"Thiếu lâm tự" Bình Định, tinh hoa võ Việt

Bình Định được biết đến là đất phát tích của phong trào Tây Sơn. Bình Định cũng là cái nôi của nền võ thuật cổ truyền Việt Nam, xứ sở của những hồi trống trận vang rền và vọng lại tới trăm năm, là nơi có các võ đường chứa linh hồn và tinh hoa của nền võ Việt.

Bình Định được biết đến là đất phát tích của phong trào Tây Sơn. Bình Định cũng là cái nôi của nền võ thuật cổ truyền Việt Nam, xứ sở của những hồi trống trận vang rền và vọng lại tới trăm năm, là nơi có các võ đường chứa linh hồn và tinh hoa của nền võ Việt.
Thăm “thiếu lâm tự” Bình Định
Từ TP.Quy Nhơn đi khoảng 30 phút chạy xe máy về hướng Tây của thành phố là đến quê hương của hậu tổ tuồng Đào Tấn, quê mẹ của Xuân Diệu và chính nơi đây có chùa Long Phước nằm tại xã Phước Thuận, Tuy Phước, Bình Định, ngôi chùa được mệnh danh là “thiếu lâm tự” ở Bình Định. Chùa khá rộng, khuất sau lũy tre ken dày. 
• Võ sư Lý Xuân Hỷ đang biểu diễn bài quyền “Miêu tẩy diện”.
• Võ sư Lý Xuân Hỷ đang biểu diễn bài quyền “Miêu tẩy diện”.
Sư Hạnh Hòa chù trì ngôi chùa kể lại rằng: “Chùa này có từ thời vua Lê Chiêu Tông, do nhà sư Hư Minh sáng lập và cũng là sư tổ của môn phái. Việc dạy võ ở chùa có từ thời ấy nhưng vì nhiều lý do đã mai một...”. Mãi đến những năm 70 của thế kỷ XX, sư Hạnh Hòa dốc lòng khôi phục lại việc dạy võ trong chùa, dựa theo một số võ thư do đời trước để lại. Hơn 30 năm qua, tại mảnh vườn hơn 1ha của chùa ngày đêm nghe âm vang tiếng binh khí, hòa lẫn tiếng nô đùa hồn nhiên của các nam nữ võ sinh luyện tập các môn võ nghệ cổ xưa, những môn võ cổ truyền độc đáo như là: Thảo, bộ, quyền, roi; cùng một số binh khí như thương, đao, kiếm; với các bài công đấu: Roi đấu với roi, thương đấu với kiếm, các bài tam đấu: Xa thương kiếm pháp, đặng vân sát kiếm, các bài thi đấu: Xa thương kiếm pháp, đặng vân sát kiếm... Nguồn mạch của miền đất Võ truyền lưu từ đời này sang đời khác như thế đó.
Hầu chuyện lão võ sư Phan Thọ
Căn nhà của võ sư Phan Thọ nằm sâu trong một nhỏ ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, không xa dòng sông Côn hiền lành. Đường đất, lối vào quanh co nhỏ hẹp. Ngôi nhà cấp 4 có phần xưa cũ. Đón tôi là một ông lão ngoại bát thập với vẻ mặt phúc hậu. Võ đường là một mảnh sân nằm khiêm tốn dưới những bóng cây. Cái sân tập đầy những bao cát, roi tre... nhưng ít gợi cho tôi cái gì đó liên quan đến võ thuật. Từ nụ cười hiền của lão võ sư đến không gian đơn sơ của sân tập võ khiến tôi có cảm giác ông không khác gì một lão nông bình thường. 
Cảnh nhà của võ sư chẳng khác gì những người dân xung quanh. Nghề dạy võ không đủ nuôi sống ông và gia đình. Và dù nổi danh trong giới võ thuật nhưng không chỉ ông mà cả con cháu, từ mái nhà của ông đều toát lên sự khiêm nhường. Ông vui vẻ hồn hậu, ông nghèo nhưng người ta chưa từng nghe ông than vãn một lời.
Tôi biết mình sẽ không viết thêm gì về nghiệp võ, về những ước vọng của lão võ sư. Các đồng nghiệp của tôi đã viết rất nhiều, rất hay, tôi có viết thêm cũng không ngoài những việc ấy, chuyện ấy. Nhưng tôi vẫn muốn ghé thăm ông, như để hiểu thêm về đất và người Tây Sơn, để từ ông rọi một cái nhìn vào lịch sử. 
Năm nay nữa là lão võ sư bước qua tuổi 80 nhưng mấy năm trước ông vẫn cùng vợ “cõng” trên vai tới vài sào ruộng. Ông cười hiền lành: “Tôi muốn ban ngày cùng bà ấy ra đồng làm ruộng, tối về luyện võ trong sân nhà”. Còn bây giờ, khi ông đã không còn khỏe nữa, ngày mùa, học trò ông, mỗi đứa góp một công, cứ lẳng lặng mà làm, tự chia nhau mà làm, tự biết việc mà làm. Ông không phải dạy việc. Mọi chuyện cứ như ấy là tự nhiên nó phải thế. Phần ông, những lúc không luyện võ, ông chăm mấy con gà cho bà.
Ông say sưa kể về những học trò của mình. Tôi thầm nghĩ, thầy như thế, trò như thế, tình nghĩa như cha con thế, thầy không khoe trò mới là chuyện lạ. Nghĩ đến đó bỗng nhiên đầu óc tôi như bừng lên một chân lý mà những bậc võ thuật thường bảo: “ Học võ là học làm người” ở đây chứ còn ở đâu?
Cái đạo của “Miêu quyền”
Thăm tinh hoa võ cổ truyền Bình Định sẽ thật sự là thiếu sót nếu không đến thăm Võ đường Lý Xuân Hỷ tại thôn Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn. Cảnh nhà của võ sư cũng không khá hơn gì so với cảnh nhà lão võ sư Phan Thọ.  
Các võ sinh đang tập luyện tại một võ đường, sân tập là những bãi đất nằm dưới những tán tre.
Các võ sinh đang tập luyện tại một võ đường, sân tập là những bãi đất nằm dưới những tán tre.
Câu chuyện trong dòng họ kể lại rằng: Một buổi sáng, ông tổ của ông vô tình nhìn thấy một con mèo nhảy từ cửa sổ xuống đất với sự uyển chuyển, nhẹ nhàng lạ lùng. Từ đó, hàng ngày ông tổ bắt đầu quan sát con mèo từ khi nó mới ngủ dậy. Lúc đó, con mèo đưa hai chân lên mặt vuốt râu, xoa mặt cho tỉnh táo rồi nhẹ nhàng nhảy xuống đất. Sau nhiều lần quan sát như vậy, ông tổ đã sáng tạo ra bài “Thảo miêu tẩy diện” với những đường thảo mô phỏng theo các động tác mà con mèo rửa mặt.
Qua nhiều thế hệ sáng tạo, hoàn chỉnh, bài “Thảo miêu tẩy diện” có hơn 20 động tác chuyển tải lý thuyết ẩn tàng, di chuyển hết sức nhẹ nhàng, không gây tiếng động, song lại là những thế đánh hết sức nguy hiểm đối với đối phương khi bị tấn công.
Ông Hỷ chia sẻ: “Học bài quyền này phải biết lúc nào thì sử dụng trảo như hổ, lúc nào thì dùng ngón điểm chỉ vào tử huyệt đối phương. Chính phong thái nhẹ nhàng làm nên đặc trưng tấn trụ linh hoạt cho người tập luyện”.
Khi được hỏi, trong các thế võ thì thế nào là nguy hiểm nhất? Ông không khoe khoang mà nói rằng: “Khi thi đấu đối kháng, không có thế võ nào thắng thế võ nào. Phải làm thế nào để đánh đối phương mà đối phương không tránh kịp. Đó chính là nhờ vào sự lanh lẹ của thân pháp, dùng trí thắng lực”. Có lẽ, điều ông nói đã được minh chứng trong bài “Thảo miêu tẩy diện”, một tuyệt kỹ gắn liền với võ đường và tên tuổi của dòng họ Lý.
Trong một cuộc liên hoan võ quốc tế, ông Chủ tịch hội Võ thuật phương Đông, người Nga, có hỏi rằng: “Ở nước bạn có phương pháp nào để nhiều người cùng học võ?”. Ông trả lời: “Võ gia ngũ luyện pháp”. Ngũ luyện pháp là: Phong dạ đăng sơn/Hắc dạ đả quyền/Nguyệt dạ luyện kiếm/Vũ dạ cán binh/Trí dạ tọa tĩnh (Buổi tối trời gió lên núi/Đêm tối đánh quyền/Trăng sáng luyện kiếm/Đêm mưa đọc kinh/Dùng trí ngồi luyện thiền). Nghe tới đây, ông chủ tịch nọ gật đầu tâm đắc.
Chiều rơi thật nhanh. Trước khi khách chào ra về, ông còn khề khà khoe rằng: “Trước đây tôi từng làm Phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Bình Định đấy, nhưng nghĩ đi nghĩ lại làm võ sư vườn vẫn khoái hơn”. Gọi ông là “võ sư vườn” cũng cũng không sai bởi ông cứ lặng thầm góp vào nền võ học của Bình Định với võ đường là mảnh sân nhỏ ban ngày dùng phơi rơm phơi rạ, tối đến để dạy học trò. Biết bao nhiêu thế hệ võ sinh đã trưởng thành từ mảnh sân đó. Ông cứ lặng lẽ sống và chưa hề coi võ như một cuộc mưu sinh. Với ông võ là nghiệp, đủ sức mê hoặc ông suốt cả cuộc đời.
Ở Bình Định sẽ còn rất nhiều, rất nhiều những võ đường hoang sơ như thế. Đất Bình Định là vậy, người Bình Định cũng là vậy, cảm giác ấm áp, tin cậy, hồn hậu sẽ làm cho bất cứ ai đến thăm cũng tìm thấy sự bình yên nơi chứa đựng tinh hoa võ Việt...
 Uyên Thu

Đọc thêm