“Thời cơ vàng” của đội ngũ pháp chế doanh nghiệp

(PLO) - Cùng với toàn xã hội “thượng tôn pháp luật”, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của thực thi pháp luật và công tác pháp chế DN. Luật Phổ biến giáo dục pháp luật và định chế Ngày Pháp luật thực sự là “thời cơ vàng” của pháp chế DN để khẳng định vị trí của mình.
“Thời cơ vàng” của đội ngũ pháp chế doanh nghiệp
Từ vụ DN Việt Nam thắng kiện 4,2 triệu USD ở nước ngoài…
Cách đây hơn một năm, thông tin TCty Lắp máy Việt Nam - LILAMA (thuộc Bộ Xây dựng) thắng kiện Tập đoàn Power Machinery (Liên bang Nga) – nhà thầu phụ của LILAMA trong gói thầu thiết bị công nghệ chính Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 -  số tiền trị giá 4,2 triệu USD đã từng được thảo luận không ít trong giới pháp chế DN và Luật sư Việt Nam. Không phải là bởi giá trị thắng kiện mà là ở tính chất vụ kiện có thể đưa lại không ít kinh nghiệm cho giới Luật sư Việt Nam, đặc biệt khi đi “đấu tranh” ở đấu trường bên ngoài lãnh thổ.
Năm 2003, LILAMA được giao Tổng thầu EPC gói thầu thiết bị công nghệ chính Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng 1 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Để thực hiện hợp đồng này, LILAMA thuê lại một số nhà thầu phụ trong và ngoài nước, trong đó có Tập đoàn Power Machinery. 
Để đảm bảo thực hiện hợp đồng, theo yêu cầu của Power Machinery và chấp thuận của LILAMA, Ngân hàng Ngoại thương Nga phát hành Thư bảo lãnh, và tại thời điểm phát sinh tranh chấp, giá trị Thư bảo lãnh còn lại là 4,2 triệu USD, có hiệu lực đến ngày 31/12/2011, không hủy ngang, trong mọi trường hợp Power Machinery không thực hiện hợp đồng, Ngân hàng sẽ phải thanh toán cho LILAMA số tiền bảo lãnh nêu trên.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, LILAMA và Power Machinery phát sinh tranh chấp, tháng 10/2010 Power Machinery đơn phương chấm dứt hợp đồng. Sau hai năm, với những thách thức pháp lý phức tạp, vừa theo quy tắc quốc tế, vừa theo pháp luật Việt Nam, Liên bang Nga và hàng chục lần gửi hồ sơ để bảo vệ quyền lợi của mình, LILAMA đã thành công. Ngày 5/10/2012, Ngân hàng Ngoại thương Nga buộc phải thực thi trách nhiệm của Người bảo lãnh, thanh toán cho LILAMA số tiền 4,2 triệu USD.
Theo đánh giá của một số chuyên gia pháp lý cũng như chuyên gia ngân hàng thì đây là trường hợp hiếm hoi khi một DN nhà nước Việt Nam thành công trong việc áp dụng các biện pháp tố tụng tại nước ngoài để yêu cầu một ngân hàng nước ngoài thanh toán khoản tiền bảo lãnh với giá trị lớn như vậy. 
“Qua sự việc nêu trên, những người trực tiếp thực thi pháp luật tại cơ sở chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm, rằng các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước nên thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức pháp chế tại cơ quan, DN nhà nước. Cần thành lập bộ phận pháp chế chuyên trách, chuyên nghiệp để tham mưu, giúp lãnh đạo trong việc thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN” – Luật sư Trần Vũ Vương, Trưởng phòng Pháp chế Thẩm định, TCty LILAMA cho biết.
…đến những chi tiết nhỏ trong từng bản hợp đồng
Chị Bùi Huyền (phụ trách nhân sự Cty Công nghệ xây dựng mới) lại đưa ra những ví dụ khá chi tiết, tỉ mỉ để minh họa cho sự cần thiết của nhân sự chuyên trách pháp chế trong DN nhỏ: “Trước đây, vị trí pháp chế là vị trí không được lãnh đạo DN nhỏ quan tâm, do chưa nhận thức được vai trò quan trọng của công tác này cùng với nhu cầu tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, công tác sản xuất kinh doanh và những mối quan hệ làm ăn ngày càng mở rộng, đòi hỏi sự tuân thủ pháp luật nghiêm ngặt từ những câu chữ, điều khoản trong hợp đồng đến sự hiểu biết tuân thủ pháp luật đang khiến không chỉ DN cần nhân sự pháp chế chuyên trách mà đòi hỏi bản thân mỗi người phải đầu tư kiến thức pháp luật cần thiết”. 
Mới đây, công ty chị Huyền phải đối mặt với một vụ tranh chấp thực hiện hợp đồng, dù giá trị tranh chấp không lớn nhưng tính chất khá phức tạp. “Càng đi sâu vào tình tiết, lãnh đạo công ty, vốn là những nhà kỹ thuật, càng nhận thức rõ công tác pháp chế không phải là “đồ trang trí” trong DN” – chị Huyền cho biết.
Luật sư Trần Vũ Vương - người có kinh nghiệm trong công tác pháp chế DN trong một tổng công ty lớn và chị Bùi Huyền -  cán bộ chuyên trách pháp chế ở một DN nhỏ, đều có những tâm sự trong Ngày Pháp luật Việt Nam 2013. 
“Từ thực tiễn hoạt động của chúng tôi cũng như tham khảo nhiều đồng nghiệp cho thấy đây là “thời cơ vàng” của đội ngũ làm công tác pháp chế DN. Sau những rủi ro, sai phạm của nhiều DN, đại đa số lãnh đạo DN đã thận trọng hơn trong những quyết định quan trọng của mình liên quan đến đầu tư, mua sắm, chi tiêu… Họ đã trưng dụng ý kiến pháp chế nhiều hơn, các hợp đồng tư vấn pháp lý của các Luật sư cũng được DN quan tâm hơn – ông Vương chia sẻ - Trong chương trình tái cấu trúc DN, bao trùm lên các nội dung là yêu cầu “khoác” cho DN nhà nước một “chiếc áo pháp lý” phù hợp, tăng cường xây dựng các định chế quản trị, quy định quản lý nội bộ đảm bảo minh bạch và công bằng về quản lý sản xuất kinh doanh, đầu tư, phân phối sản phẩm, lợi ích Nhà nước – Người lao động – Xã hội. Những nội dung này cũng đang được lãnh đạo DN trông đợi từ đội ngũ pháp chế DN”. 
Còn chị Huyền cho hay, tại nhiều DN, pháp chế đã thực sự trở thành cánh tay phải của ban lãnh đạo trong việc chấp hành và vận dụng pháp luật cho công tác quản lý, điều hành.

Đọc thêm