Thiếu vitamin K, bé sơ sinh 22 ngày tuổi chảy máu não

(PLVN) - Theo lời kể của bố mẹ, 1 ngày trước khi vào viện trẻ có biểu hiện quấy khóc từng cơn, mệt dần, da xanh nhợt tăng lên và bú kém.
BS. Nguyễn Văn Nhiên - Khoa Sơ sinh đang thăm khám cho bệnh nhi (ảnh: BVCC)
BS. Nguyễn Văn Nhiên - Khoa Sơ sinh đang thăm khám cho bệnh nhi (ảnh: BVCC)

Mới đây, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cho biết ngày 19/1 đơn vị vừa tiếp nhận một bệnh nhi nam, 22 ngày tuổi, nặng 3kg vào viện trong tình trạng lơ mơ, bỏ bú, da vàng nhợt, thóp trước căng phồng.

Ngay khi nhập viện, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp sốc, thiếu máu nặng, nghi ngờ có chảy máu não. Bệnh nhân được an thần, đặt ống nội khí quản thở máy kiểm soát hô hấp, truyền thuốc cấp cứu.

Theo đó, các bác sĩ vừa hồi sức, vừa siêu âm cấp cứu tại giường, chẩn đoán hình ảnh xuất huyết não nặng. Bệnh nhân được truyền hai đơn vị khối hồng cầu, một đơn vị huyết tương tươi đông lạnh để bù lại lượng máu đã mất và trợ giúp quá trình đông cầm máu của cơ thể, đồng thời điều trị tích cực tình trạng tăng áp lực nội sọ.

Sau 06 giờ cấp cứu liên tục, tình trạng thiếu máu và rối loạn đông máu của bệnh nhi đã ổn định hơn, các chức năng sống đang được kiểm soát tốt. Bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy kịch sau 03 ngày hồi sức tích cực. Hiện tại, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung Ương để điều trị tiếp.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nhiên, Khoa Sơ sinh Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, người trực tiếp tham gia cấp cứu và điều trị bệnh nhi cho biết xuất huyết não là tình trạng mạch máu não bị vỡ, rò rỉ gây chảy máu não và màng não.

Có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết não ở trẻ như chấn thương sọ não do tai nạn sinh hoạt, các bệnh lý huyết học gây rối loạn đông máu khác... Trong đó, rối loạn đông máu do thiếu vitamin K là nguyên nhân chính.

Bác sĩ Nhiên cho biết bệnh xuất huyết não, màng não do thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ hoàn toàn có thể dự phòng được. Các bà mẹ ngay từ trong thời kỳ còn mang thai nên chú ý tới việc bổ sung qua các loại thực phẩm như rau xanh, ngũ cốc, sữa, trứng gà, đậu phụ, thịt lợn nạc, thịt bò... và tiêm vitamin K 5mg cho mẹ vào hai tuần cuối trước sinh. Sau khi sinh, nên cung cấp vitamin K cho trẻ bằng cách tiêm vitamin K1 và K3.

Ngay khi trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng hoặc bất thường, gia đình nên đưa đến trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Đọc thêm