Luật chưa cho phép
Vợ chồng anh Quân, chị Phương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) lấy nhau đã được 8 năm nhưng chưa có con. Sau nhiều năm chữa trị khắp các bệnh viện phụ sản trong Nam, ngoài Bắc, các bác sỹ chỉ định chị Phương phải thụ tinh nhân tạo. Nhưng hy vọng cứ nhen lên lại tắt khi cơ thể chị không thích nghi nên không lần nào giữ được thai quá 3 tháng.
Nhiều lần chị bàn với anh hay là xin một đứa con nuôi nhưng anh cứ lấn cấn vì vẫn muốn có một đứa con mang dòng máu gia đình. Anh bàn với vợ nhờ người mang thai hộ nhưng anh chị hoang mang không biết phải bắt đầu từ đâu vì pháp luật chưa cho phép.
Những cảnh ngộ như chị Phương, anh Quân không phải là hiếm. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 chưa có quy định cụ thể về mang thai hộ. Nghị định số 12/2003/NĐ-CP ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học có quy định: “Nhà nước nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ và sinh sản vô tính. Trẻ ra đời do thực hiện hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân và họ là cha, mẹ đối với đứa trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản”.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc nghiêm cấm hành vi mang thai hộ nhằm tránh những tiêu cực đã và đang xảy ra như mang thai hộ nhằm mua bán trẻ sơ sinh bất hợp pháp, mang thai hộ nhằm lách luật để sinh con thứ ba...
Song, việc nghiêm cấm này lại hạn chế mong muốn chính đáng của rất nhiều gia đình hiếm muộn, vô sinh. Có không ít trường hợp chị gái hiếm muộn, em gái muốn mang thai hộ chị, được cả gia đình nhất trí, ủng hộ nhưng pháp luật lại nghiêm cấm...
Mang thai hộ được hiểu là dùng biện pháp kỹ thuật lấy trứng của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một phụ nữ khác để nhờ người này mang thai hộ. Như vậy, việc nghiêm cấm mang thai hộ đã gián tiếp ảnh hưởng đến nguyện vọng chính đáng của công dân trong trường hợp mong muốn có đứa con mang đúng huyết thống của mình.
Quy định chặt để tránh bị lợi dụng
Trong Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) bản mới nhất, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: “Đa số ý kiến đồng tình quy định vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong Luật nhưng đề nghị quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về điều kiện, nội dung của thỏa thuận để tránh lợi dụng thương mại hóa, đảm bảo quyền lợi các bên, đặc biệt là trẻ em và xử lý tốt các tranh chấp phát sinh”.
Theo đó, để quy định chặt chẽ, tránh việc lợi dụng thương mại hóa và bảo vệ quyền lợi của các bên, nhiều quy định của Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa so với bản trình ra Kỳ họp Quốc hội thứ 6 hồi tháng 11/2013 vừa qua.
Trong đó, Điều 95 của Dự luật quy định rõ: “Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là tự nguyện và phải được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người phụ nữ khác mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; b) Vợ chồng không có con chung; c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý”.
Dự luật cũng quy định người được nhờ mang thai hộ cũng phải có đủ các điều kiện như: Là người thân thích của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con, chưa mang thai hộ lần nào và chỉ được mang thai hộ một lần; có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có thỏa thuận bằng văn bản của người chồng về việc đồng ý cho vợ mình thực hiện việc mang thai hộ; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Bên cạnh đó, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Đặc biệt, Điều 94 Dự thảo Luật quy định rõ: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ, kể từ thời điểm con được sinh ra”. Đây được đánh giá là những quy định rất tiến bộ, tháo gỡ được bế tắc cho rất nhiều gia đình.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh:
“Nếu Luật không điều chỉnh, sự thiệt thòi sẽ rơi vào cả 2 bên”
“Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều cặp vợ chồng không thể có con một cách tự nhiên và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình. Hiện nay, do tiến bộ của khoa học, mang thai hộ là thực tế đã và đang diễn ra; bởi vậy, cần phải có quy định của pháp luật để điều chỉnh cho mọi việc diễn ra một cách quy củ, công bằng. Ai cũng thừa nhận cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là rất đáng quý, bởi khi thực tế đã diễn ra mà không có quy định của pháp luật điều chỉnh thì sẽ phát sinh nhiều tranh chấp và sự thiệt thòi rơi vào cả hai bên”.