Theo báo cáo chính thức của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn tại mỏ đá Lèn Cờ làm chết 18 người và bị thương 6 người là do khai thác đá sai phương pháp; chủ yếu khai thác dưới chân núi, làm đứt chân núi đá, ảnh hưởng đến độ ổn định của khối đá vỉa lớn gây sạt lở hàng nghìn khối đá. Vụ Lèn Cờ khiến dư luận đặt vấn đề, nếu có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, những sai phạm trong kỹ thuật khai thác được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời liệu có xảy ra sự cố đáng tiếc trên. Tuy nhiên, việc kiểm sau cấp phép thiếu chặt chẽ đang là tình trạng thường thấy ở nhiều địa phương có hoạt động này, Hải Phòng không ngoại lệ.
Khai thác thủ công, bán thủ công
Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Tâm Phúc Thịnh trên núi Ba Đồng (núi Đao), thuộc thôn Bạch Đằng, xã Lưu Kỳ (Thủy Nguyên) được cấp phép hoạt động từ 29-1-2008 khai thác đá mỏ Núi Đao, trữ lượng 571,131 m3 trong thời hạn 5 năm, công suất 49.000m3/năm. Công ty mới đi vào hoạt động hơn 2 năm, nhưng xã phải giải quyết hàng chục đơn kiến nghị về việc công ty khai thác đá làm ảnh hưởng tới nhà cửa, ruộng lúa, hoa màu…của các hộ dân chung quanh. Đó là chưa kể lượng khói bụi ô nhiễm, tiếng ồn gây bức xúc cho cả thôn.
|
Những điểm mỏ khai thác tuân thủ kỹ thuật cắt tầng, phân lớp như Công ty Xi măng Chinh-phong không nhiều. |
Tình trạng này xuất phát từ công nghệ sản xuất lạc hậu, phần lớn công đoạn sản xuất vẫn sử dụng sức người là chính. Tại các khu vực mỏ khai thác đá ở các xã Lưu Kỳ, Lại Xuân, An Sơn cùng ở huyện Thủy Nguyên phương pháp khai thác bán thủ công, thủ công vẫn chiếm phổ biến. Tại đây, để khoan các lỗ mìn, công nhân vẫn sử dụng hệ thống khoan tay chạy bằng khí nén bóc theo vách núi một cách tùy tiện, không theo quy hoạch cụ thể nào. Trong khi đó, theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn lao động, nhà sản xuất phải khai thác theo kiểu "cắt tầng, phân lớp", nghĩa là phải làm từ trên đỉnh xuống dần đến chân núi. Nhưng thay vì khai thác từ trên cao xuống, họ khai thác từ dưới chân núi đá lên. Hình ảnh nhiều ngọn núi bị xẻ làm đôi, làm ba … dễ gặp ở các mỏ đá trên dãy núi thuộc xã Lại Xuân, An Sơn.
Cách khai thác này khiến người lao động đối diện với nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Thực tế nhiều năm qua trên địa bàn thành phố xảy ra những tai nạn lao động ở mỏ khai thác khoáng sản. Gần đây, vào cuối năm 2010, vụ sạt lở đá làm 4 người bị thiệt mạng ở xã Lại Xuân thuộc mỏ khai thác của Công ty Tân Hoàng An. Đánh giá thực trạng tình hình thực hiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, đất đai, tài nguyên, môi trường, cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên chỉ rõ: một số doanh nghiệp hoạt động chưa có thiết kế mỏ, không đăng ký thời gian xây dựng cơ bản mỏ, chưa có hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu; thiết bị công nghệ lạc hậu tác động xấu đến môi trường và lãng phí tài nguyên quốc gia.
Tăng cường trách nhiệm kiểm tra
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên Phạm Văn Thao, việc kiểm tra, giám sát sau cấp phép còn buông lỏng; sự phối hợp giữa các ngành với địa phương trong quản lý vấn đề này thiếu chặt chẽ. Tại những nơi có dự án khai thác mỏ, môi trường sống ô nhiễm, đường giao thông bị xuống cấp. Bởi tình trạng doanh nghiệp khai thác nhưng không đăng ký phục hồi môi trường, hạ tầng giao thông diễn ra phổ biến. Nhiều điểm mỏ khai thác khoáng sản triển khai nhưng chưa thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; hoặc có thu cũng thấp hơn nhiều so với khối lượng thực tế, vì để cho nhà thầu tự kê khai mà thiếu "hậu kiểm". Phó chủ tịch UBND xã Lại Xuân Chu Văn Hinh cho biết: Phần lớn công ty khai thác đá do thành phố cấp phép, xã chỉ có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trên địa bàn. Cuối năm 2010, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành 5 cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản ở xã An Sơn, tình trạng khai thác thổ phỉ, trái phép bước đầu hạn chế. Song những nỗ lực này là chưa đủ.
Tại cuộc làm việc của HĐND thành phố với Sở Tài nguyên-Môi trường về quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, Phó chủ tịch UBND thành phố Đỗ Trung Thoại nhấn mạnh: nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản nặng nề. Sở Tài nguyên-Môi trường cần tăng cường kiểm tra giám sát, rà soát, kiểm tra, đánh giá lại những dự án khai thác chế biến, thu hồi dự án khoáng sản không bảo đảm yêu cầu; xây dựng được tiêu chí doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Theo đó, các doanh nghiệp phải bảo đảm yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật khai thác, đội ngũ công nhân, kỹ sư. Qua đây cho thấy, để bảo đảm an toàn khai thác khoáng sản, vấn đề kiểm soát thiết kế, kỹ thuật khai thác khoáng sản cần đặc biệt chú trọng.
Nguyên Mai