Đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Nguy cơ từ thời tiết lạnh
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, trong 2 ngày 9/12/2020 và 11/12/2020 liên tiếp 10 bệnh nhân nhồi máu cấp được đưa vào cấp cứu.
Bệnh viện đã huy động cùng lúc 2 ê-kíp can thiệp mạch vành can thiệp cả 10 trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Ê kíp 1 do ThS.BS Trần Văn Triệu – Phó Khoa, phụ trách Khoa Tim mạch can thiệp; BS.CKI Nguyễn Huỳnh Minh Thông.
Ê kíp 2 do BS.CKI Nguyễn Văn Nhiệm, BS Dương Hoàng Mẫn. Cho đến ngày 16/12/2020 tất cả 10 bệnh nhân đều ổn định.
BS.CKII Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn kiêm Giám đốc Trung tâm tim mạch BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: Nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc hoàn toàn một hoặc nhiều nhánh động mạch vành - động mạch cung cấp máu nuôi tim một cách đột ngột, làm chết tế bào cơ tim.
Đây là một tình trạng khẩn cấp, người bệnh có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời, những trường hợp may mắn sống sót thì nguy cơ suy tim trong tương lai cũng rất cao.
Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý về tim gây nguy hiểm đến tính mạng, người bệnh mắc bệnh nên được điều trị càng sớm càng tốt. Kỹ thuật can thiệp mạch vành ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim có thể được coi là phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay.
Mối liên hệ giữa nhiệt độ không khí và nhồi máu cơ tim đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên thế giới. Tại Anh, người ta nhận thấy cứ giảm 1oC nhiệt độ không khí sẽ làm tăng 2% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim trong 28 ngày sau đó. Ở Canada, một trong những quốc gia lạnh nhất thế giới, các nhà khoa học đã nhận thấy giảm 10oC sẽ tăng 7% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp.
Theo các chuyên gia y tế, về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg, sự duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.
Những ngày qua, nhiệt độ xuống thấp, số lượng bệnh nhân liên quan đến thời tiết lạnh như: tăng huyết áp, đột quỵ, tim mạch… có xu hướng tăng lên, đáng chú ý có cả nhiều người trẻ- có thể nghĩ mình còn trẻ khỏe nên chủ quan.
Theo thống kê từ Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong hơn 2 tuần qua, đơn vị này đã tiếp nhận tới 750 bệnh nhân đột quỵ. Đáng báo động trong số đó có 60 người có độ tuổi từ 18 – 44, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 10%.
Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.
Được biết, nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim; nguyên nhân là do thời tiết lạnh đột ngột. Những trường hợp này hay gặp ở người già; có người đang trong chăn ấm, dậy đi tiểu, gặp lạnh mạch máu co lại đột ngột dẫn đến tai biến.
Khi trời rét, các mạch máu co lại đã là một nguyên nhân khiến huyết áp tăng, các biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó kèm thêm các yếu tố thuận lợi khác như: chui ra khỏi chăn ấm, gặp cơn gió lạnh, đi tiểu..., tất cả đều làm cơ thể bị mất thêm nhiệt. Chính sự thay đổi đột ngột đó của cơ thể khiến các mạch máu càng co lại, huyết áp càng tăng. Khi đó với những người vốn bị bệnh tim mạch thì các biến chứng như: vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim... xuất hiện nhiều hơn.
Vì vậy, vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành.
Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh
Những bệnh nhân bị bệnh lí tim mạch trước đó, cần tuân thủ điều trị, hạn chế ra ngoài trời khi nhiệt độ quá thấp, giữ ấm đầy đủ, nhất là khi ngủ.
Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp, như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi.
Đối với các trẻ này, cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch.
Những dấu hiệu khi tập thể dục cảnh báo bệnh tim mạch
Hoạt động thể dục, thể thao khiến tim đập nhanh và thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Tuy nhiên, nếu trong suốt quá trình tập, bạn thường xuyên gặp phải các dấu hiệu sau đây, có thể bạn đã bị bệnh tim, mạch.
Cảm thấy rất khó chịu ở vùng xương ức
Nhiều người lầm tưởng đau tim phải rất dữ dội và đột ngột. Thực tế, những cơn đau tim hoàn toàn có thể bắt đầu bằng cảm giác khó chịu âm ỉ ở vùng xương ức.
Cơn đau này thường mang tính bộc phát, tăng cường độ ở vùng trung tâm của ngực. Nếu bạn cảm thấy khó chịu quá 1 phút, hãy ngưng các hoạt động thể chất ngay lập tức. Sau đó, bạn có thể uống 1 ly nước ấm để cơ thể được thư giãn.
Chóng mặt đột ngột
Các hoạt động thể chất sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt là trong lần tập đầu tiên. Song, tập thể dục không bao giờ là nguyên nhân dẫn đến chóng mặt. Tình trạng này xảy ra khi hệ tim mạch của bạn đang gặp vấn đề, việc tập thể dục chỉ khiến nó có cơ hội thể hiện rõ ràng hơn.
Khó thở là dấu hiệu bất thường của hệ tim mạch
Khác với bệnh suyễn, cảm giác khó thở do các vấn đề về tim thường đi kèm với cảm giác đau ngực trái dữ dội. Tình trạng khó thở sẽ khiến bạn gặp nguy hiểm nếu nó kéo dài quá 10 phút.
Cảm thấy khó chịu ở một số vùng khác trên cơ thể
Những vấn đề xuất phát từ hệ tim mạch có khả năng ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Cụ thể, bạn sẽ bị đau cánh tay, mỏi cổ, lưng, hàm hoặc đau dạ dày. Ngoài ra, các khớp nối lớn của cơ thể cũng trở nên kém linh hoạt.
Nhịp tim bất thường do hệ tim mạch gặp vấn đề
Một trong những lợi ích của tập thể dục, thể thao là tăng cường tuần hoàn máu, đồng nghĩa với việc nhịp tim cũng đập nhanh hơn. Song, nếu sức khỏe tim mạch của bạn không được tốt thì nhịp tim lúc này lại trở nên bất thường. Khi sờ vào ngực trái, bạn có thể dễ dàng cảm nhận tiếng tim đập lúc nhanh, lúc chậm.
Đổ mồ hôi lạnh
Chúng ta đều đổ mồ hôi khi thực hiện các hoạt động thể chất. Đó là phản ứng bình thường của cơ thể và nó mang đến những lợi ích đáng kể. Trong trường hợp bạn bị đổ mồ hôi lạnh kèm với cảm giác buồn nôn khi tập thể dục, rất có thể tim của bạn đã không còn khỏe mạnh. Nhiều người bệnh đã thừa nhận rằng họ gặp phải tình trạng tương tự trước khi các cơn đau tim xảy ra.
Trên đây là những dấu hiệu phổ biến nhất khi tập thể dục cho thấy hệ tim mạch của bạn đang gặp vấn đề. Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp các triệu chứng bất thường khác như sốt nhẹ, đau nhói ở đầu ngón tay…