thống pháp luật liên quan cũng như sự am hiểu của những người tham gia, đặc biệt là NĐT...
Đến nay, hệ thống thanh toán bù trừ cho chứng khoán phái sinh, hệ thống mua bán công cụ phái sinh... vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến đến cuối năm 2012 mới có thể hoàn chỉnh. Tới đây chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho các công ty chứng khoán, cho NĐT... Hiện chúng tôi cũng sốt ruột, bởi chứng khoán VN đang thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro cho các NĐT.
Quy mô của thị trường chứng khoán VN ngày càng lớn, nhưng thanh khoản của thị trường lại ngày càng giảm. Ông có cho rằng việc thiếu vắng các sản phẩm dịch vụ mới là một trong những nguyên nhân của hiện tượng này?
- Quan điểm phát triển thị trường của chúng ta là làm thận trọng, cái gì có thể kiểm soát được mới đưa vào triển khai. Nhưng quá thận trọng cũng có cái dở của nó. Chẳng hạn, hiện nay nhiều NĐT đã mở nhiều tài khoản và các công ty chứng khoán cũng cứ vô tư cho NĐT sử dụng đòn bẩy tài chính... dù chưa có quy định về mặt pháp lý cho phép thực hiện.
Vì chưa có khung pháp lý, cơ quan quản lý thị trường cũng gặp lúng túng khi xử lý các trường hợp vi phạm. Nếu có rủi ro, NĐT sẽ gánh hậu quả trong khi trách nhiệm thuộc về ai lại khó xác định rõ ràng. Việc sớm đưa các sản phẩm dịch vụ mới vào thị trường - thật ra là “hợp thức hóa” nó bằng các văn bản pháp luật cụ thể, theo tôi, không những giúp thanh khoản của thị trường tốt hơn mà còn đảm bảo sự an toàn cho toàn hệ thống.
Đến nay, về cơ bản thì hệ thống công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu đưa vào các sản phẩm mới như giao dịch ký quỹ, rút ngắn ngày T+, cho NĐT mở nhiều tài khoản... Vấn đề còn lại là thời gian và tôi cũng hi vọng rằng NĐT sẽ không phải đợi quá lâu.
Tuổi Trẻ