Tại Khoản 4, Điều 2 của Nghị định 148/2018/NĐ-CP quy định như sau: “4. Trường hợp hợp đồng lao động (HĐLĐ) có hiệu lực trước ngày Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành mà HĐLĐ có thỏa thuận thời gian thử việc thì thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm bao gồm cả thời gian thử việc trong HĐLĐ”.
Bạn đọc Nguyễn Hoàng (Hà Nội) đưa ra tình huống: Doanh nghiệp (DN) hiểu là đối với HĐLĐ có hiệu lực trước ngày 1/5/2013 mà HĐLĐ này có thỏa thuận thời gian thử việc trên cùng một hợp đồng thì thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm bao gồm cả thời gian thử việc trong HĐLĐ. Còn đối với hợp đồng thử việc được ký riêng (không gộp trên cùng hợp đồng lao động) thì thời gian thử việc này sẽ không được tính làm căn cứ trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Như vậy DN đang hiểu đúng hay sai?
- Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trả lời: Theo quy định tại Điều 32 của Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi năm 2002) thì người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) thỏa thuận về việc làm thử, thời gian thử việc, về quyền, nghĩa vụ của hai bên. Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải nhận NLĐ vào làm việc chính thức như đã thỏa thuận.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Mục 1 Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì hợp đồng lao động được giao kết bằng văn bản theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này. Theo mẫu hợp đồng lao động nêu trên thì thời gian thử việc được quy định trong Điều 1 của HĐLĐ và là một trong những nội dung của HĐLĐ.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chỉ tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì trường hợp HĐLĐ có hiệu lực trước ngày Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành mà HĐLĐ có thỏa thuận thời gian thử việc thì thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm bao gồm cả thời gian thử việc trong HĐLĐ.
Theo đó, với trường hợp HĐLĐ được giao kết và có hiệu lực trước ngày Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực (ngày 01/5/2013) thì nội dung HĐLĐ được áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002) và Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH nêu trên.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp HĐLĐ được giao kết và có hiệu lực trước ngày 01/5/2013 thì nội dung của HĐLĐ bao gồm cả nội dung thỏa thuận về thử việc, vì vậy khi HĐLĐ chấm dứt sau ngày Nghị định số 148/2018/NĐ-CP nêu trên có hiệu lực (ngày 15/12/2018) thì thời gian làm việc thực tế của NLĐ cho người sử dụng lao động làm căn cứ để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm bao gồm cả thời gian thử việc trong HĐLĐ.