Thời hoàng kim của CN ôtô thế giới

Thập niên 60 là thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp ôtô thế giới

Thập niên 60 là thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp ôtô thế giới. Các hãng xe Mỹ liên tục cho ra đời nhiều mẫu xe trang bị động cơ mạnh mẽ, giá thành thấp trong khi một số nhà sản xuất nước ngoài như BMW, Honda, Toyota hay Nissan dần lấy lại phong độ và bắt đầu phát triển lớn mạnh.

Nhìn chung, kiểu dáng của các mẫu xe ra đời trong những năm 1960-1970 không được thiết kế điệu đà như những mẫu xe thời 1950 mà chủ yếu chú trọng vào tính năng và giá trị sử dụng. Tuy vậy, ngành công nghiệp ôtô Mỹ trong thập niên này vẫn phát triển mạnh mẽ, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn được ưa chuộng trên thị trường toàn cầu. Năm 1960, doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ôtô Mỹ chiếm đến 93% tổng doanh số tiêu thụ trong nước và chiếm 48% tổng doanh số tiêu thụ toàn cầu.

Tuy nhiên, từ giữa những năm 1960, thị trường ôtô Mỹ có nhiều dấu hiệu thay đổi do sự xâm nhập tích cực của các nhà sản xuất nước ngoài, đáng chú ‎ý là các hãng xe của Đức và Nhật. Sự cạnh tranh mới này đã khiến 3 nhà sản xuất ôtô lớn nhất nước Mỹ lúc bấy giờ là General Motors (GM), Ford Motor Company (Ford) và Chrysler Corp. phải dần từ bỏ thị trường phân khúc xe ôtô cỡ vừa và nhỏ, tập trung nguồn lực vào kiểm soát thị trường phân khúc xe thể thao đa dụng (SUV), xe tải nhẹ và dòng xe sang.

“Big Three” và những “con bài” cạnh tranh chiến lược

Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ phía các nhà sản xuất nhỏ của châu Âu và Nhật Bản, GM đã tung hai mẫu xe Chevrolet Corvair và Corvette vào năm 1960.

Mô tả ảnh.
Chevrolet Corvair

Corvair là một mẫu xe hoàn toàn mới, được thiết kế ấn tượng nhờ hệ thống treo độc lập, động cơ nhôm 6 xy-lanh đặt phía sau đi kèm hộp số tự động 3 cấp và khoang nội thất bọc vải sang trọng. Mẫu xe này nhanh chóng tạo sức hút mạnh mẽ trên thị trường phân khúc xe compact và được đánh giá là mẫu xe ‎l‎ý tưởng nhất thời điểm đó.

Tuy nhiên, không lâu sau, các chuyên gia đã thử nghiệm và kết luận rằng, Corvair khi vào cua ở tốc độ cao thường bị văng đuôi khiến xe vào cua không ổn định và khó kiểm soát. Đặc biệt, sau khi luật sư Ralph Nader, đại diện đấu tranh cho quyền lợi người tiêu dùng, xuất bản cuốn sách "Unsafe at Any Speed", Mỹ đã mở một cuộc điều tra trên diện rộng về chất lượng của Corvair. Sự việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến GM. Năm 1969, “vị đại gia” này buộc phải điều trần trước Quốc hội Mỹ và cũng trong năm đó, số phận của chiếc Chevrolet Corvair đi đến hồi kết.

Cùng với Corvair, Chevrolet Corvette của GM ra đời cuối những năm 1950 cũng là một mẫu xe được ưa chuộng. Xe sử dụng công nghệ phanh đĩa 4 bánh hiện đại, động cơ 5360 cc, có khả năng tăng tốc từ 0-100km/h chỉ trong 5,6 giây. Sức mạnh của động cơ được truyền tới 4 bánh lái thông qua hộp số tự động 4 cấp. Năm 1964, doanh số của mẫu xe này ở Mỹ đạt 22.229 chiếc. Đến năm 1969, doanh số Corvette đạt 40.000 chiếc.

Cũng đầu những năm 1960, để tồn tại và có sức cạnh tranh trên thị trường, Ford Motor cũng liên tục ra mắt hai mẫu xe mới là Ford Falcon và Ford Mustang, mở ra một kỷ nguyên mới cho dòng xe thể thao compact.

Falcon lúc đó là một chiếc xe gia đình cỡ nhỏ có nhiều phiên bản và kích cỡ khác nhau. Nó có thể là một chiếc sedan 2 cửa hoặc 4 cửa, là chiếc Station wagon 2 cửa hoặc 4 cửa, dòng hardtop hay convertible hai cửa…

Cùng với tùy chọn 3 màu sắc thân xe và trang bị bộ động cơ 2360 cc, 6 xy-lanh đi kèm hộp số tay 3 cấp hoặc hộp số tự động 2 cấp tiết kiệm nhiên liệu, ngay từ khi ra mắt, Falcon đã ngay lập tức chiếm được thiện cảm của đông đảo khách hàng và chỉ trong hơn 1 năm kể từ ngày xuất xưởng, doanh số của mẫu xe này đạt mốc hơn 1 triệu bản.

Tiếp nối thành công đó, Ford tiếp tục tung ra “chú ngựa hoang” Mustang. Với thân hình vạm vỡ, cơ bắp nhờ nắp ca pô dài, cản trước, bộ tản nhiệt mạ crôm bóng và động cơ lớn mạnh mẽ, chiếc xe này đã làm lu mờ hình ảnh của những mẫu xe đồng hạng và mang lại thành công ngoài mong đợi cho Ford. Trong ngày đầu xuất xưởng, nó đã tiêu thụ được 22.000 chiếc và chỉ hai năm sau đó doanh số đạt mốc 1 triệu chiếc.

Mô tả ảnh.
Ford Mustang

Cùng với GM và Ford, Chrysler giai đoạn này cũng tập trung nghiên cứu, cho ra đời mẫu xe thể thao Valiant. Đây là một mẫu xe sở hữu kiểu thiết kế truyền thống nhưng vẫn có nhiều điểm nhấn mới mẻ. Xe được trang bị động cơ 6 xy-lanh cho công suất 180 mã lực. Với tốc độ kể trên, Valiant có thể đạt tốc độ cực đại 175km/h.

Sau khi ra mắt, mẫu xe này đã giúp cho Chrysler giành được vị trí thứ 7 trong thị trường phân khúc xe compact ở Mỹ và được Hiệp hội Đua xe thương mại Mỹ Nascar bầu chọn là “xe tiết kiệm nhiên liệu nhất”.

Với những thành tựu nói trên, Valiant đã trở thành hình mẫu lý tưởng cho các sản phẩm sau này của Chrysler như Dodge Dart, Plymouth Duster, Demon, Dodge Lancer, Demon, Plymouth Scamp, Chrysler 3700, Plymouth Barracudas...

Ngành ôtô Mỹ “lao đao” do khủng hoảng dầu mỏ

Thời hoàng kim của ngành công nghiệp ôtô Mỹ chỉ kéo dài đến cuối thập niên 60. Đầu những năm 1970, Tổ chức các quốc gia Ả Rập xuất khẩu dầu mỏ OPEC ra quyết định cấm xuất khẩu dầu thô sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur chống lại Ai Cập và Syria (trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước Tây Âu). Sự kiện này khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột góp phần làm thay đổi cục diện toàn ngành sản xuất ôtô Mỹ.

Ba “ông lớn” của Detroit lúc đó đều lâm vào cảnh “lao đao”, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng. Hoàn cảnh mới buộc GM và các nhà sản xuất khác buộc phải từ bỏ những đội xe cơ bắp “uống xăng” để nghiên cứu, chế tạo những mẫu xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Lợi dụng tình hình, các nhà sản xuất nước ngoài như BMW, Toyota và Nissan bắt đầu ồ ạt tấn công vào Mỹ. Họ tung ra nhiều mẫu xe hatchback tiết kiệm nhiên liệu và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Do nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, khoảng 15 năm sau khủng hoảng dầu, các mẫu xe này vẫn giữ thế độc quyền trên thị trường phân khúc xe nhỏ và xe cỡ trung tại châu Âu.

Đọc thêm