THÔNG BÁO

(PLVN) -  Báo PLVN thông báo Tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động đợt 1 năm 2022:

Căn cứ Quyết định số 04/QĐ-PLVN ngày 5 tháng 01 năm 2022 của Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam về việc xác định số lượng người làm việc giai đoạn 2022 – 2025 của Báo Pháp luật Việt Nam, Kế hoạch số 16/KH-PLVN ngày 11 tháng 02 năm 2022 về việc tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động đợt 1 năm 2022, Báo Pháp luật Việt Nam thông báo về việc tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động đợt 1 năm 2022, cụ thể như sau:

1. Vị trí tuyển dụng và chỉ tiêu

1.1. Số lượng cần tuyển dụng: 15 người

1.2. Vị trí việc làm cần tuyển

- Viên chức: 04 phóng viên

- Hợp đồng lao động:

+05 phóng viên;

+03 biên tập viên;

+ 03 kỹ thuật viên, MC;

2. Điều kiện, tiêu chuẩn dự tuyển

2.1. Điều kiện, tiêu chuẩn chung

Người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký dự tuyển viên chức và hợp đồng lao động, cụ thể:

- Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;

- Từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

- Có Phiếu đăng ký dự tuyển đúng mẫu quy định;

- Có lý lịch rõ ràng;

- Có đủ sức khỏe để làm việc.

2.2. Điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể

Ngoài điều kiện, tiêu chuẩn chung, đối với từng vị trí tuyển dụng đòi hỏi phải đáp ứng các điều kiện cụ thể phù hợp với tiêu chuẩn vị trí việc làm cần tuyển như sau:

(1) Viên chức Phóng viên

- Có trình độ đại học trở lên, ưu tiên chuyên ngành Luật, Báo chí;

- Có năng lực trong lĩnh vực nghiệp vụ báo chí, xuất bản, như: năng lực viết và biên tập tin, bài; tổ chức xuất bản ấn phẩm báo chí in, báo chí điện tử, multimedia;

- Có năng lực trong việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ được giao;

-Sáng tạo, bản lĩnh chính trị tốt; chịu được gian khổ và sẵn sàng chấp nhận đi công tác xa;

- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng được một số phương tiện nghe nhìn thông dụng để hỗ trợ tác nghiệp.

- Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong công tác báo chí, truyền thông.

- Ưu tiên phóng viên đang làm việc tại Báo Pháp luật Việt Nam có thành tích xuất sắc trong công tác.

(2) Hợp đồng lao động:

a. Phóng viên:

- Có trình độ đại học trở lên, ưu tiên chuyên ngành Luật, Báo chí;

- Có năng lực trong lĩnh vực nghiệp vụ báo chí, xuất bản, như: năng lực viết và biên tập tin, bài; tổ chức xuất bản ấn phẩm báo chí in và báo chí điện tử;

- Có năng lực trong việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ được giao;

- Sáng tạo, bản lĩnh chính trị tốt; chịu được gian khổ và sẵn sàng chấp nhận đi công tác xa;

- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng được một số phương tiện nghe nhìn thông dụng để hỗ trợ tác nghiệp.

- Có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm trong công tác báo chí, truyền thông.

- Ưu tiên người đang là cộng tác viên của Báo Pháp luật Việt Nam có nhiều đóng góp trong công tác.

b. Biên tập viên:

- Có trình độ đại học trở lên, ưu tiên chuyên ngành Luật, Báo chí;

- Có năng lực viết và biên tập tin, bài; tổ chức xuất bản ấn phẩm báo chí in và báo chí điện tử, multimedia;

- Có năng lực tổng hợp, nắm bắt các vấn đề chính trị - xã hội – kinh tế, văn hóa trong nước và quốc tế;

- Thông minh, sáng tạo, bản lĩnh chính trị tốt; chịu được gian khổ và sẵn sàng chấp nhận đi công tác xa;

- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng được một số phương tiện nghe nhìn thông dụng để hỗ trợ tác nghiệp;

- Có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong công tác báo chí, truyền thông.

- Ưu tiên người đang là cộng tác viên của Báo Pháp luật Việt Nam có nhiều đóng góp trong công tác.

c. Kỹ thuật viên:

- Có trình độ cao đẳng trở lên, ưu tiên chuyên ngành quay phim, MC.

- Có nền tảng về truyền thông, mỹ thuật, thiết kế đồ họa (đối với kỹ thuật viên),

- Thành thạo các phần mềm chỉnh sửa, dựng phim (đối với kỹ thuật viên)

- Có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm về quay dựng phim, biên tập video (đối với kỹ thuật viên).

-Có nền tảng kiến thức tốt, đặc biệt về chính trị, xã hội và pháp luật (đối với MC),

-Có hình thức, giọng nói phù hợp (đối với MC).

- Ưu tiên người đang là cộng tác viên của Báo Pháp luật Việt Nam có thành tích trong công tác.

3. Hồ sơ đăng ký dự tuyển, thời gian và địa điểm tiếp nhận Hồ sơ đăng ký dự tuyển của người đăng ký dự tuyển

Mỗi ứng viên chỉ được đăng ký dự tuyển vào 01 vị trí việc làm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về hồ sơ đăng ký dự tuyển. Trường hợp thí sinh nộp vào từ 02 vị trí trở lên hoặc khai không đúng sự thật sẽ bị loại khỏi danh sách dự thi hoặc bị hủy kết quả xét tuyển. Hồ sơ đã nộp sẽ không được trả lại.

3.1. Đối với viên chức

Ứng viên nộp đầy đủ hồ sơ theo danh mục sau:

- Phiếu đăng ký dự tuyển theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/09/2020 của Chính phủ;

- 5 tác phẩm báo chí được đăng trên báo giấy hoặc báo điện tử trong năm 2021

3.2. Đối với hợp đồng lao động

Ứng viên nộp đầy đủ hồ sơ theo danh mục sau:

- Sơ yếu lý lịch tự thuật (có xác nhận của chính quyền địa phương);

- 5 tác phẩm báo chí được đăng trên báo giấy hoặc báo điện tử trong năm 2021 (đối với vị trí phóng viên, biên tập viên);

- 5 sản phẩm multimedia được dựng trong năm 2021 (đối với vị trí kỹ thuật viên);

- 5 bản tin được dẫn bởi ứng viên được thực hiện trong năm 2021 (đối với vị trí MC)

3.3. Thời gian và địa điểm tiếp nhận Hồ sơ

- Thời gian nộp Phiếu đăng ký dự tuyển: Trong giờ hành chính (buổi sáng từ 08h00 đến 12h00; buổi chiều từ 14h00 đến 17h00) các ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ ngày 15/2/2022 đến hết ngày 15/3/2022.

- Địa điểm nộp hồ sơ: Ban Trị sự, Báo Pháp luật Việt Nam (số 42/29 Nguyễn Chí Thanh, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội). Điện thoại: 024.37245181.

4. Hình thức và nội dung tuyển dụng

4.1. Đối với viên chức: Áp dụng hình thức xét tuyển

- Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.

- Vòng 2: Kiểm tra sát hạch về kiến thức chung, kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành theo hình thức phỏng vấn về kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

4.2. Đối với hợp đồng lao động:

- Vòng 1: Xét hồ sơ

- Vòng 2: Kiểm tra sát hạch theo hình thức phỏng vấn về kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

4.3. Hình thức Thi vòng 2: kiểm tra sát hạch thông qua Phỏng vấn

4.3.1. Nội dung Phỏng vấn: Kiểm tra kiến thức chung, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

4.3.2. Thang điểm và thời gian phỏng vấn

- Thang điểm kiến thức chung: 100 điểm.

- Thang điểm kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp: 100 điểm.

Thời gian phỏng vấn: 30 phút/thí sinh (không kể thời gian chép đề).

5. Xác định người trúng tuyển

Việc xác định người trúng tuyển được thực hiện theo quy định tại khoản Điều 10 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

5.1. Người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển viên chức phải có đủ các điều kiện sau:

- Có kết quả điểm phỏng vấn tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên.

- Có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên quy định tại Điều 6 Nghị định 115/2020/NĐ-CP cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

- Trường hợp có từ 02 người trở lên có tổng số điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí việc làm cần tuyển thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển.

5.2. Đối tượng và điểm ưu tiên trong tuyển dụng viên chức:

- Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B: Được cộng 7,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;

- Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Được cộng 5 điểm vào kết quả điểm vòng 2;

- Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong: Được cộng 2,5 điểm vào kết quả điểm vòng 2.

5.3. Trường hợp người dự thi tuyển viên chức thuộc nhiều diện ưu tiên thì chỉ được cộng điểm ưu tiên cao nhất vào kết quả điểm thi tại vòng 2.

5.4. Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển viên chức không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

Nếu cần biết thêm thông tin chi tiết, xin liên hệ theo địa chỉ: Ms Đào Thị Hà, Phó Trưởng Ban Trị sự, Báo Pháp luật Việt Nam, số 42/29 Nguyễn Chí Thanh, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 024.37245181./.

Đọc thêm