|
Nghề giúp việc gia đình tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận người lao động |
Người cần việc, việc cần người
Chị Vũ Thị Lan Hương, nhà ở phường Quang Trung (quận Hồng Bàng) chồng đi làm xa, hai con nhỏ. Hơn một năm trước, bố chồng chị gần 80 tuổi bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường, mẹ chồng lại đau yếu luôn. Chị Hương dù cố gắng hết sức cũng không thể lo trọn vẹn cho bố mẹ chồng vì công việc của chị trong đơn vị lực lượng vũ trang phải trực theo ca kíp. Đắn đo mãi, cuối cùng, chị thuê người giúp việc chăm sóc ông bà. Chị Lê Thị Thắm, phường Đông Khê (quận Ngô Quyền) mới sinh con, ông bà nội, ngoại ở xa không giúp được, chồng lại bận việc của công ty, thông qua người bà con, chị tìm được một người giúp việc. Công việc của người giúp việc là hằng ngày đi chợ, nấu ăn và giặt giũ. Thiếu người làm việc nhà, trông coi cửa hàng anh Phùng Văn Hưng, chủ cửa hàng kinh doanh ở phố Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài (quận Lê Chân) cũng phải thuê người giúp việc.
Chị Vũ Thị Ly, xã Nhân Hòa (Vĩnh Bảo) độc thân, ngoài hơn sào ruộng chăm sóc theo mùa vụ, ở nhà chị nuôi thêm con lợn, đàn gà. Nghe lời khuyên của một người bà con ở nội thành, chị Ly đi giúp việc cho một gia đình tại quận Lê Chân. Tương tự như chị Ly, bà Nguyễn Thị Chan, ở xã Trường Thọ (An Lão) gần 60 tuổi, đi giúp việc cho một gia đình tại quận Hải An được gần 3 năm.
Hiện nhiều gia đình ở thành phố bận làm kinh tế, hoặc điều kiện công việc bắt buộc và có "của ăn của để" có xu hướng thuê người giúp việc cho gia đình. Vì thế khoảng 5 năm gần đây, giúp việc gia đình là một nghề dễ kiếm việc, có thu nhập trung bình. Một bộ phận người dân (chủ yếu ở nông thôn) không có việc làm, hoặc hết tuổi lao động nhưng còn sức khỏe cũng đi giúp việc cho các gia đình ở nội thành. Xét một cách khách quan, nghề giúp việc gia đình tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận người lao động, giải quyết nhu cầu thiếu người làm của không ít gia đình.
Thiếu sự ràng buộc, cả chủ nhà và người giúp việc đều thiệt
Phần lớn lao động giúp việc gia đình là nữ, ở nhiều độ tuổi. Với gia đình cần chăm sóc trẻ nhỏ, người trung tuổi là phù hợp, gia đình kinh doanh cần thanh niên "mạnh chân, khỏe tay", chăm sóc người già thì cần sự khéo léo, kiên nhẫn. Hầu hết gia đình thuê người giúp việc hiện nay tự tìm người thông qua sự giới thiệu của người thân, bà con ở quê. Còn người đi giúp việc gia đình cũng theo phương thức người nọ "rỉ tai" người kia, giới thiệu bắc cầu.
Đặc điểm chung của lao động giúp việc gia đình là không được đào tạo cơ bản về nghề. Do đó, hầu hết gia đình khi thuê được người giúp việc phải tự đào tạo. Đơn giản nhất là hướng dẫn sử dụng các thiết bị đồ dùng gia dụng hằng ngày như bếp ga, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, đi chợ, cách nấu các món ăn theo khẩu vị của gia đình. Còn người giúp việc ở lâu, làm nhiều cũng quen việc dù sử dụng không thành thạo và có khi còn làm hỏng vật dụng của gia chủ.
Người thuê và lao động giúp việc gia đình hầu như không ký kết hợp đồng bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận miệng với nhau. Điều này dẫn đến không có sự ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm cũng như quyền lợi khiến quan hệ của chủ nhà và người giúp việc khá lỏng lẻo. Trung bình hiện nay, người giúp việc được trả công 1,3-2 triệu đồng/tháng, tùy theo công việc (chăm sóc trẻ nhỏ, người già hay nấu nướng, giặt giũ). Tâm lý của người thuê lao động giúp việc là thấy hợp tính, hợp hoàn cảnh là được. Do vậy nếu không hài lòng, chủ nhà có thể tùy tiện cắt giảm lương, hoặc đuổi việc lao động bất cứ lúc nào nếu không hài lòng. Có trường hợp, người giúp việc bị chủ nhà xúc phạm về nhân phẩn, danh dự hoặc lạm dụng. Về phía người giúp việc cũng sẵn sàng bỏ việc nếu tìm thấy chỗ khác trả lương cao hơn hoặc tùy tiện xin nghỉ gây khó cho chủ nhà. Như trường hợp nhà chị Hương, cứ được 5-6 tháng, người giúp việc lại xin nghỉ vì "không chịu nổi hai người già lẩm cẩm", mỗi lần thay người giúp việc mới là một lần tăng lương, vậy mà lúc nào chị Hương cũng lo người giúp việc xin...nghỉ. Trường hợp chị Thắm "không thể chấp nhận" người giúp việc trông trẻ một tháng nghỉ đến 7-8 ngày về quê cúng giỗ, cưới xin, có khi nghỉ luôn nửa tháng để cấy cày vì "đang vào mùa vụ"!. Còn anh Hưng sau lần bị người giúp việc cuỗm hơn 20 triệu đồng tiền hàng trốn biệt về quê, anh không dám thuê người giúp việc nữa.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo nghị định về quản lý lao động giúp việc gia đình (dự kiến xong trong tháng 12). Hy vọng, Nghị định sẽ giúp tạo hành lang pháp lý đối với nghề giúp việc gia đình, một nghề đang có nhu cầu lớn trong xã hội, cần được đào tạo, chuyên nghiệp hóa để người lao động có việc làm ổn định và yên tâm gắn bó lâu dài. |
Phương Anh