Số lượng thịt lợn nhập khẩu 5 tháng đầu năm tăng tới 20% khi người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn, thay vì thịt lợn trong nước đang bị dịch tai xanh nhòm ngó. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết, ước tính tổng sản lượng thịt "ngoại" nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay khoảng trên 50.000 tấn, trong đó chủ yếu là các sản phẩm và phụ phẩm thịt lợn đông lạnh (chiếm 95%), như tai, thịt xay, thịt băm... Thịt nhập khẩu chủ yếu tại châu Âu như Bỉ, Đan Mạch... (85%), HongKong (13%), Mỹ (1%)... và Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt, xu hướng này ngày càng gia tăng khi dịch tai xanh bùng phát ở đàn lợn trong nước. Để hạn chế thịt "ngoại" nhập vào Việt Nam với số lượng lớn, đe dọa sản xuất trong nước, Bộ Tài chính trước đó đã nâng thuế nhập khẩu các loại thịt đông lạnh. Ông Sơn nói rằng, tới đây Việt Nam sẽ áp dụng các hàng rào kỹ thuật đối với các lô hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, để siết chặt chất lượng vệ sinh an toàn.
Người tiêu dùng mua thịt lợn nhập khẩu nhiều hơn sau khi lợn trong nước mắc bệnh tai xanh (ảnh khuyennong.vn) |
Việc nhập khẩu thịt gia tăng là để đáp ứng nhu cầu trong nước do đàn lợn bị nhiễm dịch tai xanh. Thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay, tổng số lợn mắc bệnh là gần 135.000 con, trong đó có hơn 60.000 con đã bị chết và tiêu huỷ. Chính vì vậy, mục tiêu đưa tổng đàn lợn dự kiến năm nay tăng 10% so với năm ngoái sẽ khó đạt khi mức tăng trưởng 5 tháng qua mới là 3%. Đáng lo ngại, thịt lợn hơi đã giảm giá đáng kể khiến người nuôi lao đao, nhiều cơ sở chăn nuôi có nguy cơ phá sản. Giá lợn nuôi tại hộ gia đình giảm tới 6.000-8.000 đồng/kg, còn 17.000-18.000 đồng/kg (khoảng 24%), nuôi tại trang trại cũng giảm còn 24.000 - 26.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do sức mua tại các chợ ở thành phố trong thời gian có dịch giảm tới 30-40%. Trong khi đó, giá thịt lợn bán đến tay người tiêu dùng giảm không đáng kể chứng tỏ tư thương đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, ép giá với bà con nông dân. Tại cuộc họp về tình hình chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn của Bộ NN&PTNT chiều 27/5, một lần nữa các chuyên gia thú y, nông nghiệp khẳng định virus tai xanh ở lợn không lây bệnh cho người. Liên cầu khuẩn là bệnh trên lợn, nhưng cũng chỉ rải rác xuất hiện, chưa bao giờ có dịch. Nó cũng có thể lây bệnh cho người nhưng không dính dáng gì đến dịch tai xanh. Do vậy, quan trọng nhất là người tiêu dùng nên từ bỏ thói quen ăn thịt lợn tái, còn sống hay ăn tiết canh lợn. Kể cả khi người tiêu dùng không may mua phải thịt lợn bệnh thì khi nấu chín kỹ, các vi khuẩn cũng chết dưới nhiệt độ cao.
Theo Hà Yên
VietNamNet
VietNamNet