Thổn thức cùng em ơi Hà Nội Phố

Với không ít người Hà Nội luôn là nỗi nhớ khôn nguôi trong mỗi chuyến đi xa. Nhớ cảnh yên bình của Hồ Gươm buổi sớm, nhớ mùi hương nồng nàn hoa sữa trên mỗi chặng đường, nhớ những tiếng ve khi đất trời vào hạ, nhớ cả những sắc đào hồng thắm khi đông trở sang xuân.

Với không ít người Hà Nội luôn là nỗi nhớ khôn nguôi trong mỗi chuyến đi xa. Nhớ cảnh yên bình của Hồ Gươm buổi sớm, nhớ mùi hương nồng nàn hoa sữa trên mỗi chặng đường, nhớ những tiếng ve khi đất trời vào hạ, nhớ cả những sắc đào hồng thắm khi đông trở sang xuân. Hà Nội đẹp vẻ thanh bình, cổ kính và đẹp bởi rất nhiều tình yêu mà mỗi người dành cho mảnh đất này. Chính vì thế. Rất nhiều nhà thơ đã tương tư một góc phố liêu xiêu, một mùa thu kỷ niệm, hay một nỗi nhớ thoảng trong làn hương của gió. Vào những ngày tháng Chạp năm 1972 khi Hà Nội đang chìm trong khói bom, tiếng súng, gom những phút yên bình hiếm hoi, có “người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” để nhặt nhạnh lại từng khoảng trời kỷ niệm trong niềm nuối tiếc miên man: Ta còn em chiếc lá bàng đầu tiên/Nhuộm đỏ/Cô gái gặp nắng hanh chợt hồng đôi má/ Cơn mưa nào đi nhanh qua phố/ Một chút xanh hơn/ Trời Hà Nội hôm qua/ Ta còn em cô hàng hoa/ Gánh mùa thu/ Qua cổng chợ/ Những chùm hoa tím/ Ngát/ Mùa thu… Nhà thơ Phan Vũ đã gợi lên trong ta một Hà Nội thật quen, thật lạ, thật rêu phong nhưng cũng đầy mới mẻ. Chỉ có những trái tim dành cho vùng đất Kinh Kỳ này mới thấu hiểu hết tâm tư của ông. Và như một sự đồng điệu của tâm hồn, cảm xúc đã ùa về khi nhạc sĩ Phú Quang bắt gặp những vần thơ đó. Hà Nội lại xanh hơn với ước vọng hồi sinh qua những note nhạc đầy rung cảm của ca khúc Em ơi, Hà Nội phố.

Bài thơ Hà Nội phố được nhà thơ Phan Vũ viết vào đầu năm 1972, khi Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng máy bay B52. Thế nhưng bài thơ không gợn chút không khí căng thẳng, tang tóc, Hà Nội vẫn hiện lên thật bình yên thanh thản. Phú Quang đã từng tâm sự rằng, ông phổ nhạc cho bài thơ "Em ơi Hà Nội phố" bằng nỗi nhớ: "nụ hôn lạnh giá mùa đông, vòng tay bồi hồi ướt giá dưới trời mưa bụi của những ngày tháng tình yêu còn nồng ấm. Rồi nỗi nhớ về căn nhà tôi đã sống ở Hà Nội qua suốt tuổi ấu thơ mà mùa đông năm 1972, căn nhà ấy và người bạn thân thiết nhất của tôi cũng vĩnh viễn bị bom B52 dập vùi. Thay vào đó là tượng đài về những người đã chết như một vết sẹo dẫu đã phủ kín rêu xanh mà chẳng bao giờ nguôi rát bỏng mỗi lần tôi nghĩ tới”. Trải lòng với những giai điệu của nhạc sĩ Phú Quang, ta cảm tưởng như đang lạc vào những dãy phố rêu phong, những mái nhà cũ kỹ và miên man đâu đây một nỗi niềm thương mến khôn nguôi:

Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm

Lời ca thì thầm thật nhẹ, thật êm như âm thanh của gió. Ký ức trở về những ngày có em tay trong tay trên phố. Vẫn còn đó mùi hoàng lan, vẫn còn đó mùi hoa sữa, còn đó những hạt mưa mỏng manh và dịu dàng như suối tóc người thiếu nữ đang đứng chờ ai. Mùa thu Hà Nội đẹp vẻ lãng mạn và yên bình nhưng mùa đông thì lại khác. Cô đơn, lạnh lùng nhưng quyến rũ với vẻ thanh lịch Tràng An mà không nơi đâu có được:

Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em góc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy
Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân

Lặng lẽ như lời tự tình, âm nhạc của Phú Quang giúp người nghe lắng đọng và suy tư hơn trước thường nhật. Cô quạnh, hiu hắt nhưng ta không thấy sự tuyệt vọng mà ngược lại đó là nỗi khát khao được thoát khỏi nỗi cô đơn và được bùng cháy. Tuy không được nhắc đến cụ thể nhưng cây bàng gợi cho ta cảm giác ấm áp và hi vọng bởi sự khô gầy, từng trải của bản thân và không gian lá đỏ rực lác đác rụng rơi dần mỗi khi sang đông. Cây bàng lẻ loi nơi góc phố đang gắng thắp sáng lên những đốm lửa từ nhánh lá mỏng manh. Hà Nội đã từng có thời kỳ nghiêng đổ trong chiều tà xám xịt khi phải đấu tranh để bảo vệ chính mình. Ký ức ập về là tiếng bom dội, súng rền cùng những bức tường, căn nhà đổ nát. Âm nhạc như bùng cháy để khơi gợi sâu hơn một nỗi day dứt, khắc khoải:

Ta còn em một màu xanh thời gian
Một chiều phai tóc em bay chợt nhòa, chợt hiện
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường

Mất mát và xót xa, có nỗi đau đã len lỏi và dần thấm vào từng nốt nhạc từ xa xưa cho đến tận bây giờ. Chiến tranh và tội ác mà nó mang theo thật khốc liệt nhưng lạ kì thay, chúng không thể làm phai đi màu xanh ước vọng trong mỗi đứa con Hà thành. Cũng như thế, giai điệu của Em ơi Hà Nội phố vẫn ngân lên tha thiết và trong trẻo một tình yêu không bao giờ cũ. Thấp thoáng trong lời hát là hình ảnh người nghệ sĩ đi tìm lại một khoảng trời bị đánh cắp để thấy lại chính mình. Trong cái giá lạnh của chiều đông Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang làm ta thấy thèm đến nao lòng một hơi ấm sẻ chia dẫu đó là từ bàn tay của người thân hay một người xa lạ. Mùa đông khiến ta cô đơn và thương nhớ nhiều hơn những kỷ niệm nhưng mùa đông cũng khiến ta siết chặt vòng tay hơn với những gì mình đang có:

Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm
Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về tự bao giờ

Lang thang với những góc phố rêu phong ẩn mình đợi nắng, những hàng ngói âm dương lặng lẽ tự ngàn đời, với Hồ Tây thì thầm câu chuyện cổ chắc ai cũng sẽ yêu, sẽ khắc trong tim một Hà Nội hào hoa. Giai điệu trầm mặc hòa vào tiếng thời gian gõ nhịp khiến người nghe như bị cuốn vào từng nỗi niềm ký ức và cứ thế lật tìm, khai mở bức tranh bằng nhạc của Phú Quang. Cụm từ “Ta còn em” ngọt ngào, thương mến được điệp lại nhiều lần và càng về sau càng được đẩy lên với cung bậc cao hơn như muốn nhấn mạnh niềm mong muốn được tìm lại những gì thân thương nhất của tác giả. Mạch âm nhạc khiến người nghe như mãi chìm đắm trong cảm xúc và lắng đọng hơn cùng nỗi nhớ về Hà Nội phố.
Trần Xuân Quỳnh

Đọc thêm