Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa (1983). Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (1971-1973),  Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam (1981-1983 – tập thơ “Bài thơ không năm tháng”). Giải A thơ (1999) của Ủy ban toàn quốc các hội LH VHNT Việt Nam – cho tập thơ “Đề tặng một giấc mơ”, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Mô tả ảnh.

Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949 tại Quảng Bình. Tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa (1983). Giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (1971-1973),  Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam (1981-1983 – tập thơ “Bài thơ không năm tháng”). Giải A thơ (1999) của Ủy ban toàn quốc các hội LH VHNT Việt Nam – cho tập thơ “Đề tặng một giấc mơ”, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Năm 1973, bài thơ Khoảng trời – hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ như một ánh phản chiếu hiện thực chiến tranh, thông qua tâm hồn một người trẻ tuổi. Từ đó, thơ trở thành nỗi - không - rời, với bao ngọt ngào cay đắng. Dù ở thể loại thơ nào, những yếu tố làm nên giọng thơ riêng ấy, vẫn là trái tim biết sống và yêu thương. Trái tim ấy, dưới góc nhìn thẩm mỹ học và đạo đức học, chính là thái độ sống của nhà thơ. Xa hơn, là của Con Người.

Nguyễn Đông Nhật chọn và giới thiệu

Về bức tranh

“Giấc ngủ người du mục”
của Henri Rousseau
Đêm kỳ diệu
Sa mạc trăng huyền ảo
Người đàn bà gối đầu lên cát
Cây đàn, bầu rượu thơ ngây
Nàng ngủ hay mơ màng ai hay?
Đêm sa mạc
Con sư tử cúi nhìn
Chạm mái tóc nàng
Ánh mắt như say
Sư tử hôn nàng hay nuốt chửng ai hay?
Phải sư tử kia là biểu tượng thời gian
Với cái ác đồng hành cùng một phía?
Đêm sa mạc trắng
Người đàn bà đen
Cây đàn, bầu rượu
Đầy trăng
Nghệ thuật trần trụi thách đố?
Hôn lên nàng hay ăn thịt nàng đây
Sư tử nghĩ gì ai hay?
Nhưng tôi hiểu, Henri ơi, tôi hiểu
Cái ác và thời gian sẽ khuất phục cúi đầu
Trước vẻ đẹp tinh ròng, thuần khiết
Đêm sa mạc dịu dàng
Người đàn bà thanh thản ngủ
Cây đàn trăng
Bầu rượu trăng
Con sư tử cúi nhìn…

Người đàn bà

mặc áo choàng đen
Người đàn bà đi ra đường
Gió mùa xuân choàng qua vai thiếu phụ
Người đàn bà nói một câu rất nhỏ
Chỉ để mình nghe
Chỉ để gió nghe…
Tưởng như chẳng có gì hối tiếc
Hoa cỏ vô tư nở dưới chân mình
Tưởng như chẳng có gì khó nhọc
Từng bước nàng lướt nhẹ thinh không
Sao không mặc áo hồng, áo tím
Nàng choàng chi màu đêm
Bộ áo đen như chiếc quan tài
Khâm liệm bao lỗi lầm vương vãi
Chẳng thể chôn những ảnh hình tan hiện
Dẫu cho nàng đã cố tình chôn
Trái tim đau là phần đất, có thể
Chiếc quan tài kia đặt xuống nặng nề
Nhưng nàng ơi, cuộc đời không phải thế
Mình tự chôn mình
Ngu ngốc làm sao
Hãy ngước nhìn trời cao sẽ thấy
Xuân còn đầy run rẩy, nôn nao…

Dalida

Tôi muốn hát về người đàn bà
Dalida - người đàn bà hát
Hát tận đáy nỗi đam mê xoáy lốc
Hát tận cùng cuồng nhiệt khổ đau
Dalida
Đôi mắt thẳm xa Ai Cập cổ
Bóng tối rực sáng trong ánh ngày
Huyền bí nụ cười ma thuật
Đỉnh cao - vực sâu - không giới hạn
Giọng hát người - tên - nhọn bắn vào tôi!
Mũi tên ngọt ngào
Mũi tên đau nhói
Trái tim tôi thương tích khắp mình
Những vết - thương - màu - xanh êm buốt!
Nàng đơn độc giữa muôn loài hoa đẹp
Cánh mỏng manh hé mở cửa thiên đường … (1)
Dalida
“Tôi không thể chịu đựng hơn được nữa” (2)
Người bắn mũi tên nhận lại mũi tên mình!
Nàng gục xuống giọng hát mình sâu xoáy…

(1): Dalida tự sát trong một căn phòng đầy hoa.
(2): Câu nói cuối cùng của nàng trước khi chết.

Những tứ thơ quên lãng

Tôi đã ném những câu thơ qua cửa sổ
Không ghi lại trên trang giấy
Không ghi lại trong trí nhớ
Không ghi lại trong trái tim
Tôi đã ném những câu thơ qua cửa sổ
Như ném vào tận đáy cuộc đời
Sự quên lãng chính mình
Như ném đi phần tuổi trẻ mộng mơ
Chẳng có ai phía bên đời nhặt lại
Ai tiếc nuối chi
Ai đánh thức?
Những tứ thơ yên nghỉ tới vô cùng
Rồi cỏ sẽ xanh trên tên tuổi chúng ta
Dòng sông sương mù trôi mãi
Những tứ thơ không bao giờ trở lại
Tôi ném đi rồi qua cửa sổ đời tôi.

Nhỏ bé tựa búp bê

Làm sao anh đủ sâu
Cho em soi hết bóng
Làm sao anh đủ rộng
Che mát cho đời em
Làm sao anh đủ cao
Để thấy em cho hết…
Cuộc đời bao nhọc mệt
Cuộc đời bao dịu êm
Người đàn bà bước lên
Người đàn bà lùi lại
Này tôi ơi, có phải
Làm một người đàn bà
Người ta phải nhỏ bé
Nhỏ bé tựa búp bê
Mới dễ dàng hạnh phúc?
                                   1995
           

Đọc thêm