Tuy nhiên, điều kiện kèm theo việc bán trọn lô hơn 97% vốn nhà nước tại Vinamotor lại gây quan ngại cho lợi ích nhà nước và cả Vinamotor…
Từ hàng “ế” trở thành món hấp dẫn
Như Báo PLVN đã phản ánh, việc cổ phần hóa Vinamotor đã được thực hiện cách đây một năm. Nhưng vào đợt chào bán cổ phần rộng rãi ra công chúng (IPO) hồi tháng 3/2014, Vinamotor chỉ bán được gần 3% cổ phần mà người mua chủ yếu là người lao động và tổ chức công đoàn. Với số cổ phần đã bán trong đợt chào bán đầu tiên thì có thể đánh giá đây là một bước đi không thành công của việc cổ phần hóa Vinamotor.
Lý do thì nhiều, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là việc Nhà nước chỉ bán một nửa vốn tại TCty này nên các nhà đầu tư lớn thấy không hấp dẫn vì dù có sở hữu 50% vốn thì quyền tự quyết định của nhà đầu đối với số phận của Vinamotor vẫn không đạt được.
Trong lúc Nhà nước chưa có phương án gì đối với việc thoái vốn tại Vinamotor thì khoảng tháng 10/2014, Công ty Cổ phần Ô tô TMT đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép TMT mua lại toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamotor. Bộ GTVT đã trình Thủ tướng xin được thoái vốn toàn bộ tại Vinamotor theo đúng Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, Vinamotor là doanh nghiệp mà Nhà nước không tiếp tục nắm giữ vốn đầu tư. Ngày 31/12/2014, Thủ tướng đã đồng ý cho Bộ GTVT thoái hết vốn nhà nước tại Vinamotor.
Mặc dù tình hình thị trường tài chính đầu năm 2015 không khác nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng sự quan tâm đối với cổ phần của Vinamotor đã khác hẳn với thời điểm IPO lần đầu. Rất nhiều nhà đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT được mua lại toàn bộ vốn nhà nước tại Vinamotor.
Theo Luật sư Hoàng Đạo, Đoàn Luật sư Hà Nội, quyết định thoái toàn bộ vốn nhà nước chính là nguyên nhân tạo nên “cú hích” này. Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư đề nghị được mua toàn bộ vốn nhà nước (hơn 855 tỷ đồng) cũng đã nói lên điều này.
Phương án thoái vốn và nguy cơ “lợi ích nhóm”
Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, người đại diện phần vốn nhà nước và HĐQT Vinamotor phải hoàn thành phương án thoái vốn nhà nước tại TCty này trước ngày 15/3/2015. Được biết, phương án thoái vốn này đã được trình lên Bộ GTVT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ GTVT thì ngày 11/3/2015, Vinamotor đã trình phương án thoái vốn, trong đó phương thức thoái vốn theo hình thức trọn lô có điều kiện. Và “điều kiện” được nêu trong phương án thoái vốn của Vinamotor là: Thứ nhất, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư lớn hơn mệnh giá cổ phần chào bán (855 tỷ đồng); thứ hai, nhà đầu tư cam kết không chuyển nhượng trong thời gian 5 năm.
Phương án này đã gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư muốn mua trọn gói và cả các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán. Vì với việc đưa ra điều kiện vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư lớn hơn mệnh giá cổ phần thì nhiều doanh nghiệp đương nhiên bị loại.
Đối với Cty TMT, quyết tâm tham gia mua cổ phần nhà nước tại Vinamotor đã thể hiện rất rõ bằng việc Đại hội đồng cổ đông của Cty này đã thông qua nghị quyết về phát hành trái phiếu để huy động bổ sung 1.500 tỷ đồng phục vụ cho thương vụ trên. Nhưng, với điều kiện nêu trên thì Cty sẽ bị loại theo một cách khó chấp nhận.
Trước đó, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) khẳng định với PLVN rằng, phương án thoái vốn sẽ được thẩm định thận trọng trên nguyên tắc Nhà nước thoái vốn là để huy động nguồn lực xã hội cho việc phát triển TCty chứ không thuần túy chỉ là rút vốn. Nhưng với điều kiện mới đưa ra trong phương án thoái vốn nhà nước tại
Vinamotor thì vấn đề phát triển đối với Vinamotor sau khi Nhà nước thoái vốn không còn là ưu tiên hàng đầu nữa, mà đơn giản là ưu tiên cho nhà đầu tư có số vốn lớn thể hiện trên đăng ký kinh doanh.
Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật FANCI đánh giá, điều kiện trên dường như muốn nhắm đến việc loại bỏ một số nhà đầu tư đang muốn cạnh tranh mua cổ phần của Nhà nước tại
Vinamotor, loại bỏ sự cạnh tranh và đấu giá trong mua bán cổ phần. Như vậy không khác gì Nhà nước tự bỏ đi lợi thế của bên bán. Theo quy định tại Nghị định 71/2013/NĐ-CP, nếu có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cổ phần của Vinamotor, việc thoái vốn phải được thực hiện thông qua bán đấu giá công khai trên sàn giao dịch chứng khoán để được giá cao nhất.
Việc “chọn lọc” nhà đầu tư theo vốn điều lệ vốn không có căn cứ pháp lý gì do việc sản xuất, lắp ráp ô tô không phải là ngành nghề kinh doanh bắt buộc phải có vốn điều lệ. Với điều kiện này, Nhà nước tự làm mất lợi thế và có thể “gây hại” cho chính mình.
Đồng tình với đánh giá trên, Luật sư Hoàng Đạo cho rằng, nếu cần có điều kiện thì phải tính đến các điều kiện đặc thù về công nghệ, kỹ thuật thị trường và khả năng phát triển ngành công nghiệp ô tô chứ không phải là vấn đề vốn của chủ sở hữu lớn hay nhỏ. Hơn nữa, khi bán cổ phần, Nhà nước phải quan tâm đến “giá bán” chứ không cần quan tâm chủ đầu tư có vốn điều lệ là bao nhiêu. Bên mua có thể mua bằng tiền vay từ các tổ chức tín dụng để thanh toán cho bên bán chứ không nhất thiết phải mua bằng “tiền túi”.
Do đó, việc đặt ra điều kiện về vốn của chủ sở hữu là không phù hợp. Thậm chí, phương án này dễ phát sinh vấn đề “lợi ích nhóm” khi ưu ái cho nhà đầu tư có đăng ký vốn lớn, loại bỏ các nhà đầu tư khác bằng điều kiện không thỏa đáng, làm mất đi tính cạnh tranh và “đấu giá” trong việc chuyển nhượng cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp.