Nghe Đoàn Thị Thoan hờn trách bị cáo tại phiên tòa, không ít người tỏ rõ sự ái ngại, cảm thương. Nhưng rồi họ lại “giật mình” nhận ra sự cả tin, dại dột của thôn nữ. Điều này đã lý giải vì sao tội phạm mua bán người vẫn còn đất… sống.
Thôn nữ ngây thơ
Đối tượng mà Đoàn Thị Thoan (SN 1984, trú ở Quốc Oai, Hà Nội) – bị hại trong vụ án mua bán người tố cáo tại phiên tòa sơ thẩm mới đây là Nguyễn Văn Vương (SN 1982), trú ở xã Thượng Long, huyện Yên Lập, Phú Thọ, từng là người được thôn nữ gửi gắm biết bao yêu thương, kỳ vọng.
|
Các bị cáo phạm tội mua bán người tại một phiên tòa mới đây. |
Thoan trình bày cuối năm 2011, cô tình cờ quen biết Vương trong một buổi tối dạo chơi tại khu vực sân vận động Mỹ Đình. Kể từ sau lần gặp gỡ ấy, cô thường xuyên nhận được tin nhắn, điện thoại tâm sự của gã thanh niên quê Phú Thọ.
Đầu năm 2012, cô bất ngờ được bạn trai rủ ra Hà Nội để cùng làm xây dựng tại một dự án nhà chung cư ở quận Hà Đông. Ở chung một dãy nhà công trường, lại ngày ngày được “đồng cam cộng khổ” với nhau nên Thoan nhanh chóng dâng trọn cả tâm hồn lẫn thể xác cho bạn trai. Vậy nhưng chỉ sau một thời gian ngắn làm xây dựng ở đây, cả hai buộc phải hồi hương vì công việc bấp bênh và thu nhập không đủ chi dùng cho cuộc sống.
Sau đó, Thoan lại được Vương rủ cùng sang Trung Quốc trồng mía thuê. Gã nỉ non với cô rằng, chỉ cần ở bên đó làm việc một thời gian là sẽ kiếm được một khoản tiền kha khá, rồi hai người sẽ về nước sống hạnh phúc bên nhau.
Chưa bao giờ xa nhà lâu ngày và cũng chẳng hiểu mấy về cuộc sống đầy cạm bẫy ngoài xã hội, nhưng trong lòng Thoan vẫn rộn rã niềm vui, niềm tin vì đã tìm được “một nửa” của đời mình. Thế nên vào một buổi chiều tà cuối tháng 3 năm ngoái, Thoan quyết định mang theo vài bộ quần áo, trốn nhà đi theo “bạn trai”.
Đêm ấy, Thoan và người yêu ngủ lại tại một nhà nghỉ ở quận Long Biên. Sáng hôm sau, Thoan cùng Vương đón xe khách lên thẳng cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) và gặp Vũ Thị Liên (SN 1975, trú tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) đã chờ sẵn tại đây.
Ngay sau đó, Thoan cùng người yêu được người đàn bà này dẫn qua biên giới và cô bị bán cho một cặp vợ chồng người Trung Quốc với giá 33 triệu đồng.
Khi Vương lẳng lặng quay về Việt Nam cũng là lúc Thoan bắt đầu một cuộc sống trong cảnh ê chề, nhục nhã tại các “nhà chứa” nơi đất khách, quê người cho tới tận khi được giải cứu.
Trước lúc tòa quyết định tuyên phạt Nguyễn Văn Vương 9 năm tù và đồng phạm của anh ta 8 năm tù giam cùng về tội “Mua bán người”, Thoan cũng đã gượng gạo đứng lên xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho gã người yêu táng tận lương tâm.
Phải biết tự cứu bản thân
Những vụ án mua bán người như trường hợp của thôn nữ nêu trên không phải cá biệt. Bởi TAND TP Hà Nội cũng vừa mới quyết định tuyên phạt Đỗ Văn Tiên (SN 1991, trú ở xã Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên) 13 năm tù giam cũng về tội “Mua bán người”. Ngoài đối tượng, 6 bị cáo liên quan cũng lần lượt phải nhận từ 5 năm đến 12 năm tù cùng tội danh.
Thủ đoạn của Tiên cùng đồng bọn rất tinh vi và khá “mùi mẫn”. Sắm vai “công tử” con nhà giàu ở đất mỏ, thanh niên này lên mạng Internet làm quen, tán tỉnh các cô gái, rồi cùng đồng bọn đưa họ sang Trung Quốc bán vào “động mại dâm”.
Trong số 6 nạn nhân của ổ nhóm buôn người do Tiên cầm đầu, Vũ Thị Duyên (SN 1988, ở Cần Thơ) là trường hợp điển hình. Nhận thấy “con mồi” đã “chết mê chết mệt”, ngày 13/11/2011, nhân dịp Duyên ra Hà Nội chơi, Tiên đã chủ động hẹn gặp, rồi mời cô gái miền Tây về Quảng Ninh chơi.
Trên đường đi, Tiên xuống xe ở Hải Dương với lý do thu tiền hàng cho mẹ để đồng bọn đưa bạn gái về nhà cậu ta trước… Chỉ đến khi bị chủ chứa mại dâm bên Trung Quốc ép tiếp khách, cô gái miền Tây mới biết mình đã biến thành một món hàng không thương tiếc.
Ngồi ghế xét xử hàng chục năm, Thẩm phán Tạ Phú Cường (TAND TP Hà Nội) nhìn nhận, tuy thủ đoạn phạm tội thường khá tinh vi, xảo quyệt, song nếu các cô gái tỉnh táo thì sẽ không mắc bẫy bọn buôn người.
Vị thẩm phán dẫn chứng, ông cùng cộng sự vừa xử phạt Phan Thị Thu Thủy (SN 1980, trú ở phường 4, quận 10, TP HCM) 15 năm tù về hai tội “Mua bán người” và “Mua bán trẻ em”. Ở vụ án này, Thủy sử dụng “chiêu” đến các trung tâm môi giới việc làm tuyển lao động đi làm tại các tỉnh phía Bắc để sau đó bán họ sang Trung Quốc. Nhưng cuối cùng thì đối tượng đã bị chính bị hại “vạch mặt” tại Hà Nội.
Nhận thấy Thủy chẳng có vẻ gì là “bà chủ” và trên đường từ TP HCM ra Bắc, đối tượng luôn có những biểu hiện bất minh, đồng thời nói về địa điểm đến làm việc không nhất quán nên 1 trong 9 nạn nhân đã gọi điện báo công an.
Cũng theo thẩm phán Cường, không khó để nhận ra “chân tướng” và thoát khỏi bọn buôn người. Vì rằng hầu hết mánh lới của loại tội phạm này đều dựa trên “nguyên tắc” gây dựng thiện cảm, niềm tin, thậm chí là vờ yêu đương, sau đó rủ bị hại đi chơi, đi làm ở các tỉnh biên giới hoặc bên Trung Quốc.
Mặt khác, nếu cô gái nào đó quyết định theo bạn bè đi làm hoặc đi chơi xa, nhất thiết phải thông báo, bàn bạc với gia đình. Và trong trường hợp mối nguy hiểm cận kề thì phải nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an gần nhất.
Theo An ninh Thủ đô