Chung quanh vấn đề thiếu điện hiện nay, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cùng khẳng định, một trong những nguyên nhân chính của việc thiếu điện là thiếu vốn, chưa thực hiện đầy đủ các mục tiêu của tổng sơ đồ điện 6.
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng hoạt động chưa ổn định Ảnh: Duy Lân |
Sẽ còn tiếp tục thiếu điện
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận: một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình thiếu điện trong mùa khô vừa qua là ngành điện chưa thực hiện đầy đủ các mục tiêu đã quy định trong tổng sơ đồ điện 6. Theo mục tiêu, đến năm 2015 ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện được khoảng 50.000 MW công suất. Tuy nhiên, dự kiến đến hết năm 2010 chỉ có 20.900 MW công suất và đến tháng 6-2011 có 22.500 MW công suất. Như vậy, đến năm 2015, ngành điện chỉ đạt 80% công suất. Tình trạng thiếu điện sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, không ít công trình điện chậm tiến độ, chủ yếu liên quan đến vấn đề thu xếp vốn, đặc biệt trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch điện 6 rơi đúng vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Phần lớn các dự án ngành điện kể cả do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư cũng như các doanh nghiệp khác là Tập đoàn Than khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện, đều sử dụng nguồn vốn vay thương mại là chính, không được vay ưu đãi. Có một vài dự án được sử dụng vốn ODA của nước ngoài trong đó của Nhật Bản, nhưng phần lớn đều sử dụng vốn vay thương mại. Do đó, việc thực hiện tổng sơ đồ điện 6 rất khó khăn trong việc thu xếp vốn.
Bên cạnh đó, một số dự án tuy đã hoạt động ở giai đoạn đầu, nhưng vận hành chưa ổn định như các nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh và một số nhà máy nhiệt điện khác. Ngoài ra, tình hình thiên tai, hạn hán kéo dài trong thời gian vừa qua cũng liên quan đến việc cung ứng điện cho sản xuất và phục vụ sinh hoạt. Với tư cách là thành viên Chính phủ và Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch điện 6, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, giá điện của Việt Nam hiện nay quy ra USD là 5,2 cent/kWh, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 8,5; Xingapo là 13,5; Malaixia là 7,6; Inđônêxia là 8 cent/kWh... Giá điện thấp làm cho việc huy động vốn kém hấp dẫn nhà đầu tư và các nhà thầu, kể cả một số nhà thầu nước ngoài cũng như ý thức tiết kiệm và trình độ công nghệ của ta khi sử dụng điện còn rất lạc hậu chính là những yếu tố tiêu cực khiến cho tình trạng thiếu điện càng trầm trọng hơn.
Thực hiện đồng bộ giải pháp
Để giải quyết tình trạng thiếu điện, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, trước hết phải tập trung tháo gỡ vướng mắc cho 35 công trình, dự án điện đang thi công. Trong những năm qua, do mặt bằng giá trên thế giới biến động khiến tất cả hợp đồng xây dựng và tổng thầu EPC trong nước cũng biến động theo, làm cho nhiều nhà thầu bỏ dự án. Vấn đề này phải đàm phán lại với nhà thầu, nếu không, các dự án này sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ, đặc biệt là những dự án ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Cẩm Phả, Sơn Động…
Bên cạnh đó, cần có cơ chế hấp dẫn để thu hút được đầu tư, khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời… để đáp ứng nhu cầu về sử dụng điện. Mặt khác nữa là tái cơ cấu ngành điện. Dự kiến cuối năm nay Chính phủ sẽ ban hành giải pháp và sang năm 2011 sẽ đưa ra thị trường cạnh tranh về phát điện. Muốn vậy, sẽ phải tách các nhà máy điện ra khỏi EVN, chỉ để lại một số nhà máy điện chiến lược, còn phần truyền tải, phân phối thì vẫn do EVN đảm nhiệm ở giai đoạn đầu.
Cùng với đó, phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường. “Chúng ta cũng đã mạnh dạn thực hiện cơ chế thị trường về giá xăng, dầu và đã bước đầu thành công, một số khó khăn vướng mắc chúng ta sẽ tiếp tục tháo gỡ để có cơ chế hoàn hảo hơn. Nếu chúng ta không thực hiện thị trường hóa về giá năng lượng thì không cách gì chúng ta có thể đủ năng lượng cho quốc gia, đặc biệt trong thời gian 50 năm, 100 năm nữa” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến giải pháp về huy động vốn cho EVN từ nay đến năm 2015 cũng như thực hiện tổng sơ đồ điện 7, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, “bản thân ngành điện bằng các nỗ lực, năng lực của mình, trước hết phải tự thu xếp các nguồn vốn”. Vừa qua ngành điện đã làm một bước như vậy. Tiếp cận với các nhà cho vay ở ngoài nước, các ngân hàng trong nước để thu xếp nguồn vốn cần thiết. Muốn có được nguồn vốn này thì bản thân ngành điện cũng phải có tích lũy. Nếu giải quyết cơ chế giá điện theo nguyên tắc thị trường sẽ góp phần làm cho tỷ suất lợi nhuận của ngành điện cao hơn và qua đó tích lũy của ngành điện khá hơn, từ đó có thể huy động thêm cho việc đầu tư của ngành điện.
Văn Xuyên