63/63 tỉnh, thành phố đã có lưới truyền tải điện quốc gia
Trong thông điệp đầu Xuân Nhâm Dần gửi đến toàn thể người lao động, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) Nguyễn Tuấn Tùng - chia sẻ, năm qua, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng "Tổng" này đã đạt được khá nhiều kết quả trong công tác đầu tư xây dựng. Cụ thể, toàn Tổng công ty thực hiện khối lượng đầu tư lớn, với tổng giá trị là 16.499 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch (điều chỉnh).
EVNNPT đã phê duyệt được 108 báo cáo nghiên cứu khả thi, tăng 27,1%; 58 thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tăng 65,7% so với năm 2020; đã thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu cho 1.052 gói thầu các loại với tổng giá trị trúng thầu 9.001,7 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 7,45%.
EVNNPT cũng đã hoàn thành đưa vào vận hành 42 dự án, trong đó có các dự án có vai trò hết sức dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, năng lượng tái tạo, thủy điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện như: các đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2; Mỹ Tho - Đức Hòa; trạm biến áp 500 kV Đức Hòa; nâng công suất trạm biến áp 500 kV Pleiku 2; Các đường dây 220 kV Mường Tè - Lai Châu, Đông Hà - Lao Bảo, Quảng Ngãi - Quy Nhơn; các trạm biến áp 220 kV Thủy Nguyên (trạm biến áp số đầu tiên của Việt Nam), Bến Lức, Giá Rai,...
Việc hoàn thành đóng điện trạm biến áp 220 kV Lạng Sơn đã ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử EVNNPT khi toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố đã có lưới truyền tải điện quốc gia. Trong bối cảnh phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài trong công tác đầu tư xây dựng, đặc biệt là bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Thành tích trên đã thể hiện những cố gắng, nỗ lực rất lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên EVNNPT trong công tác đầu tư xây dựng.
Đáng chú ý, năm qua, EVNNPT đã thực hiện thành công năm chuyển đổi số của EVN, với chiến lược “Ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực truyền tải điện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040” cùng các Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại EVNNPT” và “Lưới điện thông minh của EVNNPT”.
Nhiều dự án và đề án đã hoàn thành như Trạm biến áp số; Giám sát nhiệt động đường dây, Mô hình thông tin công trình; Hệ thống an toàn, an ninh thông tin; Thiết bị bay không người lái và nghiên cứu ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh,…
|
Công trình trạm biến áp và đường dây phục vụ giải tỏa công suất năng lượng tái tạo, EVNNPT hoàn thành trong năm 2021 |
Thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả
Năm 2022, dự báo sẽ phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 về sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và tài chính, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Tuấn Tùng đã đề nghị toàn thể cán bộ, công nhân viên tập trung vào thực hiện tốt một số nhiệm vụ, công việc trọng tâm.
Trong đó, việc triển khai các nhiệm vụ để hoàn thành tốt Chủ đề năm 2022 của EVNNPT là “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” được đặt lên đầu tiên.
Một số nhiệm vụ khác được người đứng đầu Truyền tải điện Quốc gia nhắc đến như tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để rút ngắn thời gian thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tăng cường quản lý chất lượng dự án đầu tư; đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án giải tỏa công suất các nhà máy điện BOT (nhất là BOT Vân Phong 1), năng lượng tái tạo, thủy điện khu vực Tây Bắc và các dự án phục vụ nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc…
Chủ tịch Nguyễn Tuấn Tùng cũng đề nghị, trong năm 2022 cần tập trung cao độ thực hiện các giải pháp để quản trị rủi ro trong EVNNPT, quản trị dòng tiền hiệu quả; đảm bảo thu xếp hiệu quả và đủ vốn cho công tác đầu tư xây dựng; chủ động, tích cực triển khai các hình thức huy động vốn không có bảo lãnh của Chính phủ.
Ngoài ra, cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ thông tin trong các hoạt động của Tổng công ty. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng khoa học công nghệ theo lộ trình đã được phê duyệt, đặc biệt là chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành; đầu tư xây dựng; quản lý tài sản, vật tư thiết bị, nguồn vốn.