Thoáng buồn trong ngày hội vui

Cách chơi hội của người quan họ vùng Lim cũng là cách chơi độc đáo, mỗi cử chỉ giao tiếp đã mang trong nó một sắc thái văn hóa cao. Nhưng ở góc độ khác, hội Lim ngày nay đang tồn tại những hình ảnh gây phản cảm và làm buồn lòng những du khách trảy hội để tâm đến văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Là một lễ hội truyền thống từ bao đời nay, hội Lim được tổ chức vào ngày 12 và ngày 13 tháng Giêng hàng năm. Cách chơi hội của người quan họ vùng Lim cũng là cách chơi độc đáo, mỗi cử chỉ giao tiếp mang một sắc thái văn hóa cao. Nhưng ở góc độ khác, hội Lim đang tồn tại những hình ảnh gây phản cảm và làm buồn lòng những du khách trảy hội để tâm đến văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Trẻ ăn mày che mặt trước ống kính phóng viên.

Để du khách thuận tiện trong việc tham gia lễ hội Lim 2011, ban tổ chức lễ hội đã cho dựng một cổng chào hoành tráng ngay đầu đường Tiên Du (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Từ đó, du khách có thể đi lên đồi Lim và vào chùa Hồng Ân.

Khó xử lý vì... “ăn xin là nghề của họ rồi”

Ấn tượng của phóng viên khi bước qua cổng chào đó là rất nhiều hàng quán hai bên đường. Hàng ăn có, hàng hoa có, hàng bán đồ lưu niệm cũng có... tạo nên sự chen chúc, tuy đông mà vui.

Hòa vào dòng người náo nức trẩy hội, chúng tôi tiến về phía đồi Lim, nơi có các trò chơi dân gian được tổ chức. Bỗng dòng người dạt sang hai phía như dòng nước gặp vật cản, phía trước là hình ảnh một em bé đang nằm ngả nghiêng ở giữa đường bên cạnh có một cái ca đựng nước bên trong có vài đồng tiền lẻ. Chẳng cần hỏi, ai cũng nhận ra đây là một em bé ăn mày.

Thấy cám cảnh trời lạnh lại sẵn lòng thương người nên nhiều người trẩy hội đã không ngần ngại giúp đỡ em bé này bằng những đồng tiền lẻ có trong ví của mình.

Tuy nhiên, đi được một đoạn nữa, dòng người đi hội lại phải dạt sang hai phía. Khác với chỗ lúc nãy, lần này là một phụ nữ trông còn rất trẻ đang co ro ôm một cháu nhỏ còn ẵm ngửa. Có nhiều người lắc đầu ngao ngán nhưng vẫn bỏ đồng tiền lẻ vào cái rổ bên cạnh hai con người trông có vẻ rất tội nghiệp này.

Cứ như thế, trên đoạn đường chưa đầy 500m, phóng viên đếm được có đến 8 chiếc cả rổ lẫn ca đựng tiền bên cạnh những dáng người đang xiêu vẹo, nghiêng ngả, ra chiều thảm thương để “câu” lòng hảo tâm.

Khi nhìn thấy máy ảnh của phóng viên giơ lên chụp, một em bé ăn xin lấy tay lau mặt một cách rất tự nhiên nhưng cái lau mặt đã không dừng chừng nào chiếc máy ảnh chưa được hạ xuống.

Một sới bạc cơ động ở hội Lim 2011.

Một người bán hàng lưu niệm cười bảo: “Bé thế mà đã biết ngượng, tránh nhà báo chụp ảnh”. Lúc ấy phóng viên mới nhận ra cái động tác lau mặt của em bé chưa đầy 5 tuổi kia không còn sự ngây thơ nữa mà đằng sau đó là một phản xạ dường như đã trở nên quen thuộc.

Bà Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bỏ tờ 5.000 đồng vào chiếc rổ của một em bé ăn xin. Bà chép miệng: “Hôm qua, tôi đi chùa Bái Đính ở Ninh Bình nhưng không thấy có bóng người ăn xin nào ở dọc đường vào chùa chính. Thế mà ở đây, chẳng hiểu người ta quản lý lễ hội thế nào mà nhiều ăn xin thế. Tội nghiệp cho bọn trẻ, tí tuổi đã bị người lớn lợi dụng rồi”.

Trao đổi với PLVN về vấn nạn ăn mày la liệt ở hội Lim, ông Nguyễn Trọng Hoàng - Chủ tịch UBND thị trấn Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) kiêm Trưởng ban tổ chức Lễ hội Lim cho biết: “Khó lắm anh ạ! Tôi đã cho bố trí ba đồng chí, một ở Phòng Lao động và thương binh xã hội, một đồng chí dân quân, một đồng chí công an lúc nào cũng túc trực. Nhưng thấy chúng tôi, họ lại lảng đi chỗ khác. Khi chúng tôi đi rồi, họ lại ngồi ra đường để xin tiền. Mà chúng tôi chỉ có một chiếc xe để đi kiểm tra. Ăn xin là nghề của họ rồi”.

Kỹ nghệ chơi bạc

Không chỉ là cơ hội cho giới “cái bang”, lễ hội Lim nay còn là mảnh đất màu mỡ cho những “bác thằng bần” sát phạt nhau.

Không khó để chúng tôi nhận ra nhưng sới bạc đông nghịt người với những dụng cụ chơi bạc rất thô sơ như một tấm bìa cát-tông nhỏ, mấy đông xu được làm bằng những miếng tôn và một cái nắp hộp kem dưỡng da bằng sắt đã hoen gỉ.

Cầm trịch là một nhà cái, với động tác điêu luyện và nhanh, anh ta bỏ một vài đồng xu vào dưới nắp sắt kia và hô những người tham gia đặt tiền với câu hỏi: “Mấy đồng xu ở dưới?. Đặt đi, đặt đi”.

Đám đông cả nam cả nữ vừa tận mắt chứng kiến nhà cái bỏ xu vào liền hào hứng tham gia, móc túi lấy những đồng tiền tội nghiệp với đủ mệnh giá, thấp nhất là 50.000 đồng đem ra để thỏa mãn sự ham muốn đỏ đen của mình.

Trong lúc mọi người đang tin vào con mắt của mình và móc túi lấy tiền thì bằng một động tác rất nhỏ, nhà cái đã nhấc hờ cái nắp sắt lên gẩy nhẹ các đồng xu ra ngoài rồi lại úp xuống. Tất cả chỉ diễn ra trong một tích tắc. Và cả ván chơi chỉ diễn ra trong khoảng 1 phút nhưng cũng đủ để những người tham gia hiểu luật chơi và... mất tiền!

Những canh bạc vẫn diễn ra, những con bạc vẫn chăm chú, khát khao lấy được những đồng tiền từ tay nhà cái nhưng bỗng nhiên tất cả tản ra. Mọi thứ lại trở về bình thường như chưa từng diễn ra chuyện gì: Tấm bìa cát tông bị vứt chỏng chơ bên vỉa hè, những người chơi bạc lại đút tay vào túi quần, túi áo như đang dồn hết tâm trí và vốn văn hóa của mình vào thưởng thức lễ hội nức tiếng cả năm mới có một lần này.

Tác nhân chính là một chiếc xe công an. Chỉ có điều khi các anh công an tới thì mọi thứ đã kết thúc. Và chiếc xe biển xanh kia lại từ từ lăn bánh sang khu vực hội khác. Chiếc xe này vừa lăn bánh thì sới bạc lại tụ lại như cũ.

Thấy đám bạc đã tụ lại, tôi giơ máy ảnh lên để chụp thì một người đàn ông đeo kính đen đi lại gần và gằn giọng nói: “Mày hết việc à mà chụp ảnh ở đây?. Biến đi!”.

Mong ước đầu năm

Đến chiều ngày 13 tháng Giêng (15/2/2011), hội Lim 2011 tan, hẹn sang năm hội lại mở. Nhưng câu hát “... Hội đã tan rồi, chia tay bên dòng sông. Chiếc nón quai thao xôn xao câu quan họ. Đến hẹn lại lên người ơi đừng quên nhé...” vẫn như theo mỗi du khách như lời hẹn ước.

Trong thâm tâm những người trảy hội năm nay hẳn vẫn mong ước được dự lễ hội sang năm “sạch” và “đẹp” hơn để không còn những hình ảnh phản cảm, để mỗi cách chơi hội đều mang trong nó một sắc thái văn hóa cao truyền thống.

Tuấn Nam

Đọc thêm